Saturday, March 10, 2012

Tư vấn tuyển sinh tại Bà Rịa-Vũng Tàu

"Tư vấn tuyển sinh" đến Bà Rịa-Vũng Tàu


TTO - Từ 13g chiều 10-3, khoảng 2.000 học sinh các trường THPT tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung tại trường THPT Võ Thị Sáu tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp tổ chức.


Chương trình cũng đã nhận được sự hỗ trợ, tham gia của hội cựu học sinh Đất Đỏ đang công tác tại TP.HCM.




Các học sinh nhận quà tặng của báo Tuổi Trẻ tại chương trình tư vấn - Ảnh: Minh Đức

Đông đảo học sinh các trường THPT tại Bà Rịa - Vũng Tàu như Võ Thị Sáu, Xuyên Mộc, Bà Rịa, Dương Bạch Mai, Trần Quang Khải, Trần Văn Quang, Phú Mỹ... đã có mặt tại khu vực tư vấn chung và chuẩn bị các câu hỏi để gửi lên ban tư vấn.


Trước khai mạc, những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” đầy chất học trò đến từ các trường THPT đã làm không khí sôi động, xua bớt cái nắng nóng đầu giờ chiều nơi miền đất đỏ.


“Hôm nay thực sự là ngày hội đối với các em. Kỳ tuyển sinh sắp tới có thay đổi nên các em còn nhiều băn khoăn, e dè và bỡ ngỡ. Mong rằng sau chương trình tư vấn, các em sẽ tự tin, có đầy đủ thông tin để lựa chọn và đạt thành tích cao trong kỳ tuyển sinh 2012, trở thành những người có ích cho địa phương và xã hội sau này” - thầy Nguyễn Văn Tú, hiệu trưởng nhà trường, phát biểu.




Các bạn học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sôi nổi tại chương trình TƯ vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2012 chiều 10-3 - Ảnh: Minh Đức

Mở đầu chương trình tư vấn chung, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cung cấp cho các bạn học sinh những thông tin mới nhất về kỳ tuyển sinh 2012 các trường ĐH, CĐ. Về cơ bản, kỳ tuyển sinh năm năm vẫn thực hiện theo phương án “ba chung”: thi chung đợt, làm chung đề thi, sử dụng chung kết quả. Đợt thi 1 (ngày 4 đến 5-7-2012) bổ sung thêm thối thi A1 gồm các môn toán, lý và anh văn. Một số trường đã bổ sung thêm khối thi A1 giúp học sinh có thêm chọn lựa.


Về xét ưu tiên: những HS đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong các kỳ thi quốc gia sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. HS là con em người dân tộc sẽ được tuyển thẳng, sẽ được bồi dưỡng văn hóa một năm trước khi vào học chính thức. Chương trình giảm tải của Bộ GD-ĐT không nằm trong đề thi ĐH, CĐ. Đề thi ra không đánh đố nhưng có phân loại học sinh, toàn bộ đề nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.




PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cung cấp những thông tin chung của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 tại phần tư vấn chung - Ảnh: Minh Đức

Năm 2011, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 15.570 thí sinh dự thi ĐH, CĐ, điểm trung bình 11,34 điểm/3 môn. Đây là kết quả khá, xếp thứ hạng 14/ 64 tỉnh thành. Trong đó có 10 trường có điểm thi nằm trong top 500 và 2 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Vũng Tàu nằm trong top 100.


Trường THPT Võ Thị Sáu xếp thứ hạng 495/2.707 cơ sở đào tạo bậc THPT. Đây là điều rất khả quan, hi vọng các em sẽ phát huy và gặt hái những kết quả tốt hơn trong kỳ thi 2012.


* Em có mong muốn sau này ra trường được công tác gần nhà, vậy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cần nguồn nhân lực ở những ngành nghề nào?


- Thầy Phan Sơn Trường, phó phòng GDCN, Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu: Đây là một câu hỏi khó trả lời chính xác và toàn diện. Năm nay các em tốt nghiệp THPT, trúng tuyển vào ĐH, CĐ thì 4-5 thậm chí 6 năm sau mới ra trường. Lúc đó nhu cầu ngành nghề tỉnh nhà sẽ có những thay đổi. Tuy nhiên, tôi có thể nói các ngành có thể phát triển trong những năm tới ở địa phương có các ngành như: dịch vụ cảng biển, ngành y... cũng đang thiếu nguồn nhân lực.


- ThS Phan Thế Hải, phó hiệu trưởng CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu: Hiện nay Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu đang phấn đấu năm 2014 trở thành trường ĐH sư phạm công lập. Nếu các em chọn các ngành liên quan đến các ngành kinh tế, sư phạm thì sẽ có cơ hội làm việc rất cao tại tỉnh nhà.


* Có thể thi hai khối vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM? Em phải nộp hồ sơ ở đâu?


- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có rất nhiều ngành thi hai khối, nhóm ngành kỹ thuật thi khối A và B, nhóm quản lý kinh tế thi A và D1... Em thấy mạnh về khối nào thì thi khối đó. Các em nộp hồ sơ tại trường mình đang học. Nếu là thí sinh tự do thì nộp hồ sơ tại các điểm mà Sở GD-ĐT quy định.


Từ 15-3 đến 16-4, các em nộp ở địa phương, thời gian sau đó các em có thể đến trực tiếp các trường ĐH để nộp.


* Em học ngành kế toán kiểm toán thì cơ hội làm việc có cao không?


- TS Trần Thế Hoàng: Tôi xin nói thêm về nhu cầu nhân lực địa phương, đối với khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có một thế mạnh là hệ thống du lịch thu hút nguồn nhân lực. Ngoài ra thế mạnh về khai thác, xuất khẩu thủy sản cũng sẽ thu hút sinh viên.


Riêng ngành kế toán kiểm toán cũng là ngành cần nguồn nhân lực cao. Phải nói rằng không có lĩnh vực nào là không có nguy cơ thất nghiệp. Tuy nhiên ngành kế toán luôn mở rộng cửa để đón các bạn. Từ trường học cho đến doanh nghiệp, các ngành kinh tế, xã hội... đều cần vị trí kế toán.


Nhu cầu đối với ngành này hiện nay là nhu cầu có thực. Thất nghiệp hay không, nhu cầu xã hội có lớn hay không còn phụ thuộc vào năng lực của bản thân bạn, có đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng hay không.


* Trong cấu trúc đề thi đại học năm nay, có bao nhiêu % kiến thức nằm trong chương trình lớp 10, 11?


- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Rất khó nói được bao nhiêu phần trăm nằm ở chương trình lớp nào. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, trong đó chủ yếu là chương trình lớp 12. Như vậy em cần có kiến thức nền tảng của lớp 10, lớp 11 phải nắm để có thể học tốt chương trình lớp 12. Đề thi các em trung bình có thể làm được, có những câu khó để phân loại học sinh khá, giỏi.


* Khối thi A1 là khối thi mới, em muốn biết, khối thi A1 năm nay nó có khó khăn, thuận lợi gì và thầy cô nhận định số lượng thí sinh tham gia ra sao? Xét tuyển nguyện vọng 2 năm nay như thế nào?


- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Năm nay, trong đợt thi thứ nhất có bổ sung khối A1. Khối này ra đời thì các em sẽ có thêm cơ hội cho các em. Nếu các em mạnh về ngoại ngữ, yếu môn hóa thì sẽ có khối khác để chọn lựa chứ không chỉ khối A. Hai khối khác nhau môn hóa và ngoại ngữ. Các em cứ mạnh dạn đăng ký, không có vấn đề gì phải lo lắng.


Về xét tuyển NV2, trong hồ sơ dự thi của các em chỉ có duy nhất một nguyện vọng. Điều kiện để đăng ký NV2 là phải rớt NV1. Nếu rớt NV1 mà điểm của em cao hơn điểm sàn, sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận điểm để xét NV 2, 3 ở các trường còn chỉ tiêu. Năm nay thời gian xét tuyển NV2 dài hơn, kéo dài tới 30-11.


Khi rớt NV1, em cần tìm hiểu thông tin kịp thời, ngành mình thích, trường còn chỉ tiêu là được. Các em hãy theo dõi trên phương tiện thông đại chúng về chỉ tiêu tuyển sinh NV2 của các trường. Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các em sử dụng bảng chứng nhận điểm photo. Tuy nhiên, có trường chỉ nhận bản gốc, không nhận bản sao.


- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Ở các thành phố lớn, học sinh học ngoại ngữ giỏi chiếm tỷ lệ rất nhiều so với học sinh các vùng huyện, nông tin, tỉnh lẻ. Vì vậy tôi dự đoán các HS thành phố sẽ thi nhiều vào khối A1. Như vậy các em phải có trình độ ngại ngữ khá giỏi, mới có thể cạnh tranh với các bạn.


* Làm thế nào để biết ngành nghề đó có phù hợp với mình hay không?


- TS Nguyễn Kim Quang: Chính bản thân bạn phải biết bạn có sở thích gì, ở mức độ nào. Hãy liệt kê tất cả những ngành bạn thích và liệt kê các trường đào tạo ngành đó. Những ngành đó có gây cho bạn niềm yêu thích, cảm xúc gì không? Để củng cố niềm tin, sự yêu thích, có thể nêu lên sở thích đó xem cha mẹ, thầy cô, bạn bè có đồng tình, ủng hộ bạn vào ngành đó hay không? Sở thích của bản thân chính bản thân ta là người hiểu rõ nhất.


Tuy nhiên ngoài thích, còn phải xem năng lực của mình có hợp với ngành đó không. Bạn thích nhưng năng lực bạn không có, bạn không thể thi vào những trường đào tạo ngành đó thì cũng rất khó khăn. 


Khi xác định được năng lực, sở thích rồi, bạn hãy căn cứ thông tin để chọn khối thi, chọn trường có mức điểm chuẩn phù hợp với bạn. Nếu có sự tập trung, đam mêm với ngành nghề thì sẽ thành công trên con đường mà mình đã chọn.


Thời gian không còn nhiều, nhưng nếu các bạn tập trung hết sức vào một khối thi mạnh nhất, ôn luyện thì sẽ đạt kết quả cao nhất. Nếu không đi thẳng vào ĐH được, thì hãy mạnh dạn vào cao đẳng đúng ngành mình thích, sau này có cơ hội liên thông...


* Mơ ước của em là được làm tiếp viên hàng không, nhưng em lùn và xấu, gia đình không có gốc gác lớn, vậy em có nên thi vào trường này, ngành này hay không?


- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu bạn không đạt được những tiêu chuẩn, quy định về ngoại hình của ngành tuyển thì không nên thi vào. Nếu bạn yêu thích nghề đó thì có thể xem xét lại những điều kiện tuyển của ngành đó.


Trong ngành hàng không, ngoài tiếp viên còn có rất nhiều vị trí không tuyển ngoại hình. Nếu thực sự thích thì bạn vẫn có thể thi được vào những vị trí khác gần với ngành đó.



No comments:

Post a Comment