Thursday, December 20, 2012

Khoi dong chay logistic

Khơi dòng chảy logistic

Tiềm năng về cảng biển đã manh nha hình hài của một trung tâm hậu cần - logistic tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chính phủ và chính quyền địa phương cũng đã xác định được thế mạnh để mạng lưới logistic phát triển. Năm 2009-2010, một loạt cảng containner tại dải hành lang sông Thị Vải - Cái Mép đi vào hoạt động, nối 2 bờ Thái Bình Dương. Lúc ấy, lỗ hổng về logistic tại địa phương này đã được phát hiện, đó là tình trạng thiếu hàng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng phục vụ dòng chảy hàng hóa từ các địa phương đến một trung tâm trung chuyển còn lạ lẫm với các hãng vận tải quốc tế. Vì vậy, Chính phủ và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều động thái mạnh mẽ nhằm khơi thông dòng chảy logistic, tiến tới xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ thế giới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, trong vòng 5 năm tới, Bà Rịa - Vũng Tàu phải đầu tư mạnh kết cấu hạ tầng thiết yếu, trước hết là hệ thống giao thông kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với các quốc lộ và đường vành đai của khu vực; tiếp tục đầu tư hạ tầng cho các khu - cụm công nghiệp, các khu du lịch, đô thị và nông thôn.

Cùng với đó, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên hệ thống đường nối cảng Cái Mép - Thị Vải với các quốc lộ, các đường vành đai của khu vực và Sân bay Long Thành, để tạo chân hàng vững chắc, khai thác ưu thế vượt trội về cảng nước sâu của tỉnh.

Dự báo, đến năm 2020, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 120 triệu tấn. Do đó, Quốc lộ 51, tuyến trục chính kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu và Khu kinh tế trọng điểm phía Nam, không thể lưu thông hết lượng hàng khổng lồ này. Đây chính là lý do quan trọng nhất để Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, với chiều dài 77,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang triển khai xây dựng 2 tuyến đường kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với mạng lưới giao thông, gồm đường 991B và tuyến Phước Hòa - Cái Mép. Cả 2 tuyến đường này đều có nhiệm vụ lưu thông hàng từ hệ thống cảng đến các tuyến giao thông đi các địa phương.

Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, trong giai đoạn tới, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư như vốn ODA, trái phiếu chính phủ, đầu tư xây dựng theo hình thức BOT một số tuyến đường, huy động các nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ các dự án. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành trung ương sớm triển khai xây dựng các tuyến giao thông đối ngoại quan trọng: tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai IV, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trong kế hoạch 2013-2015, tỉnh sẽ tập trung vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ hệ thống cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải, các khu công nghiệp, các dự án du lịch... Dự kiến, nguồn vốn cho đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này vào khoảng 105.272 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn địa phương là 12.000 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 1.330 tỷ đồng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước 83.500 tỷ đồng.

Trung tâm logistic tầm cỡ quốc tế

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu,  nhiều doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến dịch vụ logistic, như cho thuê kho bãi, làm đại lý hải quan, hoặc một vài dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng vì chủ yếu là "làm thuê" cho các công ty nước ngoài.

Để đáp ứng việc lưu thông một lượng hàng hóa lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có định hướng đầu tư một trung tâm dịch vụ logistic mang tầm quốc tế, phục vụ và kết nối các trung tâm logistic trong khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, để phát triển dịch vụ logistic, tỉnh đã và đang triển khai các công việc chính như phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ logistics  đến năm 2020; triển khai công tác quy hoạch ngành logistic bổ sung vào quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đang chú trọng xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, hạ tầng công nghệ để thực hiện hải quan điện tử, xử lý dữ liệu thông quan điện tử, thanh toán thuế, lệ phí bằng phương thức điện tử.

No comments:

Post a Comment