Tuesday, May 28, 2013

Ba Ria

Bà Rịa

 Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường

  Ðoàn công tác của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Sâm vừa có chuyến khảo sát, tìm hiểu năng lực xử lý bụi lò phát sinh trong quá trình luyện thép tại Hải Dương. Xử lý bụi lò và xỉ thép đang là bài toán nan giải đặt ra đối với ngành tài nguyên và môi trường cũng như chính quyền tỉnh. Theo các nhà khoa học, để sản xuất một tấn thép, với công nghệ hiện nay, phải thải ra ít nhất hàng trăm kg chất thải rắn, xỉ thép, nước độc hại, các loại khí CO, SO2, bụi và bụi kim loại... Nếu các loại chất thải này không được xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, cùng với bụi kim loại gây nguy hại cho sức khỏe người dân trong khu vực. Thực tế, nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở thôn Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, đã gửi đơn, thư đến nhiều cơ quan chức năng phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường do một số nhà máy thép gây ra. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có kế hoạch di dời những hộ này ra khỏi vùng ô nhiễm. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Sâm cho biết: Tổng công suất các dự án sản xuất thép trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đang chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng công suất chung của ngành thép cả nước. Như vậy, đây cũng chính là nơi lưu giữ lượng xỉ thép và bụi lò lớn. Nhưng việc xử lý nguồn chất thải nguy hại này không thể một sớm, một chiều thực hiện được.

  Tương tự như vậy, hiện chính quyền tỉnh đang "đau đầu" với một số dự án dệt nhuộm đã được cấp phép. Không chỉ là những dự án sử dụng diện tích lớn, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu đầu vào nhiều, mà tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không ít trường hợp, sau khi tiến hành kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phải niêm phong, yêu cầu chủ đầu tư dừng hoạt động. Có dự án, sau nhiều năm triển khai, đến nay chính quyền và các ngành liên quan vẫn chưa thể thống nhất hướng xử lý, điển hình là dự án dệt nhuộm Eclat Fabrics Việt Nam, 100% vốn đầu tư nước ngoài, tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành.

  Thống kê trong mười năm (từ năm 2000 đến năm 2010), Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là địa phương đứng trong tốp đầu về thu hút đầu tư cả nước. Ðến thời điểm hiện tại, tỉnh có hơn 300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 28 tỷ USD, hơn 400 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký gần 200 nghìn tỷ đồng. Dù không thể phủ nhận hiệu quả và tầm ảnh hưởng của những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp đang hoạt động, nhưng nếu đi sâu phân tích, ngay với những dự án thành công nhất, nhiều mục tiêu quan trọng mà địa phương kỳ vọng, từ khi dự án còn manh nha, vẫn chưa thành hiện thực.

 Ưu tiên "công nghiệp xanh"

  Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cửa ngõ hàng hải của các tỉnh Ðông Nam Bộ, với hệ thống cảng nước sâu hiện đại bậc nhất nước ta hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang sở hữu những lợi thế vượt trội để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ so với các tỉnh, thành phố khác. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2010-2015 xác định: công nghiệp, dịch vụ vẫn là hai mũi nhọn quan trọng, chiếm tới 97% cơ cấu kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu những tiêu chí lựa chọn rõ ràng nên hầu hết các dự án công nghiệp trên địa bàn hoặc là công nghiệp nặng, tiêu tốn nhiều năng lượng, hoặc là công nghiệp gia công, sử dụng nhiều nhân lực, tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề, như: luyện cán thép, cơ khí, may mặc, giày da, điện tử... Hầu hết các nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất của các dự án này phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tính cạnh tranh của sản phẩm không cao. Một chuyên gia kinh tế nhận định, trong suốt thời gian dài, hầu hết các địa phương đều "trải thảm đỏ", thu hút đầu tư bằng mọi giá. Hậu quả là, các dự án mời gọi về phần lớn sử dụng công nghệ trung bình và thấp, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng. Ðó là chưa kể những hệ quả khó lường do phá vỡ quy hoạch tổng thể của địa phương, mà các dự án thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu là một minh chứng rõ ràng nhất.

  Nhận thức rõ những hạn chế trong thu hút đầu tư thời gian qua, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Phước Lễ phân tích: Lợi thế lớn nhất của Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng biển. Ðây sẽ là động lực để địa phương phát triển các ngành khác, mà trọng tâm là logistics và công nghiệp. Tuy nhiên, kể từ nay, Bà Rịa - Vũng Tàu không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm chỉ tiêu mà những tiêu chí về công nghệ, môi trường sẽ là những yếu tố quyết định. Theo Chương trình xúc tiến đầu tư vừa được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2013, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung thu hút vốn vào các lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng và không ảnh hưởng đến môi trường. Ðó là công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp sử dụng công nghệ cao. Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Hường chia sẻ: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự thay đổi toàn diện, cả trong cách tiếp cận, mời gọi và thu hút đầu tư. Nếu trước đây tỉnh tập trung vào những doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì nay sẽ chú trọng hơn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên các lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử, hóa chất - nhựa. Nhưng tất cả các dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, bảo đảm các chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Các khu công nghiệp chuyên sâu phục vụ các dự án công nghiệp công nghệ cao cũng đã được tiến hành xây dựng theo mô hình khu công nghiệp đô thị, không chỉ có hệ thống nhà xưởng phục vụ sản xuất mà có cả hệ thống dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người lao động, bao gồm cả y tế, giáo dục, ngân hàng...

  Việc để xảy ra những bất cập trong thu hút đầu tư thời gian qua, mà điển hình là các dự án thép và dệt nhuộm, là bài học không chỉ đối với Bà Rịa - Vũng Tàu. Hướng tới một nền "công nghiệp xanh", sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, vừa là yêu cầu bức thiết, vừa là mục tiêu tất yếu của sự phát triển. Những thay đổi trong nhận thức, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền, mà trực tiếp là những người hoạch định chính sách tại địa phương, sẽ là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu có bước đột phá.

No comments:

Post a Comment