Bên cạnh đó, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An... cũng đang có sự đầu tư thích đáng cho hệ thống cảng tại địa phương mình. Điều này đã tạo ra sự dịch chuyển mạnh mẽ sản lượng hàng hoá từ TPHCM ra các khu vực khác trong nhóm cảng biển số 5, đặc biệt là khu vực Cái Mép – Thị Vải. Năm 2009, sản lượng hàng hoá thông qua các cảng TPHCM là 74 triệu tấn, sang năm 2010 giảm còn 70 triệu tấn và đến năm 2011 chỉ còn hơn 60 triệu tấn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cảng biển TPHCM mất lợi thế cạnh tranh không hẳn bởi sự ra đời của nhiều cảng biển mới, mà nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng của TPHCM ngày càng trở nên thiếu thốn và lạc hậu. Nếu tình trạng này chậm khắc phục, trong vài năm tới sẽ mất từ 50-70% sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển thành phố.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng vừa kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính kéo dài thời hạn áp dụng thông tư số 164/2010/TT-BTC đến hết năm 2012, thay vì hiệu lực đến 31.12.2011 như trước đây, nhằm duy trì và khuyến khích các tàu biển trọng tải lớn, đặc biệt là các tàu mẹ và các tàu đến trung chuyển hàng hóa từ các nước khác vào khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Theo đó, thông tư quy định giảm 40% phí bảo đảm hàng hải, phí trọng tải và 50% phí hoa tiêu đối với tàu biển quốc tế vận chuyển hàng hóa có dung tích từ 50.000 GRT trở lên cập cảng. Thời gian qua, việc thu phí theo thông tư số 164 đã góp phần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển thu hút các hãng tàu hàng đầu thế giới vào khu cực cảng CM-TV, thuận lợi này cần tiếp tục được duy trì trong bối cảnh thị trường vận tải biển quốc tế chưa phục hồi.
Công Toại - Lê Trí
No comments:
Post a Comment