Saturday, April 27, 2013

Canh giac voi nhung "tuyet chieu chat chem" khi du lich Vung Tau ...

Cảnh giác với những "tuyệt chiêu chặt chém" khi du lịch Vũng Tàu ...

Vũng Tàu: "Đêm luyện kiếm, ngày múa đao, chực khách vào là chém"

Nổi tiếng bởi chặt chém, cư dân mạng đã truyền tụng nhau câu ca: "Vũng Tàu đất thánh, tụ nghĩa anh hùng, đêm luyện kiếm, ngày múa đao, chực khách vào là chém".

Câu ca đó không phải ngẫu nhiên mà có, nó bắt nguồn từ nạn chặt chém kinh hoàng của những người kinh doanh dịch vụ du lịch nơi đây và được sáng tác từ những bài học xương máu của những nạn nhân của nạn chặt chém.

Những quán ăn khu vực gần biển ở Vũng Tàu chưa bao giờ có hóa đơn dưới tiền triệu. Anh Mạnh (Bắc Giang) kể mà vẫn chưa hết bực tức, gia đình anh có 8 người cả trẻ con vào quán ăn Như Ý trên đường Hoàng Hoa Thám, lúc về bị "chém đẹp" với hóa đơn gần 6 triệu đồng.

Trong đó, tô canh cá (dân miền Nam hay gọi là lẩu) chỉ với 2,3 khoanh cá mỏng dính và ít rau có giá tới 1,3 triệu đồng. Tôm sú một đĩa mà tới 1,4 triệu mà tính ra được 8 con cho 8 người. Riêng khoản khăn lạnh, quán cũng tính 20.000 đồng/cái.

Cảnh giác với những tuyệt chiêu chặt chém khi du lịch Vũng Tàu, Phan Thiết 1

"Đôi co một hồi với chủ quán, bỗng đâu một đám xăm trổ đầy mình lượn qua lượn lại trước bàn ăn. Thức ăn thì đã ăn rồi, không trả lại được, thế là đành cắn răng rút ví đưa tiền mà bụng thì cứ ấm ức như vừa bị mất cắp", anh Mạnh kể. Cũng theo anh Mạnh, vào quán ăn thì thế, đến lúc ra tắm biển, có quán hét 100.000 đồng/ lần thuê ghế ngồi ngắm biển.

Một người bạn làm tour guide kể lại câu chuyện, có ông Việt kiều Mỹ đưa gia đình về Vũng Tàu chơi. Ông cũng cảnh giác lắm, xem kỹ giá cả và mặc cả rồi mới gọi đồ ăn. Dự trù ban đầu bữa ăn hôm đó khoảng 2, 3 triệu nhưng lúc hóa đơn đưa ra tới 5 triệu đồng. Ông không khỏi giật mình khi nhìn giá 250.000 đồng cho một bát cơm. Thắc mắc với chủ quán thì được câu phán giọng lạnh lùng: "Cơm Mỹ giá nó thế!"

Theo thổ dân Vũng Tàu đúc kết kinh nghiệm tránh du khách tự đưa đầu vào máy chém, các quán ăn trên trục đường Hoàng Hoa Thám cần phải tránh xa như: Cu đất nướng ngói, Thu Mai (Như Ý cũ), Hưng Phát 2, Hiệp Ký 1, Tùng Ngọc Thủy, Phượng Vỹ, Du Thuyền, Hải Nam, Bạc Liêu...

Cũng theo tư vấn của người dân nơi đây, Vũng Tàu cũng công khai các số điện thoại của Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành TP, Trưởng công an Phường, Chủ tịch UBND Phường... tuy nhiên du khách cần cảnh giác, chứ đừng tự đưa mình vào sự đã rồi thì khi gọi điện cũng "tiền mất tật mang" khó giải quyết được vấn đề gì.

Phan Thiết: Ở khách sạn gặp trộm, ra chợ gặp đầu gấu

Chia sẻ trên diễn đàn về kinh nghiệm xương máu khi đi du lịch Phan Thiết, một du khách kể lại "kỷ niệm nhớ đời" ở khu Resort Cham Pa. Tưởng gắn mác resort thì có thể yên tâm về chất lượng nhưng khi ở đây, du khách này mới giật mình, phòng ốc chật chội, phòng tắm thì hay bị ngập nước. Buổi tối thì đèn tắt tối om vì tiết kiệm điện. Resort ở xa trung tâm Phan Thiết lại không có phương tiện công cộng nên việc đi lại rất bất tiện.

Chưa hết, khu nghỉ dưỡng này hoàn toàn không có các dịch vụ: spa, karaoke, chèo thuyền như trong quảng cáo. Ăn uống bắt buộc phải ăn ngay tại đây mà vừa không ngon vừa đắt đỏ. "Giá đồ ăn ở đây nghe mà hết hồn. 1 kg ghẹ sống 1,2 triệu đồng. Mang bia vào uống là bị thu phí 200.000 đồng/thùng. Tôi ra ngoài chợ mua ghẹ sống loại nhỏ giá 120.000 đồng/kg, nhờ bếp của Resort luộc giùm. Họ tính phí 200.000 đồng/kg. Luộc ghẹ còn mắc hơn giá ghẹ ngoài chợ", du khách này nhớ lại.

Cảnh giác với những tuyệt chiêu chặt chém khi du lịch Vũng Tàu, Phan Thiết 2

Nhưng mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Du khách này còn bị trộm đột nhập vào phòng và bị mất chiếc Ipod. Cô bạn đi cùng còn bị tên trộm sờ soạng khắp người. Khi quản lý Resort xem lại camera mới phát hiện ra kẻ trộm chính là.... anh nhân viên bảo trì của Resort. Tuy lấy lại được đồ đã mất nhưng du khách này cạch mặt không bao giờ quay trở lại resort này nữa.

Một kinh nghiệm đau thương khác cũng được chia sẻ khi đến Phan Thiết là cẩn trọng ở chợ hải sản không rất dễ bị tráo hàng xịn thành hàng rởm, hàng hư hỏng. Chị Lan, sống ở TP. HCM sau khi đi Mũi Né có ghé vào chợ Phan Thiết mua hải sản về làm quà.

Sau khi chọn lựa ghẹ và trả giá xong, người bán hàng rất nhiệt tình giới thiệu qua chỗ dịch vụ đóng gói để "đảm bảo hải sản tươi ngon khi về đến nhà". Mặc dù chị đã từ chối vì trên xe đã có thùng đá và quay sang đi mua mực nhưng người ở dịch vụ đóng gói lẽo đẽo bám đuôi chị từng bước.

Quay trở lại hàng ghẹ để chờ bạn, chị tiếp tục bị chủ hàng ghẹ thuyết phục và khuyến mãi chi phí đóng thùng. Lại thêm mọi người xung quanh vào hùa, cuối cùng chị cũng phải gật đầu đồng ý. "Thợ đóng thùng trông rất bặm trợn, có một hình xăm lớn trên cánh tay, cầm theo con dao thái lan và thao tác rất chuyên nghiệp", chị Lan nhớ lại.

Tuy nhiên, về đến nhà mở thùng ghẹ ra thì những con ghẹ tươi rói chẳng hiểu sao đã trở thành một đóng ghẹ đã chảy nhớt bốc mùi hôi kinh khủng. Không chỉ mình chị mà 2 chị nữa trong đoàn cũng bị tình cảnh tương tự.

Mất tiền lại rước thêm cục tức nhưng chị Lan vẫn vui vẻ: "Nghĩ lại lúc đó nhà mình không kiểm lại cũng may, vì nếu phát hiện bị tráo không biết những người "bặm trợn" đó có để nhà mình đi yên ổn không nữa. Coi như mất tiền để có một bài học vậy. Các mẹ hãy cảnh giác nhé!"

Anh Vũ Văn Quyền, hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch ở Hà Nội cho rằng, để tránh nạn chặt chém, khách du lịch cần lên kế hoạch đi du lịch từ sớm, tránh đi vào những tầm cao điểm như các dịp nghỉ lễ để có được nhiều lựa chọn và có dịch vụ tốt hơn.

Theo anh Quyền, du khách cần hỏi kinh nghiệm du lịch, tìm hiểu giá cả và có thể thuê tour và sử dụng những dịch vụ trọn gói để được phục vụ tốt nhất. Ngoài ra, khi đi du lịch, điều quan trọng nhất là phải để ý và bảo quản đồ đạc, tránh tình trạng bị mất cắp để có một chuyến du lịch thực sự.

No comments:

Post a Comment