Tuesday, June 19, 2012

Kỳ I: Quân đội trả nhà, chính quyền găm giữ

• Người dân khu phố xác nhận nhà của bà Liên.
 
Trước đơn khiếu nại của bà Liên, qua xác minh và đối chiếu giữa thực tế với chính sách pháp luật, chúng tôi cho rằng, việc giải quyết của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn có nhiều vấn đề khuất tất…


Năm 1972, sau khi từ tỉnh Sông Bé về Phước Tuy (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) lập nghiệp, bà Trần Thị Liên đã khai phá hơn 1.300m2 đất và xây dựng căn nhà tại 120 đường Lê Văn Duyệt, khóm Bãi Dâu, phường Thắng Nhì, TP Vũng Tàu để làm ăn và sinh sống. Nhà đất tại địa chỉ này (nay là 102 Trần Phú, phường 5, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), theo bà Liên, đã được chế độ cũ cấp bằng khoán, nhưng bị cháy nhà và cả giấy tờ vào năm 1983, có chính quyền địa phương xác nhận.


Ngày 29/4/1975, Đại đội Trinh sát thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, trên đường hành tiến giải phóng Sài Gòn (từ hướng Đông) đã mượn căn nhà bà Liên để tạm đóng quân. Bà Liên đã giao căn nhà của mình cho bộ đội, tản cư lên Sông Bé làm ăn sinh sống.


Qua 18 ngày trú quân, khi được lệnh di chuyển, đơn vị bộ đội không liên lạc được với bà Liên, nên đành đóng cửa căn nhà để lại trước khi lên đường.


Sau miền Nam giải phóng, bà Liên trở lại Vũng Tàu “bỗng thấy” trong nhà của mình có người ở. Khi bà hỏi “nhà tôi cho bộ đội mượn sao các cậu ở đâu tới làm việc”, thì nhận được câu trả lời như đuổi là “đi tìm bộ đội mà đòi”.


Một thân, một mình, trắng tay lại không biết chữ, bà Liên lăn lội khắp nơi để tìm đơn vị bộ đội đã cho mượn nhà.


Tháng 7/1992, bà về Bình Dương, tìm đến Phú Lợi và tìm được đơn vị bộ đội trên. Nhận ra bà Liên, chỉ huy Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 cử người đón tiếp, thăm hỏi và nhấn mạnh: “Bà cứ trở về địa phương, đơn vị sẽ có xác nhận gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” để trả lại nhà.


Nhưng, khi trở lại Vũng Tàu, bà Liên “không thấy xác nhận” của bộ đội, nên “nhà đó mà vẫn phải ở nhờ” những người xung quanh. 


Trong nỗ lực tìm kiếm chứng cứ, chúng tôi đã tìm được “Đơn xin lại căn nhà số 120 (tức 102) đường Trần Phú, TP Vũng Tàu” của bà Liên gửi Trung đoàn 209.


Sau đơn của bà Liên, nguyên Trung đoàn Trưởng Vũ Ngọc Ích đã xác nhận: “Ngày 29/4/1975, tôi cùng 10 đồng chí trinh sát có ở nhà 120 đường Trần Phú chủ nhà đứng tên là Trần Thị Liên. Sau 18 ngày do nhiệm vụ chúng tôi phải đi gấp nhưng tìm chủ không thấy, chúng tôi đóng cửa đi không bàn giao cho ai, sau này ai đến ở chúng tôi không rõ”.


Dưới xác nhận của nguyên Trung đoàn Trưởng vừa nêu là xác nhận của Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 209 Võ Giang Khải ký ngày 25/7/1992.


Tiếp theo là “Giấy trao trả nhà” cho bà Liên ngày 16/5/1993 của Trung đoàn 209 với nội dung: “Trung đoàn 209 Quân đội nhân dân Việt Nam. Căn cứ thời gian làm nhiệm vụ và mượn nhà của bà Trần Thị Liên số 120 Lê Văn Duyệt, TP Vũng Tàu. Xét thời gian đơn vị mượn nhà ở nhờ để làm nhiệm vụ quá ít, hơn nữa, khi đơn vị đi bà Liên không có ở nhà nên không biết bàn giao cho ai. Đến nay, bà Liên lại tìm đến đơn vị đề nghị làm văn bản trả nhà. Vậy, đơn vị chúng tôi làm giấy trao trả nhà cho bà từ lúc mượn ở cho đến ngày đi không có bà ở nhà”. Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 290 Dương Hùng Tiến đã ký tên và đóng dấu.


Tuy nhiên, theo bà Liên, tất cả văn bản xác nhận mượn và trả nhà của Trung đoàn 209 đã bị “họ ém mất”.


Trước hoàn cảnh “có nhà sao ra ở đợ” của một con người, ngày 16/11/1992, tổ dân phố 2, phường 5, TP Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp “Xác minh căn nhà 102 Trần Phú” TP Vũng Tàu, trong đó thể hiện: “Bà con tổ dân phố đồng xác nhận căn nhà 102 Trần Phú là của bà Liên đã xin chính quyền cũ khai thác đất cất nhà ở không có tranh chấp, đề nghị Nhà nước xem xét trả lại nhà cho bà Liên”. Biên bản này đã được Phó Chủ tịch UBND phường 5 Lê Văn Tôn (nay là Chánh Văn phòng UBND TP Vũng Tàu) xác nhận ngày 20/11/1992 là: “Qua ý kiến nhân dân tại cuộc họp dân phố, thì căn nhà 102 Trần Phú do bà Trần Thị Liên xây dựng từ năm 1972 là đúng sự thật”.


Được sự giúp đỡ của người thân và dân khu phố cùng những nỗ lực trong quá trình “lặn lội làm ăn” có được, bà Liên đã xây lại căn nhà 102 Trần Phú, trên cơ sở bản vẽ do Xí nghiệp Thiết kế TP Vũng Tàu lập ngày 22/2/1993. Trên tổng diện tích xây dựng 251,62m2 bao gồm nhà chính và nhà phụ, bà Liên sử dụng vào việc cho thuê nhà trọ, đồng thời cho vợ chồng Trần Hoàng Nam “lúc này đang lang thang bán vé số ngoài đường đến ở”.


Thế rồi, tai họa ập đến khi bà Liên vướng vào một vụ bị cho là “lừa đảo” kể từ ngày 22/7/1993.


Theo bản án, “trước đó gần 1 năm, Trần Thị Liên (SN 1946 tại Tân Uyên, tỉnh Sông Bé), nghề nghiệp buôn bán và có chồng Nguyễn Hữu Huế đã ly dị, trú tại 102 Trần Phú, phường 5, TP Vũng Tàu, về Sông Bé tìm Trung đoàn 209 thường ghé quán của một người “nhờ vay tiền của nhiều người” để lo thủ tục xin lại căn nhà ở Vũng Tàu, nhưng Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản xác minh bà Liên không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Như vậy, Trần Thị Liên bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và phải chịu án tù 18 năm”.


Trong thời gian bà Liên thụ án, trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định 362/QĐ ngày 16/5/1995 giải quyết khiếu nại với nội dung “không trả nhà 102 Trần Phú cho bà Trần Thị Liên” và “tiếp tục quản lý căn nhà” mặc dù trước đó đơn vị bộ đội đã có giấy trả nhà.
 

No comments:

Post a Comment