Thursday, August 23, 2012

Vụ án "cố ý làm hư hỏng tài sản tại Bà Rịa


Tại sao TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu huỷ án?

Theo diễn tiến vụ việc, khoảng 8 giờ ngày 15/6/2009 “một nhóm lạ mặt” đã xông vào gia đình ông Nguyễn Hoàng Mão, hô hoán, chửi bới, đòi vợ chồng ông Mão phải trả bà Tâm 150 triệu đồng. Do quá bức xúc, ông Mão cầm cuộn tranh thư pháp bằng vải đập một cái vào ca-pô xe ô tô. Lúc này “nhóm người lạ mặt” xông vào, đập phá nhiều đồ đạc trong nhà ông. Sau đó, lực lượng công an phường Phước Trung, do Đại úy Bùi Tiên Phong chỉ huy xuất hiện. Tại đây, vợ chồng ông Mão đã trình bày sự việc, đề nghị Đại úy Phong bắt giữ những đối tượng ngang nhiên vào nhà ông phá hoại tài sản và cho gọi người đến quay phim chụp ảnh hiện trường. Nhưng không hiểu vì sao, Đại úy Phong không tổ chức khám nghiệm, chụp ảnh, không lập biên bản tại hiện trường, rồi sau đó cho những người quậy phá ra về (?)

Trong lúc vụ việc vẫn chưa được làm rõ, các đối tượng lạ mặt đập phá nhà dân vẫn ngang nhiên ngoài vòng pháp luật thì bất ngờ 6 tháng sau, dựa vào hoá đơn sửa chữa xe và đơn tố cáo của chủ xe ô-tô là ông Nguyễn Cơ Điện, ngày 17/11/2009 cơ quan CSĐT Công an TX. Bà Rịa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Mão về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngày 6/4/2010 TAND TX. Bà Rịa đã xét xử kết tội ông Mão “cố ý làm hư hỏng tài sản”, đồng thời xử phạt ông Mão 10 tháng cải tạo không giam giữ. Quá bức xúc trước bản án này nên ông Mão đã làm “Đơn kêu oan” gửi các cơ quan chức năng.

Ngày 23/12/2010, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở phiên tòa giám đốc thẩm và quyết định: Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND thị xã Bà Rịa đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Mão, giao hồ sơ về cho TAND TX Bà Rịa xét xử lại vụ án. Quyết định này cũng chỉ ra nhiều sai sót trong quá trình tố tụng vụ án, đặc biệt là những thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ, khi vụ việc xảy ra.

Thách thức về mặt chứng cứ

Theo LS. Nguyễn Danh Hưng, Đoàn LS TP. Hà Nội, do không lập biên bản, khám nghiệm hiện trường, chụp ảnh hiện trường nên không đủ cơ sở để khởi tố, truy tố ông Mão về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Việc chỉ dựa vào lời khai của người bị hại, hoá đơn sửa chữa xe ô-tô để xác định mức thiệt hại là 2,9 triệu đồng làm cơ sở khởi tố, truy tố ông Mão là không thuyết phục. Không lập biên bản, không khám nghiệm, chụp ảnh hiện trường thì lấy đâu ra cơ sở để xác định xe ô-tô bị hư hại như thế nào? vết hư hỏng hình thù, diện tích ra sao, ở vị trí nào? có đến mức phải sơn sửa lại toàn bộ nắp ca-pô?... Cơ quan điều tra kết luận nắp ca-pô bị hư hỏng một phần là rất chung chung. Trên đường từ cơ quan công an về đến nơi sửa xe, ông Nguyễn Cơ Điện cố tình gây hư hỏng thêm thì sao? Đã không có hiện trường thì không thể tiến hành giám định mức độ thiệt hại của xe. Bất cứ điều tra viên, kiểm sát viên nào cũng hiểu được vấn đề hết sức cơ bản này.

Trên thực tế, giá sửa chữa xe Zace hết 2,9 triệu đồng cũng bất hợp lý, thể hiện cách làm tùy tiện, quan liêu. Tại thời điểm hiện nay khi giá cả đã tăng nhiều so với thời điểm xảy ra vụ án (hơn 3 năm trước), khảo sát thị trường cho thấy: Không có ga-ra, cơ sở sửa chữa nào ở Bà Rịa-Vũng Tàu, thậm chí là TP. Hồ Chí Minh sơn, sửa nắp xe ca-pô xe Zace hết 2,9 triệu đồng. Mặt khác, có một sự thật rõ như ban ngày nhưng cơ quan điều tra lại cố tình bỏ qua. Đó là: Những kẻ côn đồ, đòi nợ thuê, phá nhà dân thì không bị truy tố còn người dân chỉ vì quá bức xúc, làm trầy xước chiếc xe của những kẻ hung hãn thì lại bị kết án. Với hàng loạt vấn đề bất cập như vậy, rõ ràng, vụ án đang ẩn chứa nhiều khuất tất khiến dư luận không khỏi bất bình.

No comments:

Post a Comment