Tuesday, April 9, 2013

Vung Tau: gia dich vu bien se tang?

Vũng Tàu: giá dịch vụ biển sẽ tăng?

Cách đây vài ngày (5-4), Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch tại biển Bãi Sau về kiến nghị tăng giá đối với các dịch vụ biển như cho thuê dù, ghế bố, phao tắm, tắm nước ngọt... (mức tăng tùy loại hình).

DN muốn tự quyết giá trần dịch vụ biển

Những năm trước, để tránh tình trạng giá dịch vụ kinh doanh du lịch mạnh ai nấy thổi, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy định tạm thời việc đăng ký giá, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, trong đó có dịch vụ biển. Dựa theo tình hình thực tế và đề xuất của các đơn vị, UBND tỉnh sẽ ra quyết định xem xét điều chỉnh giá phù hợp. Lần điều chỉnh gần nhất là đầu năm 2010 và áp dụng cho đến nay. Đánh giá cách làm này, một đại diện DN nói: "Đến nay mới kiến nghị tăng giá là quá chậm rồi!".

Ông Nguyễn Niệm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phân tích kể từ năm 2010 giá nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng - dầu, điện, nước, thực phẩm… liên tục tăng; tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên cũng tăng. Các yếu tố này tác động rất lớn đến chi phí đầu vào, gây khó cho hoạt động kinh doanh của DN du lịch. Tuy nhiên, mức giá các dịch vụ biển vẫn giữ nguyên. Vì vậy, đề xuất tăng giá lúc này là hợp lý bởi giá đóng ghế bố cho thuê đã tăng, nước ngọt cho khách dùng là nước máy chứ không phải nước giếng như trước… Tăng giá dịch vụ sẽ giúp DN nâng đầu tư, tăng chất lượng phục vụ khách. Riêng khách đoàn vẫn được giảm giá dịch vụ biển, khách sử dụng dịch vụ phòng trong khách sạn ra biển thì miễn phí.

Giá dịch vụ ghế bố, dù, phao bơi tại biển Bãi Sau (TP Vũng Tàu) được kiến nghị tăng giá. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Bên cạnh đề xuất tăng giá, các DN đều có chung quan điểm sẽ niêm yết giá công khai cho du khách dễ lựa chọn. Trường hợp UBND tỉnh điều chỉnh giá, chỉ nên đưa ra mức giá sàn, giá trần để DN tự cân đối sao cho phù hợp với mức độ đầu tư, chất lượng dịch vụ, xếp hạng của mỗi DN. "Chứ nếu cứ đợi UBND tỉnh quyết thì không kịp thời" - ông Vũ Xuân Hậu, Công ty Hưng Hải (Bimexco), nói.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết đã gửi văn bản lên UBND và Sở Tài chính tỉnh chờ xem xét, chấp thuận cho áp dụng từ dịp lễ 30-4 tới.

Nước lên thì thuyền lên

"Tôi không đồng tình với đề xuất này" - ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, phản ứng. "Dịch vụ biển ở Vũng Tàu đã rất kém rồi, nay còn đề xuất tăng giá nữa thì tôi không hiểu. Nếu đề xuất được chấp thuận thì giá dịch vụ thuê ghế sẽ khoảng 2 USD, tương đương với các nước châu Âu. Nhưng so sánh thì thấy ghế ở họ rất sạch sẽ, còn ghế ở biển Vũng Tàu nhiều khi vừa đưa ra, khách ngồi xuống đã rách teng".

Hơn nữa, tình trạng quản lý giá ở biển Vũng Tàu còn rất lỏng lẻo, khách lẻ dễ bị "chặt chém". Theo ông Long, nếu muốn làm tốt dịch vụ dưới biển, nên để tư nhân tham gia đấu thầu, khi đó họ sẽ đầu tư và đưa ra những dịch vụ tốt nhất nhằm khẳng định thương hiệu và thu hút du khách.

Cũng băn khoăn về dịch vụ du lịch ở Vũng Tàu vốn hay bị đẩy giá lên, ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho rằng: "Khách sạn ở Vũng Tàu bình thường đã hay phá vỡ hợp đồng dịch vụ phòng với DN lữ hành để bán cho khách lẻ. Giờ muốn tăng giá dịch vụ biển thì chúng tôi sẽ ít đưa khách đến đây, thay vào đó hướng khách đi Phan Thiết chẳng hạn".

Tour của các DN lữ hành đều bao gồm dịch vụ biển cho khách. Nếu mức đề xuất trên được chấp thuận thì giá tour có thể sẽ nhích nhẹ. "Nước lên thì thuyền lên. Nếu dịch vụ tại điểm đến tăng giá thì các DN lữ hành phải theo thôi. Tuy nhiên, việc ngành du lịch Vũng Tàu lấy lý do giá xăng dầu, thực phẩm… tăng để đề xuất tăng giá dịch vụ thì tôi không chấp nhận. Đây không phải là thời điểm thích hợp" - ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, nhận định.

Không thể thả nổi giá dịch vụ biển

Chúng tôi chưa nhận được kiến nghị của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi nhận được, chúng tôi sẽ xem xét giải quyết ngay. Nhưng theo tôi, một số loại hình trong đó có dịch vụ biển cần đưa vào quản lý, không thể buông trôi. Bởi nếu buông sẽ dẫn tới tình trạng "chặt chém" giá. DN có thể tự quyết giá dịch vụ biển trong khuôn khổ giá sàn mà cơ quan chức năng địa phương đã thống nhất nhưng phải đăng ký và niêm yết công khai.

Về mặt pháp lý, theo Luật Giá có hiệu lực từ đầu năm 2013, DN có quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Họ chỉ cần tự đăng ký giá và niêm yết công khai cho du khách biết. Hoặc DN tự quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu. Nhưng thực hiện cụ thể như thế nào thì cần chờ nghị định hướng dẫn.

Ông PHẠM KHUÊ NGUYÊN, Trưởng phòng Quản lý giá - Công sản, Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Trả 1,1 triệu đồng để… thuê ghế bố

Dịp lễ 30-4-2012, Thanh tra Sở VH-TTDL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhận được phản ánh qua đường dây nóng của một vị khách ở TP.HCM về việc bị "chặt chém" giá thuê ghế bố dưới biển với giá 1,1 triệu đồng. Tuy nhiên, sở này không cho biết cụ thể số tiền đó trả cho bao nhiêu chiếc ghế.

Giá ghế bố trên bãi biển được đăng ký với Sở dịp 30-4-2012 là từ 20.000 đến 30.000 đồng/ghế. Thế nhưng theo lời kể của bà Trần Đặng Minh Uyên, Phó Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, giá ghế bố thuê tại biển Vũng Tàu khi đó đã bị tăng đến 500%. Giá thuê đối với khách lẻ là 150.000 đồng/người.

TRÙNG KHÁNH - MAI PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment