Sunday, May 26, 2013

Bao dam an toan hang hai cho tau ca

Bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu cá

5931.zip Bộ đội Biên phòng tỉnh hướng dẫn bà con ngư dân xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cách mặc áo phao an toàn.

NHỮNG TỌA ĐỘ "CHẾT"

Tối 5-3-2013, khi đang đánh bắt hải sản tại tọa độ 10o21'N-107o10'E, cách Vũng Tàu khoảng 40 hải lý về phía Đông, tàu BR 95010TS bị phá nước và chìm, khiến 7 ngư dân của tàu trôi dạt trên biển. Nhận được thông tin báo nạn của cơ quan chức năng, tàu cá BT 95366TS đang hoạt động gần đó đã kịp thời đến khu vực tàu BR 95010TS bị chìm và cứu sống được 6 ngư dân, riêng ngư dân Trần Công Thanh (25 tuổi) bị sóng biển cuốn trôi và tử nạn.

Tiếp đó, ngày 16-4, tàu cá BT 89709TS (do bà Trần Thị Kim Huệ, sinh năm 1978, trú tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, làm chủ) đang đánh bắt hải sản tại tọa độ 9o20'N-107o43'E, cách Vũng Tàu khoảng 70 hải lý về phía Đông Nam thì bất ngờ bị một tàu hàng đâm chìm, khiến 7 ngư dân lênh đênh trên biển. Rất may sau đó, toàn bộ 7 ngư dân này đã được tàu cá BV 74008TS phát hiện và cứu vớt kịp thời.

Gần đây nhất, đầu tháng 5 vừa qua, tàu BTh 99044TS cùng 6 thuyền viên rời bến Phước Tỉnh ra khơi đánh bắt hải sản. Khi đang thả lưới tại vùng biển cách Vũng Tàu khoảng 40 hải lý về phía Đông, tàu BTh 99044TS bất ngờ bị một tàu lạ đâm chìm. Nhận được thông tin báo nạn, tàu cá BTh 96982TS đang hoạt động gần đó đã khẩn trương đến hiện trường và cứu vớt thành công cả 6 thuyền viên của tàu BTh 99044TS.

Trên đây là 3 trong số hàng chục vụ tai nạn tàu cá xảy ra trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian đây. Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh, chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, trên vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra gần 20 vụ tai nạn liên quan đến ghe, tàu đánh bắt hải sản, khiến hàng chục ngư dân chết và mất tích. Bên cạnh một số yếu tố khách quan (thời tiết, thủy văn…) thì nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn tàu cá là do ý thức chủ quan của bà con ngư dân.

ĐỂ CÓ NHỮNG CHUYẾN TÀU RA KHƠI AN TOÀN

"Để có những chuyến tàu ra khơi được thuận buồm xuôi gió, ý thức về công tác bảo đảm an toàn của bà con ngư dân cần phải đặt lên hàng đầu" - đại tá Trương Văn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lưu ý. Theo Đại tá Trương Văn Tài, ngoài việc phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm theo đúng các quy định hiện hành, trước khi ra khơi, bà con ngư dân cần kiểm tra kỹ tình trạng kỹ thuật của phương tiện như vỏ tàu, máy, lái; trang bị đầy đủ phao cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc; thuyền viên phải được trang bị kiến thức về bảo đảm an toàn; thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết trên biển... Bên cạnh đó, trong quá trình hành nghề hay neo đậu tàu để nghỉ ngơi, thuyền trưởng cần cắt cử người tổ chức cảnh giới, tránh tình trạng bị tàu lớn đâm phải, nhất là vào thời điểm đêm tối.

Ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, cho biết: Để kịp thời ứng cứu và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển, đơn vị này đã điều 2 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 272 và SAR 413 thay phiên nhau ra chốt trực tại Côn Đảo. Khi gặp sự cố trên biển, bà con ngư dân hãy gọi cấp cứu trên tần số 7903KHZ cho các Đài thông tin duyên hải (trực canh 24/24h) để nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và các cơ quan chức năng khác, hoặc điện thoại đến số 064.3850950 (trực 24/24h).

Bài, ảnh: BÙI CẢNH

No comments:

Post a Comment