Monday, July 23, 2012

Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo vụ việc

Khi bà Liên được ra tù trước thời hạn và khiếu nại xin lại căn nhà, ngày 20/6/2006 Sở xây dựng đã có báo cáo “trưng ra Phiếu kiểm kê ngày 18/6/1975 ghi tên Đại tá Ngụy Lưu Yểm” tại số nhà 120 Lê Văn Duyệt, nhằm chứng minh căn nhà đã thuộc diện quản lý theo Nghị quyết 23/QH của Quốc hội. Ngày 28/9/2006 UBND tỉnh BR-VT ra Quyết định 2933/QĐ bác đơn khiếu nại xin lại căn nhà 102 Trần Phú của bà Liên, vì cho rằng “căn nhà này” đã quản lý từ năm 1975 và giao cho UBND tỉnh Tiền Giang làm nhà nghỉ. Tuy nhiên, ngày 4/8/2008, Công an tỉnh BR-VT đã có văn bản báo cáo: “Đại tá ngụy Lưu Yểm sinh ngày 11/11/2008 tại Bạc Liêu, trước 30/4/1975 ở tại địa chỉ 245 Nguyễn Biểu, Chợ Lớn, Sài Gòn, đến ngày 2/10/1974 là Tỉnh trưởng Biên Hòa. Qua xác minh sau 30/4/1975 không ai có tên Lưu Yểm ở địa chỉ trên”. Đồng thời, ngày 25/6/2010, Cục Công nghệ thông tin Chi nhánh phía Nam đã có văn bản xác nhận: “Đã tìm sổ địa bộ và bản đồ thị xã Vũng Tàu trước đây (TP.  Vũng Tàu ngày nay) không có tên ông Lưu Yểm đứng bộ”.


Về việc áp dụng pháp luật, căn nhà 102 Trần Phú của bà Liên không phải là đối tượng quản lý theo Nghị quyết 23/QH ngày 26/3/2003 của Quốc hội như quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh BR-VT, bởi đối tượng quản lý theo Nghị quyết là thành phần cải tạo công thương tư bản, các tổ chức cá nhân phản động, những người di tản ra nước ngoài. Ngay cả khái niệm “nhà đất vắng chủ”, trường hợp căn nhà của bà Liên cũng không thuộc diện quản lý, bởi căn nhà bà Liên cho bộ đội mượn và đã trả có xác nhận của Trung đoàn 209. Việc cho bộ đội mượn nhà của bà Liên cần được xem là người có công với cách mạng, còn việc bà Liên không có mặt là bởi khi trở lại căn nhà của bà đã “bị giao cho người khác” sử dụng một cách không đúng chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, việc giải quyết căn nhà 102 Trần Phú của bà Liên phải áp dụng Khoản 4, Điều 50, Luật Đất đai: “Hộ gia đình, cá nhân có đất sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, thì được cấp CNQSD đất”.


Cũng cần chỉ ra rằng, nếu căn nhà của bà Liên “như thế là đã quản lý” theo Nghị quyết 23/QH như “cách hiểu” của Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh BR-VT, thì ngày 2/4/2005 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 755/UBTVQH về giải quyết một số trường hợp cụ thể. Trong đó, Điều 4 Nghị quyết 755 đã quy định: “Đối với nhà đất mà chủ sở hữu tuy thuộc diện quản lý theo Nghị quyết 23 nhưng đến ngày nghị quyết này có hiệu lực, cơ quan Nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng thì Nhà nước không thực hiện việc quản lý theo các chính sách trước đây, việc công nhận QSH nhà đất được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Mặt khác, Khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết 775 cũng đã quy định: “Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân không thuộc diện phải thực hiện các chính sách quản lý quy định tại Điều 2 Nghị quyết 23/QH mà cơ quan Nhà nước đã trưng dụng có thời hạn (như trường hợp đơn vị bộ đội mượn nhà của bà Liên chẳng hạn) thì UBND cấp tỉnh giao lại nhà ở đó cho chủ sở hữu”.


Thực tế chứng cứ và quy định pháp luật liên quan căn nhà 102 Trần Phú, TP. Vũng Tàu là như vậy. Chúng tôi sẽ còn trở lại vấn đề này sau khi có ý kiến của UBND tỉnh BR-VT báo cáo với Tổ công tác Thanh tra Chính phủ và trong quá trình giải quyết tiếp theo.

No comments:

Post a Comment