Friday, September 28, 2012

Quan ly tau canh ngam tuyen TP.HCM-Vung Tau: Nham vao thuyen truong, thuyen vien

Quản lý tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM-Vũng Tàu: Nhằm vào thuyền trưởng, thuyền viên

Trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu hiện có 4 công ty vận chuyển hành khách bằng tàu cánh ngầm. Trung bình mỗi ngày có từ 22-27 chuyến, mỗi năm tàu cánh ngầm vận chuyển hơn 1 triệu lượt khách, góp phần chia tải cho đường bộ. Tuy nhiên, những sự cố gần đây của tàu cánh ngầm khiến nhiều người lo ngại.

Yếu xử lý tình huống

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, từ năm 2007 đến nay các tàu cánh ngầm hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu năm nào cũng có sự cố. Nặng thì va chạm với các phương tiện khác, nhẹ thì hỏng máy giữa chừng, trôi dạt trên sông. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay đã có 6 sự cố của tàu cánh ngầm khiến hành khách đi tàu nhiều phen khiếp vía.

Hành khách nhiều phen khiếp vía với những sự cố tàu cành ngầm
dù chưa xảy ra thiệt hại về người.

Sự cố mới nhất là vào ngày 15/8/2012, khi tàu cánh ngầm Greenlines 3 trên hành trình từ TP.HCM về Vũng Tàu đến khu vực Bãi Trước đã bị sóng đánh vỡ kính ở khoang trước. 70 hành khách đi trên tàu một phen hoảng loạn phải tìm áo phao để mặc. Phải rất lâu sau đó mới có tàu ra ứng cứu.

Ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ TP.HCM cho biết, theo Thông tư 14 ngày 27/4/2012 của Bộ GTVT, khi có sự cố, chủ phương tiện phải báo về cho Cảng vụ để có phương án xử lý. Tuy nhiên ông Quang cho biết, những sự cố vừa qua các chủ phương tiện thường báo rất chậm, thậm chí giấu thông tin. "Theo quy định thì trong trường hợp xảy ra tai nạn mà chủ phương tiện không báo cáo thì mới bị xử phạt, còn nếu gặp sự cố mà chủ phương tiện xử lý êm xuôi thì vẫn không bị xử phạt".

Trong khi đó, theo ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6, một điểm yếu của các tàu cánh ngầm hiện này là việc xử lý sự cố tình huống của thuyền trưởng, nhân viên trên tàu. Khi các phương tiện gặp sự cố thì thuyền trưởng, nhân viên trên tàu hầu như không có những động thái như giải thích, thông báo để trấn an hành khách. "Nếu được tập huấn, đào tạo bài bản thì họ có thể xử lý các sự cố rất tốt để tạo sự yên tâm cho hành khách" ông Ninh nói.

Sẽ có phương án tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết, do các tàu cánh ngầm hoạt động trên tuyến luồng hàng hải nên đơn vị cũng rất quan tâm, thường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra các phương tiện trên vùng nước cảng biển khu vực TP.

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng quan tâm vấn đề này và mới đây đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan, chủ tàu để bàn biện pháp quản lý, tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu cánh ngầm. Các biện pháp cụ thể được đưa ra là trước khi tàu rời cảng, thuyền trưởng có trách nhiệm phân công, chỉ đạo nhân viên phục vụ hoặc thuyền viên hướng dẫn, cung cấp cho HK biết thông tin về nội quy đi tàu, vị trí và cách sử dụng các thiết bị cứu sinh, lối và biện pháp thoát hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố. Tuyệt đối không cho tàu rời bến nếu tình trạng kỹ thuật không đảm bảo an toàn, thời tiết không cho phép.

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng phương án phối hợp tìm kiếm cứu nạn tàu khách cao tốc hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu.

Phan Tư

No comments:

Post a Comment