“Người Tà Ru” về Côn Đảo
TT - Sáng 3-2, cả Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) rộn ràng từ sáng sớm. Những mái đầu bạc bên cạnh đầu xanh, những bước chân run rẩy xiêu vẹo chen với sải chân nhanh mạnh.
Ông Tư Cẩn (tức Trịnh Văn Lâu, bí thư Đảng bộ Lưu Chí Hiếu) trong căn phòng giam cũ ở trại 6B - Côn Đảo - Ảnh: P.Vũ
Vòng xe lướt đi tới đâu, những xôn xao đã ẩn trong lòng từ lúc nào vẳng ra tới đó “Hàng Dương kìa, trại 6B đây rồi...”, “Chỗ trồng rau đây mà, con đường này khi xưa...”. Ngày 3-2-2012, lao 1 - trại 6B tổ chức lần họp mặt đông đảo nhất từ trước tới nay ở chính nơi mà mỗi người trong họ đã để lại cả tuổi trẻ trong cảnh địa ngục trần gian khốc liệt, bi thương mà hôm nay nhắc lại, mắt ai cũng ngời lên những yêu thương, tự hào.
Niềm tự hào nhất của họ cũng tròn 40 tuổi vào chính hôm nay: Đảng bộ Lưu Chí Hiếu ra đời ngày 3-2-1972, ngay giữa chốn ngục tù với những đợt đàn áp, ngay sau những đợt tuyệt thực sinh tử, những hi sinh, mất mát đội ngũ, lấy cái chết để tìm cái sống. 40 năm, những người đảng viên xưa là ngọn cờ đầu trong các cuộc đấu tranh, nay vẫn tiếp tục dẫn dắt anh em tổ chức phong trào “cho xứng với danh người Tà Ru (tức “tù ra” - NV)”.
Giấc mơ Côn Đảo
Mọi người mơ về Côn Đảo. Không phải Côn Đảo thần tiên với biển xanh mây trắng, những cây cổ thụ và những cánh hoa anh đào, Côn Đảo mà họ mơ đến khốc liệt, tàn bạo, chôn vùi bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu tuổi trẻ, trong ấy có tuổi trẻ của chính họ. Nhưng Côn Đảo ấy cũng ngời sáng niềm tin và lý tưởng. Hăng hái như khi còn thanh niên, chi chút như còn trong tù ngục, những người cựu tù già nâng niu tính toán từng đồng mình vận động được để in từng cái áo, cái mũ, sắp xếp từng suất học bổng cho các cháu học sinh ở đảo nhiều thiệt thòi, cân nhắc từng chữ để khắc lên tấm bia tưởng niệm, ve vuốt từng nét trên bức tượng đồng tạc hình ông Lưu Chí Hiếu theo tấm ảnh nhòa mờ tìm thấy trong tập hồ sơ lưu, cẩn trọng chuẩn bị từng hiện vật, từng trang tài liệu để lập phòng trưng bày, tính toán từng chiếc vé máy bay, từng bữa ăn cho cả đoàn...
Bước vào căn phòng cũ, tuổi trẻ như sống dậy, ông Tư Cẩn (tức Trịnh Văn Lâu, bí thư Đảng bộ Lưu Chí Hiếu) quên mất tuổi 84, hăng hái chạy đến góc quen thuộc của mình, say sưa diễn tả những cách truyền tin liên phòng bằng gõ morse, ra ký hiệu từ cái quạt tay để chỉ huy các cuộc đấu tranh toàn trại. Ông Lâm Hiệp Nghĩa, một thanh niên năng nổ của trại 6B năm xưa, xuýt xoa: “Khi xưa một phòng này chen chật có khi đến trăm người, không gian không có mà mỗi lần khủng bố, hàng chục quả lựu đạn cay được ném vào, hai ô cửa sổ nhỏ bị sập kín... Ông Tư Cẩn còn sống, còn lãnh đạo được Đảng bộ đến ngày cuối 1-5-1975, còn khỏe mạnh trên vị trí ấy đến hôm nay thật là một kỳ tích”.
Một bạn trẻ hỏi khi nghe kể về những đợt khủng bố, đàn áp người tù: “Trở lại đây các chú có sợ, có còn thấy đau không?”. Đáp lại là những tiếng cười: “Nhớ lại thấy như một cơn mơ. Còn sợ ư? Lúc đó còn không sợ nữa là bây giờ, mình đã chọn lý tưởng của mình thì bảo vệ lý tưởng là lẽ dĩ nhiên, đớn đau thể xác không bằng đớn đau tinh thần”. Trong cuộc hội ngộ hôm nay có hai người con gái của ông Lưu Chí Hiếu, vốn chỉ biết cha trong ký ức tuổi thơ mờ ảo. Nhưng khi nhắc đến tên ông Lưu Chí Hiếu, không chỉ có hai con gái ông nghe lòng nghẹn ngào. Các đồng đội ông đều nuốt vào lòng những giọt nước mắt.
Trang sử bi hùng
Ai cũng đã biết nhiều câu chuyện khiến người nghe lạnh người, rơi nước mắt về Côn Đảo, nhưng rồi ai cũng sẽ phải một lần nữa xúc động khi nghe, đọc về những tháng năm dài khốc liệt nối tiếp khốc liệt, đấu tranh nối tiếp đấu tranh, hi sinh nối tiếp hi sinh của lao 1, sau này là trại 6B, nơi tập trung những người tù câu lưu không án, những người kiên trung nhất trong cuộc chiến bảo vệ khí tiết và nhân phẩm người cách mạng.
Câu chuyện về hơn ba năm (1958-1961) chiến đấu bảo vệ khí tiết trong địa ngục, chỉ đúng 1/1.000, sáu người trong số 6.000 người đi được đến thắng lợi cuối cùng ở lao 1 đã không chỉ trở thành động lực cho hàng vạn người tù chính trị trong các trại giam, nhà ngục năm xưa vươn lên giành lại vị trí, mà còn động viên cả những người hôm nay.
Hàng trăm người ngồi trong nắng nhẹ, gió hây Côn Đảo trên sân trại 6B hôm nay lặng đi khi nghe ông Tư Cẩn nhắc lại chỉ một vài chi tiết trong cuộc sống tù ngục trăm ngàn gian khổ khi xưa. Lịch sử ấy đã thành máu thịt của mỗi người cựu tù, vậy mà khi nghe lại những mái đầu bạc vẫn rung rung, những khóe mắt già vẫn ươn ướt, bản thân ông Tư Cẩn cũng phải nghẹn lời. Các bạn thanh niên tần ngần qua lại đọc kỹ từng bản chụp tài liệu, xem kỹ từng bản viết tay cam kết không ly khai chỉ vài chữ, vài dòng mà chất chứa cả một lựa chọn sống, trả giá bằng cả sinh mạng, săm soi trong phòng giam tìm những dấu vết sinh hoạt, tìm chỗ giấu radio, tài liệu năm xưa...
Bảy trang viết trong tập Bất khuất của tác giả Nguyễn Đức Thuận về sự hi sinh của ông Lưu Chí Hiếu được ông Lê Thân - một cựu tù của trại 6B, một trong năm sinh viên đã lên tiếng tố cáo với báo chí quốc tế về chế độ lao tù vô nhân đạo, vi phạm nhân quyền ở Chuồng Cọp - đọc lại, không khí đã lặng càng lặng hơn. Trong sách, Nguyễn Đức Thuận thắt ruột đếm từng thùng nước xối xuống từ nắp hầm Chuồng Cọp, trên bục diễn giả ông Lê Thân nghẹn ngào, dưới các hàng ghế bao nhiêu người rớt nước mắt.
Khi tấm vải đỏ phủ bức tượng, tấm bia được kéo xuống, hình ảnh ông Lưu Chí Hiếu với cặp mắt sáng trong xanh hồn hậu đã được ông Nguyễn Đức Thuận nhắc đi nhắc lại, như hiển hiện trước mọi người. Những kỷ vật khác của một thời tù ngục như tấm bảng trắng chữ đen dùng để học chính trị, chiếc ống vố của bạn bè quốc tế gửi tặng, tấm áo tù mà xếp dài trong nẹp áo là bản danh sách tù chính trị yêu cầu được trao trả theo hiệp định Paris... khiến những câu chuyện xưa như đang sống, cựa quậy ra khỏi những ký ức, những trang sách.
Một con số khác khi được công bố một lần nữa khiến nhiều người nhói lòng, rơi lệ. Khi vận động kinh phí để dựng tượng ông Lưu Chí Hiếu, 108 người trong đảng bộ đã hăng hái đóng góp. Từ đó đến nay chỉ mới nửa năm, sáu người đã ra đi. Tên của họ được đóng khung trong bức thư tri ân mà ban đại diện trại 6B trao tặng Côn Đảo hôm nay. Ngay trong buổi giao lưu chiều 3-2, một tin buồn từ đất liền lại được đưa đến, chương trình được cộng thêm một lễ truy điệu. Ai cũng ngậm ngùi. Là trại tù thiết lập được mối gắn bó, liên lạc mật thiết nhất, từ hơn 900 người ngày mới giải phóng, đến nay danh sách chỉ còn hơn 200. Một lần nữa vượt qua những hạn mức của sức khỏe để trở lại Côn Đảo, ai cũng nói “Cố gắng vì không biết có còn lần sau nữa không. Ra đến đây, sum vầy với anh em như thế này thấy mình may mắn quá”.
May mắn quá nên trong những cựu tù còn đến hôm nay của trại 6B có tới ba anh hùng lực lượng vũ trang, một anh hùng lao động. May mắn quá như ông Hoàng Thanh Quang nói khi tản bộ dọc bờ biển: “Mười mấy năm ở tù nào có được biết đất trời Côn Đảo. Tôi mong mọi người đều có một lần đến đây, ngắm Côn Đảo đẹp và để hiểu Côn Đảo đau...”. Và để hiểu được cái đẹp lồng lộng trong nỗi đau Côn Đảo.
PHẠM VŨ
No comments:
Post a Comment