Saturday, June 30, 2012

Mái ấm của trẻ em nghèo Long Hải

Hôm nay là buổi học đầu tiên của Trang tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Hải. Trang vụng về cầm bút, nguệch ngoạc những nét đầu tiên trên trang giấy trắng. "Thấy các bạn đi học, con rất thích nhưng ba mẹ không mua cặp sách cho con đi" - em tâm sự. Bằng chất giọng hồn nhiên, em chắp nhặt những gì còn sót lại trong trí nhớ để kể về gia đình mình: "Nhà con ở Cầu Trắng nhưng lâu lâu lại chuyển chỗ một lần. Ba con đi biển, mẹ ở nhà làm cá bò. Con có cả chị và em. Nhưng con thích ở với bà hàng xóm nhất". Ngay từ bé, Trang đã gắn bó với bà hàng xóm. Cuộc sống khó khăn, nay đây mai đó, khiến ba mẹ em không thể đưa em đi theo được. Trong tâm trí non nớt của em, hình ảnh bà hàng xóm vẫn là thân thương nhất. "Lớn lên con thích làm nghề uốn tóc, có tiền con sẽ nuôi bà hàng xóm của con". Em vừa nói vừa khóc, hai mắt đỏ hoe. Trang vào Trung tâm Long Hải chưa lâu vì bà hàng xóm của em đã già yếu. Bà không thể lo cho em hai bữa cơm mỗi ngày. Mười tuổi, em bập bẹ học đánh vần tiếng bà, dù trong tiềm thức, với em, nó đã quá thân thuộc. "Con rất thích ở trung tâm, vì ở đây con được các thầy, cô giáo quan tâm, được đi học, đi chơi với các bạn. Con yêu bạn Cúc, bạn Cúc cũng yêu con".

Cũng như bé Trang, Nguyễn Văn Phong, 12 tuổi, đang học lớp 4, chỉ mang máng nhớ về gia đình mình: "Nhà con ở dưới biển, ba mẹ con cũng ở dưới đó. Con thích trung tâm vì ở đây con được học vi tính. Lớn lên con sẽ làm kỹ sư vi tính". Chị Lê Thị Trang Ðài, Giám đốc Trung tâm, một trong những người mà Phong yêu quý nhất, tâm sự: "Kể từ ngày vào trung tâm, Phong chững chạc lên rất nhiều. Em ngoan và luôn biết quan tâm đến các bạn trong lớp".

Ước mơ thành lập trung tâm nuôi dạy trẻ em nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại thị trấn Long Hải, huyện Long Ðiền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến với chị Trang Ðài đã lâu, kể từ lần chị cùng đoàn công tác về tìm hiểu, giúp đỡ những trẻ em nghèo ở thị trấn sau cơn bão số 9 năm 2006. Khi ấy, chị đang là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu. Dù quyết tâm và nỗ lực hết mình, nhưng phải đến năm 2009, chị và những nhà hảo tâm mới chính thức đưa Trung tâm đi vào hoạt động. Chị tâm sự: "Nhìn đám trẻ thất học ở làng chài mà tim tôi quặn thắt. Nhiều đứa lớn gộc rồi vẫn không biết chữ. Nhiều em sinh ra không biết mặt cha. Có em có cả mẹ cả cha nhưng vẫn côi cút một mình không ai chăm sóc". Nhưng, để thuyết phục các mạnh thường quân đầu tư xây dựng một "mái ấm" lại là chuyện không hề đơn giản. "Mình không chỉ thuyết phục họ bằng lời nói mà bằng cả việc làm, bằng tình thương và tấm lòng chân thành đối với những mảnh đời bất hạnh". Chị nhớ lại, khi quyết định hỗ trợ xây dựng Trung tâm, đích thân ông Cri-xtốp-phơ Ca-rát, Chủ tịch Hội Vì trẻ em đồng bằng Pháp (APER), đã đến làm tình nguyện viên tại Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn hoàn cảnh của những trẻ em nghèo. "Lá thư đầu tiên ông gửi cho tôi rất cảm động. Bản thân ông chưa hình dung ra trẻ em kém may mắn ở Việt Nam có gì khác với trẻ em ở các quốc gia khác. Nhưng từ khi làm tình nguyện viên, ông đã có một cái nhìn thiện cảm". Chị Trang Ðài cho biết, tuy hoạt động dưới hình thức xã hội hóa nhưng các em khi đến trung tâm đều không phải đóng bất cứ một khoản tiền nào. Mọi chi phí của Trung tâm đều do chị tự vận động và quyên góp từ các nhà tài trợ. Nói về quá trình vận động của mình, chị Trang Ðài chia sẻ: "Vấn đề là làm sao truyền sang cho họ bầu nhiệt huyết của mình. Ðể họ thấy mình luôn quyết tâm và sẵn sàng cho công việc. Phải để họ tin vào những việc mình làm". Chị cho biết: "Năm 1999, khi mới được giao quản lý "Mái ấm tình thương", tiền thân của Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bà Rịa - Vũng Tàu), chị và các nhân viên ở đây phải làm mọi việc, từ giặt quần áo, nấu ăn đến tắm rửa cho các em mồ côi, nghèo trong mái ấm. Không ít em bị gia đình bỏ rơi, nhiễm HIV hay mắc các chứng bệnh nan y khác. Ngày ấy, do nguồn kinh phí Nhà nước dành cho mái ấm hạn chế nên chị phải ngược xuôi đi xin tài trợ, mua từng cân gạo, thùng mỳ... để các em có cái dằn lòng cùng chị vượt qua gian khó. Ðến bây giờ, những khó khăn lớn nhất, như chị nói, đều đã đi qua, và chị tự hào khi không một nhà tài trợ nào "bỏ" Trung tâm, dù có lúc, chính bản thân họ cũng gặp không ít khó khăn trong các hoạt động của mình.

Ngay sau khi giai đoạn I của dự án Trung tâm Bảo trợ trẻ em Long Hải đi vào hoạt động, hơn 80 trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương đã được trung tâm tiếp nhận. Ðến năm 2012, sau ba năm, giai đoạn II của dự án cũng hoàn tất. Cảm nhận hết ý nghĩa và hiệu quả của dự án, mới đây, tại lễ khánh thành giai đoạn II, ông Cri-xtốp-phơ Ca-rát đã không ngần ngại đánh giá, đây là mô hình hoạt động hiệu quả, mang tính nhân văn và xã hội rất cao. Hội APER sẽ luôn theo dõi và đồng hành cùng trung tâm bảo trợ. Nói về những khó khăn của Trung tâm, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết: "Các em vào đây hầu hết đều thiếu sự quan tâm của gia đình. Nhiều em rất hiếu động. Ðể uốn nắn các em, thầy, cô giáo chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều". Cô Nguyễn Thị Thu Thủy tâm sự: "Do đặc thù nên tuy cùng lớp nhưng các em lại ở những độ tuổi khác nhau. Phải làm sao để các em tự tin và cùng nhau phấn đấu là điều không đơn giản". Tuy nhiên, theo chị Trang Ðài, việc các em, dù chưa đến tuổi trưởng thành, vẫn bị gia đình "bắt" về đi biển, mới là điều khiến mọi người phiền muộn nhất. Ngoài dạy văn hóa, Trung tâm còn tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho các em, hướng dẫn các em những kỹ năng để bước vào cuộc sống sau này. Em Nguyễn Thị Phương, 12 tuổi, học lớp 3, chia sẻ: "Con rất nhớ ba mẹ nhưng ở đây con được đi học, được đi chơi Suối Tiên. Năm vừa rồi con chỉ đạt học sinh tiên tiến thôi, sang năm con sẽ cố gắng để trở thành học sinh giỏi". Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 100 em, ở nhiều lứa tuổi, trong đó không ít em chuẩn bị trưởng thành, có khả năng tự lo được cuộc sống cho mình.

Ở độ tuổi ngoài 40 nhưng chị Lê Thị Trang Ðài đã có gần 15 năm gắn bó với trẻ em nghèo, khuyết tật. Hiện nay, chị vừa là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, vừa là "bà đỡ" của Trung tâm Long Hải. Nghị lực và tinh thần vượt khó, cùng tấm lòng nhân ái, bao dung của chị đã trở thành nguồn động viên, khích lệ những cán bộ, giáo viên ở trung tâm nỗ lực phấn đấu vì trẻ thơ, là nguồn cổ vũ để những trẻ em nghèo, bất hạnh, ở làng chài Long Hải tự tin vượt lên số phận.

Bài và ảnh: LÊ ANH TUẤN

No comments:

Post a Comment