Thursday, March 29, 2012

Cần khung chính sách đồng bộ

*Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về số vốn đầu tư tại Việt Nam.


Vẫn còn lạc hậu, manh mún 

Hiện nay, tỉ lệ nội địa hóa của nhiều ngành công nghiệp vẫn ở mức thấp như: Ngành Cơ khí chỉ đạt 26,5%, trong khi tỉ lệ này ở các nước trong khu vực như Thái Lan là 53,9%, Malaysia là 41,3% và Indonesia là 39,5%. Công nghiệp xe máy có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất, đạt 70 - 90%, nhưng thực tế trên 50% trong đó do DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Ngành Dệt may vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường nguyên phụ liệu nước ngoài, trong đó có những DN phải nhập khẩu tới 70 - 90%... Do vậy, dù tỷ lệ DN nội sử dụng hàng hóa tăng, song kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư, linh kiện sản xuất của cả nước vẫn liên tục tăng cao.


Cụ thể, năm 2011, nhập khẩu cả nước ước đạt 105,8 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm hơn 90%, không giảm so với cùng kỳ năm 2010. Hai tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 15,9 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhiều mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh (gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,2%; vải tăng 4,5%; chất dẻo tăng 9,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 9,8%...).


Do phải nhập khẩu nên khả năng cạnh tranh của CNPT Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực về giá cả và thời hạn giao hàng. Các sản phẩm chất lượng cao hầu hết do các Cty nước ngoài đảm nhận. Sản phẩm do DN trong nước sản xuất chủ yếu cung cấp cho thị trường tiêu dùng nội địa. Nguyên nhân là do ngành CNPT của Việt Nam vẫn lạc hậu, manh mún, chủ yếu tập trung sản xuất các linh kiện chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp.


Do vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, bài toán cho các nhà điều hành Việt Nam là phải làm sao phát triển và chủ động được các linh phụ kiện…


Theo khuyến cáo của Cục Quản lý DN nhỏ và vừa Nhật Bản và Ủy ban Đặc biệt hỗ trợ toàn cầu Cty vừa và nhỏ, Hiệp hội DN Nhật Bản, ngành Công nghiệp chế tạo của Nhật Bản hiện có khoảng 220.000 Cty, trong đó mới chỉ có 2,7% số Cty đầu tư ra nước ngoài. Đây là tiềm năng để Việt Nam thu hút đầu tư CNPT từ Nhật Bản.


Phát triển quy mô thị trường đủ lớn


Những bất cập, hạn chế của CNPT Việt Nam, trước hết là do chưa có khung chính sách đồng bộ. Văn bản pháp lý duy nhất là quy hoạch được phê duyệt năm 2007 và quyết định về chính sách phát triển CNPT chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; chưa có chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào CNPT. Bên cạnh đó, năng lực của các DN trong nước và nguồn lao động kỹ thuật còn hạn chế; thiếu cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động thúc đẩy phát triển CNPT.


Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào CNPT cần phải phát triển quy mô thị trường đủ lớn, thu hút các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt đối với các linh kiện gọn nhẹ, không có yêu cầu khắt khe về giao hàng đúng hạn. Bên cạnh đó, có thể thu hút các DN nước ngoài bằng môi trường đầu tư hấp dẫn.


Các chuyên gia cũng lưu ý, CNPT là ngành kết tinh sáng tạo, với công nghệ tiên tiến, tối tân nên đòi hỏi lao động trình độ cao, phải được đào tạo chuyên sâu và nghiêm túc. Đồng thời, ngành này cũng đòi hỏi nhiều thời gian và vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Vì vậy, Nhà nước cần có khung chính sách đồng bộ, trong đó có cơ chế, chính sách ưu đãi (vốn, thuế…). Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư cũng không nên một chiều, mà cân nhắc xem phát triển theo hướng nào và yêu cầu DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đấy. Như vậy sẽ phát triển theo hướng song phương, cả hai bên đều có lợi.



Việt Nam phải chứng minh được lợi thế hấp dẫn



Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, tính đến tháng 2/2012, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 1.692 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 24,7 tỷ USD. Trong đó, nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, CNPT. Nếu môi trường đầu tư thuận lợi hơn, chắc chắn nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ Nhật Bản sẽ không ngần ngại đổ vốn vào ngành CNPT non trẻ của Việt Nam.


Tuy nhiên, “dù coi Việt Nam là đích đến, nhưng các DN Nhật Bản cũng rất cân nhắc cơ hội cũng như rủi ro khi quyết định đầu tư. Do đó, để thu hút các DN Nhật Bản, Việt Nam phải chứng minh được về lợi thế hấp dẫn hơn các nước trong khu vực”, ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh.


Nghiên cứu của JICA cho thấy, các DN nhỏ và vừa Nhật Bản thường không đủ khả năng tài chính mua quyền sử dụng đất xây dựng cơ sở sản xuất, chính vì vậy, các khu công nghiệp được coi là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, các DN nhỏ và vừa Nhật Bản cho rằng, hệ thống các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo. 


Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút các DN nước ngoài nói chung và các DN nhỏ và vừa Nhật Bản nói riêng trong lĩnh vực hỗ trợ, Việt Nam phải thu hút được các Cty chủ đạo (các nhà lắp ráp quy mô lớn), vì các DN nhỏ và vừa sẽ đi theo để phục vụ các Cty lớn. Do đó, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng.


 


Minh Phong

No comments:

Post a Comment