Tuesday, April 24, 2012

Xăng dầu tăng giá, ngư dân khốn đốn

Xăng dầu tăng giá, ngư dân khốn đốn


TT - Hàng loạt chủ tàu cá cho biết sẽ cho tàu nằm bờ hoặc bán tàu để tránh thua lỗ nặng. Nhiều ngư dân cho biết đã... choáng váng khi nghe tin giá dầu lại tăng thêm, khi chưa kịp “hoàn hồn” sau đợt tăng tháng 3-2012.



Ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên vận chuyển dầu lên tàu chuẩn bị chuyến đi biển - Ảnh: LÊ VĂN PHONG

Tàu cá đua nhau... nằm bờ


Chị Trương Thị Kim Loan, một chủ tàu cá tại Phước Tỉnh (Bà Rịa-Vũng Tàu), ngao ngán nói trong khi sản lượng đánh bắt và giá thủy sản giảm mạnh thời gian gần đây, việc giá dầu tăng đã làm nhiều ngư dân gần như kiệt quệ. Theo chị Loan, mỗi cặp tàu đi biển dài ngày (khoảng một tháng) tiêu tốn 24.000-25.000 lít dầu, với mức tăng 500 đồng/lít hiện nay, chỉ riêng chi phí dầu đã tăng thêm 12-12,5 triệu đồng.


“Nhưng đó mới chỉ là chi phí nhiên liệu, hàng loạt chi phí khác cũng sẽ tăng theo chi phí xăng dầu như tiền nước đá, thực phẩm, lưới, rồi tiền của nhân công cũng theo đó mà đòi tăng theo...” - chị Loan bức xúc. Nhiều ngư dân tại Phước Tỉnh cho biết hàng trăm đôi tàu nằm bờ do thua lỗ từ 200-300 triệu đồng/đôi trong chuyến biển vừa rồi, hậu quả của đợt giá xăng dầu tăng từ hồi đầu tháng 3. Các tàu đang đánh cá trên biển chuẩn bị về cũng có nguy cơ nằm bờ do tiền bán cá không bù được tiền chi phí.


“So với năm ngoái, mỗi chuyến đi biển hiện tốn thêm 100 triệu đồng, nhưng giá các sản phẩm đánh bắt lại giảm mạnh, tàu cá nào cũng thua lỗ. Không chịu nổi, tôi mới phải bán bớt một đôi tàu, chỉ giữ lại một đôi giữ nghề” - ngư dân Trà Văn Bé (Phước Tỉnh) nói.


Tại khu vực miền Trung, nhiều ngư dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng...cho biết đã trúng đậm mùa cá nam nhưng chẳng lấy đó làm vui, do túi tiền bị teo tóp bởi giá nhiên liệu tăng chóng mặt. Ngư dân Nguyễn Văn Nhân (Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam) nói nếu không trúng luồng cá, nhiều ngư dân đã bị lỗ nặng. Theo ngư dân Huỳnh Quang Thiên (Tam Quang, Núi Thành), những tàu nào trúng lắm thì chủ tàu cũng chỉ hòa vốn, còn lại phần lớn đều thua lỗ. “Sắm thuyền thì phải ra khơi, nhưng giá cả tăng chóng mặt kiểu này nếu không được mùa thì chỉ cần ba chuyến lỗ là bán ghe thuyền” - ông Thiên lo lắng.


Người trồng lúa hoang mang


Không chỉ ngư dân, hàng triệu nông dân ĐBSCL hiện đang đau đầu với bài tính giá xăng dầu tăng. “Nông dân đang làm vụ hè thu, xăng dầu tăng giá kiểu này thì chắc chắn sẽ không có lời. Nếu thu hoạch gặp giá lúa rẻ nữa thì cầm chắc lỗ” - ông Mai Văn Tư (Phú Nhuận, Cai Lậy, Tiền Giang) lo lắng. Theo ông Tư, sau khi xăng dầu tăng giá, mọi chi phí phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng đua nhau tăng theo. Chẳng hạn, chi phí thuê máy gặt đập liên hợp trước đây chỉ 1,8 triệu đồng/ha, nay đã tăng lên 4-5 triệu đồng. Các khoản chi phí khác như bơm tát, thuê máy làm đất cũng tăng 200.000-500.000 đồng/ha.


Nông dân Lê Văn Tám (Bắc Hòa, Tân Thạnh, Long An) cho biết chỉ riêng chi phí bơm tát cho 6,5ha lúa vụ hè thu này, gia đình ông đã phải bỏ thêm 250.000 đồng để đưa nước lên đồng ngâm đất. “Chưa biết phải bỏ ra bao nhiêu tiền mới đủ cho bơm nước, thu hoạch nữa. Xăng dầu tăng giá hoài làm sao nông dân chịu nổi chứ” - ông Tám nói.


Theo ông Dương Nghĩa Quốc - giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, giá xăng dầu tăng vào thời điểm nông dân đang cần bơm tưới nước xuống giống hè thu đã gây thêm khó khăn cho nông dân, do giá thành sản xuất lúa tăng mạnh. Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, cũng bày tỏ lo lắng khi cho rằng vùng trồng lúa 40.000ha ở Đồng Tháp Mười đang vào mùa khô hạn, việc tăng giá xăng dầu tại thời điểm này khiến khó khăn của nông dân càng chồng chất thêm.


Hiện giá lúa ở mức thấp (5.100 đồng/kg lúa chất lượng cao, 3.800 đồng/kg lúa thường), trong khi giá xăng dầu tăng đột ngột như hiện nay, theo ông Quốc, mức lợi nhuận của nông dân sẽ tiếp tục giảm sâu. Theo tính toán, giá thành sản xuất sẽ tăng ít nhất 10-15%. “Nông dân trồng lúa trong vụ đông xuân vừa rồi chỉ lời ở mức 20%, nhưng vụ hè thu và thu đông tới đây chắc chắn sẽ còn lời ít hơn vì các chi phí đều tăng” - ông Quốc nói.


Nhóm PV




 Bộ Công thương lại “kêu khổ” cho xăng dầu


Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát nghị định 84/2009 kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Công thương hầu như không nêu những bất cập của quỹ bình ổn xăng dầu mà dư luận từng băn khoăn, như tiền của quỹ để lại DN, không gửi ngân hàng thu lãi. Thay vào đó, bộ này khẳng định quỹ bình ổn đã góp phần ổn định giá xăng dầu trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế.


Cũng trong văn bản, Bộ Công thương cho rằng việc thay đổi giá bán lẻ trong nước chậm hơn giá thế giới đã gây lỗ tích lũy cho DN. Nguyên nhân, theo bộ này, dù nghị định cho phép DN được tự điều chỉnh trong một số trường hợp nhưng thực tế các DN đầu mối chỉ được tự quyết giá bán trong thời gian ngắn, còn lại vẫn do Nhà nước quyết.


Bộ Công thương cũng cho rằng do chưa có quy định bù đắp chi phí hợp lý cho DN tham gia bình ổn giá khiến số dư của quỹ bình ổn giá đã âm tới 2.300 tỉ đồng, khoản lỗ do kinh doanh xăng dầu lũy kế đã đến hơn 5.000 tỉ vẫn chưa có hướng xử lý. Năm 2011, các DN đã phải vay khoảng 27.000 tỉ nên Bộ Công thương cho rằng các DN đã gặp khó khăn trong nhận tín dụng mua xăng dầu với đối tác nước ngoài, khó khăn trong duy trì ổn định hệ thống phân phối xăng dầu... DN bị lỗ khiến chi phí hoa hồng cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ buộc phải giảm xuống quá thấp, làm hệ thống này mất tính ổn định và luôn bị xáo trộn.


CẦM VĂN KÌNH

No comments:

Post a Comment