Monday, March 12, 2012

Bà Rịa - Vũng Tàu hết đất chôn rác

Hậu quả đã được cảnh báo

Theo thống kê, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát sinh khoảng 800 tấn rác thải sinh hoạt, phần lớn trong số đó được chôn lấp tại bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tạm thời rộng 15 ha thuộc xã Tóc Tiên. Việc chôn lấp rác tạm, không hợp vệ sinh tại khu vực này, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa, khi nước rỉ rác ngấm và tràn ra các khu vực chung quanh, ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Ðể khắc phục tình trạng này, tháng 11-2010, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu có tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho phép đầu tư bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo quy trình hợp vệ sinh. Dự án được chia làm hai giai đoạn, với tổng mức đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, đơn giá xử lý khoảng 72 nghìn đồng/tấn rác. Trong giai đoạn chưa đủ khả năng xây dựng một nhà máy xử lý rác hiện đại, việc đầu tư một bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay, đáp ứng được các yêu cầu về vốn đầu tư, bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh ô nhiễm. Theo đúng tiến độ, đến năm 2012, dự án này sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dự án đã phải ngừng triển khai trong khi địa phương chưa có một giải pháp tối ưu thay thế. Theo báo cáo ngày 26-5-2011 của Công ty Môi trường (đơn vị quản lý bãi chôn lấp rác thải tạm tại Tóc Tiên),  "việc chôn lấp rác tạm thời như hiện nay không những gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí rất lớn về diện tích đất sử dụng (gấp từ bảy đến tám lần chôn lấp rác hợp vệ sinh). Với quy trình chôn lấp rác tạm thời, hố chôn rác chỉ đào được ở độ sâu 4-5m, với khối lượng rác xử lý hằng ngày lớn như hiện nay, một năm cần phải sử dụng một diện tích đất  từ năm đến sáu ha cho việc chôn lấp. Hiện, diện tích đất cho việc chôn lấp trong bãi Tóc Tiên còn lại khoảng 2,5 ha, dự kiến đến tháng 2-2012 sẽ hết đất dành cho chôn lấp rác".

Như vậy, hậu quả của tình trạng chôn lấp rác tạm thời, không hợp vệ sinh và nhất là tình trạng hết đất để chôn rác, phải đổ rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường như hiện nay đã được cảnh báo từ lâu. Phải chăng các cơ quan quản lý của Bà Rịa - Vũng Tàu quá chủ quan và thờ ơ trước thực trạng này?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngay sau khi dự án bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo quy trình hợp vệ sinh bị "đình lại", nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã đặt câu hỏi: Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ làm gì khi bãi chôn lấp rác thải tạm tại xã Tóc Tiên bị lấp đầy? Bởi theo lộ trình đã được phê duyệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, tỉnh lựa chọn quy trình chôn lấp kín, hợp vệ sinh nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, để đến giai đoạn 2016-2020 sẽ chuyển toàn bộ sang quy trình đốt, kết hợp phát điện và khí thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Và trước tình trạng ô nhiễm môi trường do không còn quỹ đất chôn lấp tạm, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu lại đề xuất giao cho Công ty TNHH KBEC Vina (Hàn Quốc) xử lý chôn rác sinh hoạt chung với bãi xử lý rác công nghiệp mà công ty này đã có trước đó tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Vấn đề đặt ra là, nếu để Công ty KBEC chôn lấp rác sinh hoạt (với đơn giá 13 USD/tấn rác), thì ngay từ năm đầu ngân sách tỉnh đã phải trả cho công ty này khoảng 80 tỷ đồng. Nếu so với chi phí trả cho dự án bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị theo quy trình hợp vệ sinh của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh là 21 tỷ đồng, thì ngân sách địa phương phải trả thêm khoảng 60 tỷ đồng. Như vậy, tính đến năm 2015, ngân sách tỉnh phải chi trả thêm hàng trăm tỷ đồng cho Công ty TNHH KBEC Vina. Việc để Công ty TNHH KBEC Vina chôn rác thải sinh hoạt với rác thải rắn công nghiệp cũng sẽ khiến quy hoạch đã được xác lập của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên thay đổi. Việc điều chỉnh quy hoạch cho một mục tiêu xử lý rác sinh hoạt trước mắt sẽ dẫn tới sự manh mún, hỗn độn, ảnh hưởng đến công năng, hiệu quả của cả khu xử lý.

Tại buổi họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng hết chỗ chôn rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vừa được tổ chức sáng 7-3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề xuất phương án đắp bờ bao tại một phần diện tích đã chôn lấp rác để làm khu vực tập kết rác tạm thời (rác đổ lộ thiên) để chờ đàm phán, ký hợp đồng với Công ty KBEC Vina.

Vấn đề đặt ra, vì sao một tỉnh giàu tiềm lực như Bà Rịa - Vũng Tàu lại chủ động dừng một dự án đáp ứng được gần như toàn bộ các yêu cầu về xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh, để tự đặt mình vào thế yếu khi đàm phán với đối tác nước ngoài cũng chỉ để... chôn rác, nhưng với chi phí cao hơn gấp nhiều lần? Trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tình trạng này?

Bài và ảnh: LÊ ANH TUẤN

No comments:

Post a Comment