Friday, January 18, 2013

Vung Tau: Dau tu phat trien dan so

Vũng Tàu: Đầu tư phát triển dân số

Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản (Dân số-SKSS) giai đoạn 2001- 2010 triển khai trên địa bàn tỉnh đã thu được nhiều kết quả khả quan. Kết quả Tổng Điều tra Dân số ngày 1-4-2009 cho thấy tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của Bà Rịa – Vũng Tàu ở mức 2,01 và đang có xu hướng giảm dần, đến năm 2010 là 1,88 và 2011 chỉ còn 1,82.  

Điều này cho thấy, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh, về cơ bản đã đạt được mức sinh thay thế. Nếu những năm trước tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên luôn ở mức hơn 10%, thậm chí là 15% hoặc hơn thì năm 2011 chỉ còn 9% và trong năm 2012 chỉ hơn 8%. Tuy tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hàng năm có giảm nhưng chưa thật sự bền vững; đồng thời, xu hướng mất cân bằng giới tính khi sinh đang có nguy cơ gia tăng. 

Bên cạnh đó việc phổ biên các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em còn nhiều hạn chế dẫn đến tỷ lệ vô sinh, tỷ lệ chết ở trẻ nhỏ còn cao. Mức độ hưởng thụ các dịch vụ y tế, SKSS, dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp. Việc nâng cao chất lượng dân số, nhất là các hoạt động chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc SKSS cho người chưa thành niên, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chưa được chú trọng đúng mức…

Trước thực trạng trên, Chiến lược Dân số-Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2012-2015 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu một mặt tiếp tục tập trung duy trì mức sinh thấp và quy mô dân số ở mức hợp lý, mặt khác phải tập trung nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc SKSS của người dân.

Kế hoạch hành động của Chiến lược Dân số-SKSS giai đoạn 2012-2015 đã đặt ra 11 mục tiêu, 6 giải pháp nhằm đạt được việc duy trì mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hợp lý; kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng SKSS, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu huy động các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng  phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác truyền thông, chuyển đổi hành vi và cung cấp các dịch vụ có liên quan đến Dân số-SKSS dưới nhiều hình thức. Không chỉ sử dụng truyền thông trực tiếp thông qua cộng tác viên Dân số-KHHGĐ, nhân viên y tế thôn ấp, cán bộ y tế cơ sở, các hình thức truyền thông khác như tư vấn tại các cơ sở dịch vụ, các trung tâm tư vấn tỉnh, huyện, cũng cần được đẩy mạnh. Lồng ghép các nội dung về chính sách Dân số-KHHGĐ, chăm sóc SKSS vào chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa. Đưa các dịch vụ Dân số-SKSS đến tận cộng đồng dân cư và được phân loại phù hợp với từng nhóm đối tượng. Xã hội hóa việc cung cấp các phương tiện tránh thai để đa dạng nguồn cung. Các dịch vụ SKSS như làm mẹ an toàn, KHHGĐ, phá thai an toàn, dự phòng và điều trị nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV/AIDS, chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên phải được tăng cường và tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nhất…

Bà Rịa Vũng Tàu dự toán kinh phí đầu tư cho kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Dân số – SKSS giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ là 44,136 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ Trung ương là 26,536 tỷ đồng, còn lại từ nguồn ngân sách tỉnh.

Nam Phương

No comments:

Post a Comment