Saturday, March 3, 2012

Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thực tế cho thấy, sản xuất công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua tuy đạt mức tăng trưởng khá nhưng vẫn còn nặng về khai thác, gia công và lắp ráp; giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp đạt tỷ lệ thấp, chưa quá 3%, dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Sản phẩm công nghiệp địa phương hầu hết tập trung ở một số ngành như: cơ khí, may mặc, giày da, điện tử... trong đó các nguyên vật liệu, linh kiện chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Ngành CNHT phát triển nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu phục vụ ngành kỹ thuật dầu khí, chưa có định hướng chiến lược tập trung vào một số ngành trọng điểm để phát triển. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 79 dự án ngành CNHT, với tổng vốn đầu tư hơn 781 triệu USD và khoảng 1.000 cơ sở sản xuất nhỏ. Hầu hết các sản phẩm làm ra chỉ mới đáp ứng được tỷ lệ nhỏ nhu cầu thay thế hàng nhập khẩu, chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu để cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia đầu ngành, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều lợi thế, cả trước mắt lẫn lâu dài, để tập trung phát triển ngành CNHT, trong đó có hệ thống cảng nước sâu trên sông Thị Vải - Cái Mép. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều cho rằng, đây là thế mạnh vượt trội của địa phương và dự báo về một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào ngành CNHT này tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo dự thảo quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2025, trong thời gian tới, tỉnh xác định quy hoạch các ngành CNHT gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển công nghiệp. Trong đó, phát triển CNHT sẽ trở thành nền tảng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế tạo theo hướng sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm sự phát triển bền vững. CNHT của tỉnh phấn đấu trở thành một mắt xích trong mạng lưới sản xuất của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cả nước và khu vực. Theo đó, sẽ ưu tiên tập trung phát triển các lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu chất lượng cao, linh kiện ngành ô-tô, xe máy, điện tử gia dụng, sản xuất thiết bị linh kiện phục vụ khai thác và chế biến dầu khí; thép chế tạo, công nghiệp tàu thủy, công nghiệp điện tử - tin học, công nghiệp nhựa - hóa dầu... Giai đoạn đến năm 2020, sẽ khuyến khích thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đang cần với công nghệ cao, hiện đại, không ảnh hưởng môi trường. Việc phát triển CNHT sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời là đầu mối quan trọng để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm về lĩnh vực CNHT một cách nhanh nhất.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, CNHT hầu hết do hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhiệm. Ðây là khu vực doanh nghiệp năng động, tạo nhiều việc làm và khả năng thích nghi nhanh với những tác động của kinh tế toàn cầu. Phát triển CNHT có những đặc thù về phân công lao động, chuyên môn hóa, vì vậy đòi hỏi phải được phát triển theo những khu vực tập trung. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển CNHT, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang triển khai nhiều biện pháp để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp này. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là ban hành các chính sách kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là tăng cường xúc tiến đầu tư tới các nước có ngành CNHT phát triển trong khu vực. Cụ thể, trong năm 2011, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hai đợt xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản nhằm kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh. Phía đối tác Nhật Bản cũng đã tổ chức năm đoàn đến Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực CNHT và logistics. Mới đây, ngày 29-2, ông Hi-đê-ô Ô-cư-bô, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Forval, Chủ tịch Ủy ban Hỗ trợ toàn cầu doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tư vấn và hỗ trợ địa phương đẩy mạnh việc phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu về CNHT. Ông Hi-đê-ô Ô-cư-bô đánh giá cao tiềm năng và triển vọng của Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc phát triển và thu hút đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này.

Phát triển CNHT là bước đi quan trọng để Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, bền vững. Ðây là hướng đi tất yếu để khắc phục những hạn chế của ngành công nghiệp hiện tại, đáp ứng nhu cầu cung cấp vật tư, nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện cho sản xuất công nghiệp của tỉnh và cả nước; giảm tỷ lệ nhập siêu, đồng thời tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp toàn cầu.

No comments:

Post a Comment