Bà Rịa-Vũng Tàu thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư
Quốc Hùng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT - Ảnh: Quốc Hùng
(TBKTSG Online) - Khởi đầu năm 2012, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn trên 29.000 tỉ đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Niên cho biết BR-VT đã thay đổi cách thức xúc tiến và mục tiêu thu hút đầu tư nhằm khai thác tốt hơn thế mạnh của tỉnh.
Đầu năm, BR-VT thu hút 29.100 tỉ đồng vốn đầu tư
TBKTSG Online: Ngày hội Đầu tư của tỉnh BR-VT đầu năm 2012 vắng bóng các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) – vốn góp phần rất lớn vào nguồn vốn đầu tư của tỉnh trong nhiều năm qua. Phải chăng năm nay đã có sự thay đổi, thưa ông?
- Ông Hồ Văn Niên: Thực ra, tỉnh đang có một số dự án FDI nhưng do các nhà đầu tư này không chuẩn bị kịp thủ tục nên chưa thể trao giấy phép. Thường vào thời điểm đầu năm, tỉnh rất thoáng về thủ tục cấp phép để có những dự án giúp tạo đà và mang lại may mắn đầu năm; tất nhiên là chúng tôi vẫn không bỏ qua các nguyên tắc về xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Lần này, chúng tôi tiếc một nhà đầu tư Nhật không kịp nhận giấy chứng nhận đầu tư trong Ngày hội đầu tư của tỉnh.
Tuy không có dự án FDI được cấp phép nhưng Ngày hội đầu tư 2012 thu hút khá đông các nhà đầu tư Nhật. Hầu như các nhà đầu tư Nhật ở BR-VT đều tham gia; một số nhà đầu tư Nhật ở TPHCM cũng đến và Tổng lãnh sự Nhật tại TPHCM cũng cử đại diện tham dự…. Điều này cho thấy một tín hiệu tốt về dòng vốn đầu tư mới từ Nhật đến BR-VT. Đây là kết quả trong suốt một năm qua chúng tôi đi xúc tiến đầu tư tại thị trường này.
Dường như BR-VT đang quan tâm nhiều vào việc thu hút vốn đầu tư từ Nhật?
- Chúng tôi thu hút, kêu gọi đầu tư ở nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, định hướng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới là tập trung vào hai lĩnh vực phát triển dịch vụ hậu cần (logistic) và ngành công nghiệp phụ trợ - là các lĩnh vực mà nhà đầu tư Nhật có lợi thế.
Đối với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, những doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật có nhiều thế mạnh phát triển trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã đi xúc tiến đầu tư ở một số vùng như Kansai và Kanto của Nhật. Nhìn chung nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật rất quan tâm tìm đến BR-VT để tìm hiểu về cơ hội đầu tư. Ngoài ra, một số tổ chức nghiên cứu độc lập của Nhật cũng đến BR-VT nghiên cứu về lợi thế phát triển của tỉnh.
Mục tiêu quan trọng trong việc xúc tiến đầu tư của chúng tôi sắp tới là đúng định hướng phát triển của tỉnh, chủ động trong việc chọn lựa dự án, chọn lựa nhà đầu tư, và xác định được sản phẩm chiến lược với nhà đầu tư chiến lược.
Ông có thể cho biết các tổ chức của Nhật đánh giá như thế nào về định hướng thu hút đầu tư của tỉnh hiện nay?
- Tổ chức Jica (Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật) đồng ý về lợi thế phát triển logistic của tỉnh, nhưng lĩnh vực công nghiệp phụ trợ theo họ thì cần xem lại.
Mặc dù vậy, Jica cũng đánh giá BR-VT là nơi đáng đầu tư. Họ sẽ nghiên cứu những tiềm năng khác để khai thác lợi thế của tỉnh trong việc thu hút đầu tư.
Tại sao các tổ chức đặt vấn đề của tỉnh trong việc thu hút công nghiệp phụ trợ?
- Thế mạnh của tỉnh vẫn là dầu khí, hàng hải... Riêng ngành đóng tàu, chúng tôi đang suy nghĩ về việc nên chăng phát triển ngành công nghiệp đóng tàu cá. Bởi lượng tàu cá đánh bắt hải sản hàng năm của Việt Nam là rất lớn. Năm nào chúng ta cũng đóng tàu mới nhưng lượng tàu đánh bắt xa bờ chưa hoạt động hiệu quả, công nghệ cũ kỹ. Vì vậy, khi phát triển được ngành công nghiệp đóng tàu cá thì đồng thời sẽ cần một loạt linh phụ kiện rất lớn.
Hay lĩnh vực chế biến nông sản và một số ngành sản xuất công nghiệp lớn hiện nay đang tập trung ở khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM,… Phát triển công nghiệp phụ trợ ở BR-VT sẽ phục vụ cho cả vùng, hoặc cả nước và xuất khẩu chứ không riêng cho địa phương.
Mặt khác, ngành công nghiệp phụ trợ muốn phát triển phải có nguyên liệu sản xuất mà BR-VT đang có lợi thế này. Hiện nay tỉnh đã có dự án sản xuất các sản phẩm thép cao cấp dùng trong sản xuất công nghiệp do China Steel – một liên doanh của các nhà đầu tư Nhật và Đài Loan đầu tư. Khi dự án này cho ra sản phẩm thì sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu thép phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Một nguồn nguyên liệu khác là cao su có thể chế ra làm khuôn mẫu để sản xuất các linh phụ kiện. Hay dự án nhà máy hoá dầu sắp triển khai, những sản phẩm từ hoá dầu sẽ tạo ra nguyên liệu lớn cho công nghiệp phụ trợ….
Vậy BR-VT đã chuẩn bị những gì để đón các nhà đầu tư phụ trợ, thưa ông?
- Trước hết chúng tôi thay đổi hết toàn bộ phương thức đi xúc tiến đầu tư. Phải cải tiến mang tính chuyên nghiệp hơn đó là xúc tiến có trọng tâm trọng điểm, tức là thu hút cái gì cho rõ ràng, đối tượng thu hút cụ thể và phải có đối sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư đến. Ví dụ phát triển khu công nghiệp thì ngoài việc mở nhà máy sản xuất, khu công nghiệp còn phải có hệ thống dịch vụ, khu thương mại để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nhà ở cho công nhân, nhà xưởng xây sẵn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, văn phòng cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư, trường đào tạo… Chúng tôi đang quan tâm đến việc dạy tiếng Nhật và văn hóa Nhật cho người lao động khi họ làm việc cho nhà đầu tư Nhật.
Ông có thể cho biết lý do tại sao BR-VT đã có sự chuẩn bị khá tốt nhưng mục tiêu thu hút đầu tư FDI vẫn thấp cho năm nay?
- Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu thu hút đầu tư trong năm nay chỉ khoảng 500 triệu đô la Mỹ (năm 2011 thu hút được khoảng 950 triệu đô la Mỹ). Định hướng của tỉnh là xây dựng chỉ tiêu thấp vì chúng tôi xác định đây là năm chuẩn bị các điều kiện sẳn sàng để thu hút những dự án đúng định hướng của mình đề ra, chứ không phải lấy số lượng dự án với số vốn đăng ký để làm mục tiêu như trước nữa. Trọng tâm của chúng tôi là làm sao thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư vào logistic, công nghiệp hỗ trợ. Dĩ nhiên, chúng tôi không từ chối các dự án khác, nhưng chúng tôi phải chọn lọc.
Phải chăng do trong thời gian qua, tỉnh đã cấp phép nhiều dự án quy mô lớn nhưng các dự án này vẫn chậm triển khai?
- Không hẳn vậy. Vấn đề cơ bản nhất là xuất phát từ việc tỉnh đang cơ cấu lại nền kinh tế. Đại hội Đảng của tỉnh cuối 2009 đã xác định rõ ràng mục tiêu, định hướng, chiến lược như thế nào rồi thì bây giờ phải thu hút đầu tư như vậy nhằm đạt được phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đối với tỉnh, cột mốc 2009 sau Đại hội đảng lần thứ 5 là hết sức quan trọng vì đánh dấu chuyển hướng toàn bộ con đường phát triển của tỉnh. Cho nên, phương châm thu hút đầu tư của tỉnh không chỉ có dầu khí, công nghiệp nặng (điện,...), du lịch, dịch vụ… mà là dịch vụ logistic và công nghiệp hỗ trợ. Điều này cho thấy hướng đi của tỉnh đã thay đổi. Chính hướng đi khác nên thu hút đầu tư bây giờ phải khác. Các khu công nghiệp muốn lấp đầy thì phải lấp bằng 2 lĩnh vực nói trên.
Trên thực tế tỉnh không bị vấp phải việc chậm triển khai các dự án lớn đã được cấp phép. Những dự án có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục triển khai, trừ một vài dự án khó khăn do biến động kinh tế thế giới chứ không phải thu hút đầu tư sai. Những dự án hiện nay không triển khai được đều là những dự án đúng định hướng của tỉnh, nhưng mà hầu hết là do ảnh hưởng khủng hoảng và suy giảm kinh tế thế giới vừa qua.
Chúng tôi cũng đang tiến hành tổng kết 20 năm thu hút vốn FDI để có đánh giá toàn diện. Chủ trương hiện nay là quay trở lại đúng với ý nghĩa là thu hút đầu tư là để phát triển kinh tế xã hội theo đúng định hướng vạch ra. Đó là phải vừa mang thế chủ động, vừa có một sự chọn lọc nhất định đối với dự án của nhà đầu tư.
Trong thời gian qua, các dự án thép, bất động sản đã đóng góp một nguồn vốn FDI rất lớn với tỉnh. Liệu BR-VT có tiếp tục thu hút những dự án trong lĩnh vực này nữa không?
- Hiện nay, chủ trương của tỉnh là dừng việc cấp phép các dự án thép. Năm 2011, tỉnh chỉ cấp phép một dự án đầu tư cuối cùng là của Vinakyoei. Thực ra, đây không phải là giấy phép mới mà là giai đoạn 2 (giai đoạn mở rộng) của của dự án này. Hiện nay, tỉnh đang xem xét rút bớt các dự án của các nhà đầu tư không đủ năng lực hoặc vì lí do gì đó mà nhà đầu tư triển khai chậm như những dự án thép xây dựng, mua phôi về để cán thép, những dự án không đảm bảo về môi trường,…Chúng tôi dừng việc cấp mới các dự án thép.
Trước khi cấp phép chúng tôi đều có tham khảo và tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư bằng cách hỏi lãnh sự quán của Việt Nam ở các nước nhà đầu tư này và ngân hàng kiểm tra thông tin.
Năm vừa qua, BR-VT chỉ thu hút 950 triệu đô, nhưng giải ngân được 1,2 tỉ đô la Mỹ. Ông nhận định gì về vấn đề này?
- Số vốn giải ngân trên chủ yếu là vốn thực hiện của các dự án cũ. Vấn đề chúng tôi quan tâm trong năm qua là thúc đẩy việc giải ngân 27 tỉ đô la Mỹ của 298 dự án được cấp phép trong 20 năm qua. Và kết quả đạt được đúng như mục tiêu đặt ra.
No comments:
Post a Comment