Tuesday, September 4, 2012

Ba Ria - Vung Tau: Nguy co tai nan o cau Rach Nga Tu

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nguy cơ tai nạn ở cầu Rạch Ngã Tư

Cách đây 1 năm, cầu Rạch Ngã Tư nằm trong gói thầu số 5, tức gói thầu xây dựng cầu và đường nối từ quốc lộ 51 xuống cảng Cái Mép thuộc dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) chính thức được đưa vào hoạt động, góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông trên tuyến đường 965. Nhưng cũng chính cây cầu tiện lợi cho đường bộ này lại là nguyên nhân làm đình trệ cũng như gây mất an toàn cho hoạt động của các phương tiện giao thông thủy nội địa…

Cầu Rạch Ngã Tư có thiết kế quá thấp, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông đường thủy khi qua đây.

Rạch Ngã Tư có điểm đầu là sông Thị Vải và điểm cuối là sông Mỏ Nhát,  dài 4,78 km, chiều rộng bình quân 80m, là một trong những tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối từ cụm cảng Tân Thành, BR-VT đi qua sông Thị Vải đến Gò Gia, vào TP.Hồ Chí Minh.

Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa BR-VT Mai Thế Hùng cho biết: "Do phần tĩnh không thông thuyền của cầu Rạch Ngã Tư thiết kế quá thấp, chỉ 3,5m, chiều rộng 34m, độ sâu luồng thiết kế khoang thông cầu là 4m, nên khi đưa vào sử dụng không lâu đã phát sinh những khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện thủy nội địa khi qua cầu. Cụ thể là gặp khi nước lớn, các phương tiện đành nằm chờ đến khi con nước cạn mới mong lọt qua cầu. Ngay cả khi đó, việc lưu thông vẫn khó khăn vì phương tiện rất có thể bị mắc cạn."

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó trưởng văn phòng đại diện số 2, Cảng vụ Đường thủy nội địa BR-VT, cho biết thêm: "Từ khi xây cây cầu này, việc đi lại của phương tiện thủy nội địa hết sức khó khăn. Chúng tôi liên tục nhận được những phản ánh của thuyền trưởng các tàu, thuyền."

Đối với các chủ phương tiện, việc đi lại ở khu vực này hiện phức tạp và mất thời gian hơn trước khi có cầu rất nhiều. Vào mùa này, trong ngày có 4 con nước, thuyền đi gặp lúc nước lên phải loanh quanh chờ hơn nửa ngày, đến lúc nước cạn mới có thể qua cầu. Thuyền trưởng tàu SG-5473, ông Nguyễn Hoài Phong, cho biết: "Việc đi lại qua khu vực này rất khó khăn, phải chờ 6 giờ khi nước hạ thì mới qua được cầu..."

Ông Huỳnh Văn Ảnh, Quản lý cảng Cái Mép, cho rằng: "Do việc đi lại khó khăn đã kéo theo nhiều hệ lụy cho các cảng thủy nội địa ở khu vực này, rõ nhất là đã giảm khoảng 50% lượng tàu thuyền, xà lan qua lại tại Cảng thủy nội địa Cái Mép. Về kinh tế vì vậy cũng thiệt hại 50%".

Trước thực trạng trên, Cảng vụ đường thủy nội địa đã đề nghị UBND tỉnh BR-VT xem xét, phê duyệt bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Cảng vụ đường thủy nội địa, trong đó có các chức năng liên quan, như: trắc đạc, thu thập các số liệu về thủy văn, luồng tuyến có liên quan phục vụ công tác thông báo luồng; điều tiết khống chế đảm bảo an toàn giao thông kết hợp chống va trôi trên đường thủy nội địa đối với các trường hợp đột xuất chống bão lũ, thiên tai.

Ông Mai Thế Hùng, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa BR-VT, cho biết: "Nếu được giao, chúng tôi sẽ trang bị đèn hồng ngoại canh khoảng cách để báo cho các phương tiện biết lưu thông an toàn".

Trong số những phương tiện qua lại khu vực này, không chỉ có những phương tiện của người dân địa phương mà còn có cả những phương tiện vãng lai vốn không thông thuộc địa hình. Trước tình trạng cây cầu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, thì việc thành lập một chốt điều tiết giao thông ở đây là vấn đề cấp bách đang được đặt ra.

Đức Doanh

 

 

No comments:

Post a Comment