Friday, February 17, 2012

Hệ thống cảng biển - Tiến tới mô hình “Chính quyền cảng”

Hệ thống cảng biển có vai trò cực kỳ quan trọng đối với một nước có bờ biển trải dài như Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống này đang có nhiều bất cập. Báo SGGP đã trao đổi với đồng chí Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xung quanh vấn đề này.



° Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, so với năm 2010, năm 2011 sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng biển TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Cụm cảng biển lớn nhất nước, tiếp tục giảm. Ngay trong những ngày Tết Nhâm Thìn, số lượng tàu ra vào các cảng biển ở khu vực TPHCM cũng giảm. Xin Bộ trưởng cho biết hiện tượng này nói lên điều gì? Nguyên nhân?


° Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG: Thực hiện kế hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12-8-2005 quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5, giai đoạn đến 2010 và tiếp tục thực hiện đến giai đoạn 2020, đến nay một số bến cảng khu vực nội đô TPHCM (cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Tân cảng Cát Lái) dần chuyển về khu vực cảng Hiệp Phước và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, lượng hàng hóa tại một số bến cảng có giảm, tuy nhiên lượng hàng thông qua các cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 100%, cho dù điều kiện kết nối tới các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa hoàn chỉnh.


Trong năm 2012 và những năm tới, kinh tế toàn cầu còn tiếp tục đà suy thoái, ngành vận tải biển là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất, do vậy các doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp (DN) vận tải biển vẫn sẽ trong tình trạng rất khó khăn. Vì vậy, việc các DN lập kế hoạch duy trì sản lượng hàng hóa vận tải biển dù không đạt tốc độ phát triển như giai đoạn 2006-2008, nhưng với kế hoạch sản xuất kinh doanh những năm sau có cao hơn năm trước đã là cố gắng, nỗ lực rất lớn của các DN vận tải biển, DN cảng biển.




Cảng SP-PSA tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải). Ảnh: CAO THĂNG


° Trong bối cảnh cảng biển kinh doanh ảm đạm như vậy, song vẫn có không ít địa phương kiến nghị cho xây dựng thêm cảng mới, mở rộng quy mô hoạt động của các cảng hiện hữu. Chủ trương của Bộ trưởng đối với những kiến nghị này như thế nào?


° Vai trò, chức năng của các cảng biển trong hệ thống cảng biển theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2190/QĐ-TTg ngày 24-12-2009 cũng như được Bộ GTVT thể hiện tại quy hoạch chi tiết các nhóm cảng là rất rõ ràng. Trong đó có những cảng đầu mối, cảng cửa ngõ phục vụ chung cho hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương, của khu vực, của quốc gia và của từng DN. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có trách nhiệm phối hợp với các địa phương để thống nhất kế hoạch đầu tư xây dựng cảng biển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tổng thể hệ thống cảng biển của Việt Nam.


Xét toàn cục, có khu vực có dấu hiệu thừa năng lực cảng ngắn hạn, tuy nhiên vẫn có khu vực đang thiếu năng lực so với nhu cầu và điển hình là Nhóm cảng biển số 1, khu vực miền Bắc, nên trên quan điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp quy hoạch, nơi nào cần đầu tư xây dựng thêm cảng, ta vẫn phải làm.




Tàu vào bốc dỡ hàng tại cảng CMIT khu Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CAO THĂNG



° Theo nhiều chuyên gia trong ngành hàng hải, kinh nghiệm phát triển cảng biển, nhất là cảng biển nước sâu và đầu mối khu vực ở nhiều nơi trên thế giới là không đầu tư dàn trải mà chỉ tập trung cho một số khu vực. Đồng chí đánh giá như thế nào về kinh nghiệm này?”.


° Điều đó hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với xuất phát điểm tương đối thấp cả về kết cấu hạ tầng giao thông (cảng biển và hạ tầng kết nối cảng), chất lượng dịch vụ, năng lực quản lý nên việc phát triển hệ thống cảng biển bắt buộc phải có lộ trình thích hợp, đồng bộ và cần sự nỗ lực, cố gắng không chỉ của ngành giao thông mà của cả toàn bộ nền kinh tế.



Hiện nay, nguồn vốn ngân sách do Bộ GTVT quản lý đang tập trung vào các dự án trọng điểm, có tính bản lề như cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu và sắp tới là cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.


° Việt Nam hiện nay có rất nhiều cảng… song chỉ vài cảng hoạt động có hiệu quả. Bộ trưởng có kế hoạch sắp xếp lại hoạt động cảng biển? Hướng sắp xếp như thế nào?


° Bộ GTVT đã hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 nhóm cảng biển trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Quy hoạch lần này đã xác định rõ vai trò, công năng của từng loại cảng, từng cảng trong hệ thống cảng biển cũng như xác định mối quan tâm ưu tiên đầu tư giai đoạn tới đối với hệ thống cảng biển.


Bộ GTVT đang nghiên cứu triển khai mô hình cơ quan quản lý cảng, có thể gọi là “Chính quyền cảng”. Đây là mô hình tiên tiến, hiện đại đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, thống nhất về quản lý phát triển một cảng biển và trước mắt sẽ nghiên cứu áp dụng thí điểm đối với hai cảng trọng điểm là cảng Lạch Huyện và cảng Vân Phong.


NGUYỄN KHOA

No comments:

Post a Comment