Tuesday, April 9, 2013

Co hoi lon cua Ba Ria

Cơ hội lớn của Bà Rịa

Máy quang phổ GC và máy sắc ký khí ASS tại Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh do Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.


Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đang có 2 dự án quốc tế về BVMT đó là dự án "Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam" do Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và dự án "Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy" (VIPM) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Theo Chi cục BVMT tỉnh, dự án "Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam" được triển khai trên địa bàn 5 tỉnh và thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Bộ TNMT chọn tham gia 2 hợp phần của dự án là: Tăng cường năng lực quan trắc, phân tích môi trường, năng lực thanh kiểm tra môi trường nước; Tăng cường năng lực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức BVMT.

Chi cục BVMT cho biết, sau gần 2 năm thực hiện (từ tháng 6-2011 đến tháng 6-2013), dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường cho biết, với hạng mục quan trắc, phân tích môi trường, các nhân viên, kỹ sư của trung tâm đã tham gia các lớp tập huấn do các chuyên gia JICA hướng dẫn về việc lấy mẫu, phương pháp phân tích mẫu nhằm phản ánh chính xác nồng độ ô nhiễm, nồng độ các chất độc hại trong nước thải, nước sông, nước biển. Ngoài ra, dự án này còn hỗ trợ cho Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường một số máy móc, trang thiết bị như máy quang phổ GC và máy sắc ký khí ASS để phục vụ quá trình quan trắc và phân tích môi trường.

Đối với hạng mục kiểm kê nguồn ô nhiễm, thanh tra: các chuyên gia JICA đã hỗ trợ địa phương trong việc điều tra, thống kê, lập bản đồ ô nhiễm đối với 196 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực chế biến hải sản, cao su, du lịch, dầu khí, xử lý chất thải nguy hại, các nhà máy sản xuất với các loại hình khác nhau nằm trong khu công nghiệp (KCN)… Bên cạnh đó, dự án cũng cung cấp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bộ phần mềm Arcgis và tổ chức một lớp tập huấn để hướng dẫn sử dụng. Ông Bùi Kế Nhàn cho biết thêm, với bộ phần mềm này cơ quan quản lý có thể theo dõi, cập nhật việc cải thiện ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp diễn tiến như thế nào. Ngoài các nội dung đã được đầu tư, thời gian tới ngành TNMT cũng chủ động khảo sát, bổ sung dữ liệu các doanh nghiệp, đơn vị khác vào phần mềm để tiếp tục quản lý…

Cùng với Hà Nam, Nam Định, Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 4 địa phương được Bộ TNMT chọn tham gia dự án "Quản lý ô nhiễm các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai và Nhuệ - Đáy" do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của dự án là tăng cường thiết chế quản lý, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp tại các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai và Nhuệ- Đáy; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển KCN thuộc 2 lưu vực sông nêu trên đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Dự án gồm 3 hợp phần: Tăng cường năng lực và thể chế trong kiểm soát ô nhiễm công nghiệp; Thí điểm cho vay lại để xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các KCN thuộc các địa phương tham gia dự án; Hỗ trợ kỹ thuật và quản lý dự án. Tổng kinh phí của dự án khoảng 50 triệu USD trong đó vốn đối ứng của Việt Nam là 8,85 triệu USD được triển khai thực hiện trong vòng 5 năm (từ năm 2013-2017). Được biết, tổng mức hưởng thụ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua dự án này là 1,82 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 447 ngàn USD.

Theo Sở TNMT, trong bước đầu của dự án, địa phương đã được đầu tư 3 trạm quan trắc tự động dọc sông Thị Vải; trang bị xe chuyên dùng quan trắc, thiết bị cầm tay, thiết bị đo nhanh tại hiện trường đồng thời tập huấn, truyền thông về dự án này trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mặc dù dự án mới khởi động nhưng đã có 4 đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm: KCN Phú Mỹ 2 (Tổng Công ty Idico), KCN phú Mỹ 3 (Công ty cổ phần Thanh Bình - Phú Mỹ), KCN Mỹ Xuân B1-Conac (Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Dầu khí Idico), KCN B1 Đại Dương (Công ty TNHH Đại dương) đã nộp hồ sơ xin tiếp cận với nguồn vốn từ dự án này để đầu tư các công trình xử lý nước thải. Điều này cho thấy rằng, các doanh nghiệp cũng đang sẵn sàng chung tay cùng với địa phương sử dụng hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế để BVMT tốt hơn.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

No comments:

Post a Comment