Friday, March 30, 2012

"Cánh tay nối dài" trên biển

 Đại tá Trần Công Hiểu, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 6.690 tàu, thuyền, tập trung ở các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, mỗi đội tàu có từ 3-5 chiếc... Đây là điểm thuận lợi để địa phương tổ chức lực lượng dân quân tự vệ biển theo tổ, đội, trung đội và theo từng tuyến. Thực hiện phương châm: "Ở đâu có tàu, thuyền hoạt động trên biển và có dân định cư ven biển thì ở đó có dân quân tự vệ biển", tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai tổ chức lực lượng dân quân tự vệ biển theo mô hình mới ở 100% xã, phường, thị trấn ven biển.

 Hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ biển trên địa bàn làm việc trên các tàu, thuyền được tổ chức rộng khắp trên cả ba tuyến: Tuyến khơi, tuyến lộng và tuyến bờ. Lực lượng này được tuyển chọn kỹ, hầu hết là những người trong một gia đình, dòng họ, làm việc trên cùng một phương tiện, được trang bị vũ khí và trang phục thống nhất. Ở mỗi tuyến đều có người chỉ huy, giữ liên lạc giữa các tuyến trên biển với đất liền, có quy chế phối hợp với các đồn, trạm của BĐBP cùng các lực lượng nắm tình hình, giữ gìn an ninh trật tự và hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản trên biển.

Theo chân Trung tá Đinh Trung Hưng, Đồn trưởng Đồn BP Phước Tĩnh xuống thăm anh em trong trung đội dân quân tự vệ biển của thị trấn Long Hải đang tập huấn nghiệp vụ. Anh cho biết, dân quân tự vệ biển là lực lượng hết sức quan trọng, giúp cho lực lượng BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồn BP Phước Tĩnh thường xuyên quán triệt cho lực lượng dân quân tự vệ biển các nội dung về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Chiến lược biển đến năm 2020 của Đảng, Nhà nước và quan điểm, mục tiêu, phương châm đối sách trên từng lĩnh vực, tình huống cụ thể trên biển, đảo... Bên cạnh đó, đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng dân quân tự vệ biển. Cán bộ tiểu đội, trung đội được bảo đảm chế độ phụ cấp theo quy định, chiến sĩ dân quân có trang phục thống nhất... Hằng năm, đơn vị tổ chức huấn luyện kỹ thuật bắn súng; kỹ năng thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin, tình huống chiến đấu...

Theo Trung tá Đinh Trung Hưng, hiệu quả lớn nhất của dân quân tự vệ biển trong thời gian qua là việc thu thập, báo cáo thông tin, tình hình an ninh trật tự trên biển. Từ những thông tin ấy lực lượng BĐBP đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý hàng chục vụ đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, xung điện, trộm cắp tài sản, ngư cụ cũng như những tai nạn của ngư dân trên biển... 

Trung tá Hưng trăn trở: Chất lượng, hiệu quả hoạt động của dân quân tự vệ biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu là khá rõ, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo trong tình hình mới.

Anh Trần Quốc Phú, cán bộ trung đội dân quân tự vệ biển thị trấn Long Hải bộc bạch: "Đều là những người sống trên biển từ bé, bao nắng mưa, vất vả trên biển chúng tôi đều đã quen. Trong quá trình đi lao động, làm ăn trên biển chứng kiến anh em trong trung đội luôn đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng hỗ trợ nhau làm ăn, không còn tình trạng đơn ghe, lẻ tàu, mạnh ai nấy làm như trước đây. Tuy nhiên, vì đa phần ghe, tàu của anh em trong trung đội đều là những phương tiện nhỏ, công suất yếu nên không thể đi khai thác những vùng biển xa, cũng rất khó khăn trong phối hợp xua đuổi các tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền nước ta. Gần đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên một số anh em trong trung đội dù rất tâm huyết với công việc, nhưng đã phải bỏ nghề biển để đi tìm công việc mới hoặc đi làm thuê cho các chủ tàu lớn ở những địa phương khác. Với chúng tôi, tuy khó khăn là vậy, nhưng sẽ quyết tâm bám biển, bám ngư trường để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc".

No comments:

Post a Comment