Tuesday, January 17, 2012

Bà Rịa – Vũng Tàu: Năm 2012 sẽ có 6 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới

KTNT - Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ V của tỉnh đã xác định rõ mục tiêu xây dựng kinh tế - chính trị - xã hội đến năm 2015 đặc biệt là chương trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của Bà Rịa – Vũng Tàu trong hai năm qua, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Phạm Quang Khải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội V và xây dựng nông thôn mới ở địa phương có đặc thù kinh tế biển này.

Đồng chí cho biết mục tiêu hàng đầu và cấp thiết của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong nhiệm kỳ này là gì?


Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ V đã xác định mục tiêu hàng đầu và cấp thiết của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 là: phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế biển, xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp cảng biển theo hướng hiện đại vào năm 2015; phát triển kinh tế gắn với yêu cầu phát triển bền vững; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, anh ninh nhân dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc.


Để đạt được mục tiêu này, các cấp ủy đảng, chính quyên, nhân dân trong tỉnh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: phát huy lợi thế biển, bờ biển, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng dịch vụ, xác định phát triển cảng biển là nhiệm vụ trung tâm đồng thời phát triển mạnh dịnh vụ hậu cần (logistics).




Phó Bí thư Thường trựcTỉnh ủy Phạm Quang Khải.

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, ở mức gấp 1,8 – 2 lần so với mức bình quân chung cả nước trên cớ sở chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kết hợp hợp lý việc phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, gia tăng giá trị của hàng hóa dịch vụ, đồng thời rà soát điều chỉnh các quy hoạch hiện có, qua đó lập mới một số quy hoạch để phát triển thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại.


Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu: hệ thống giao thông kết nối với hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải với các đường quốc lộ và đường vành đai khu vực; tiếp tục đầu tư kết nối hạ tầng cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch, đô thị và nông thôn. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.


Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khám chữa bệnh; hoàn thành thiết chế văn hóa 3 cấp; đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao và môi trường, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tam nông” đã được triển khai như thế nào ở tỉnh nhà? Có điều gì vướng mắc cần tháo gỡ?


Để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố triển khai, phê duyệt và tổ chức thực hiện 20 đề án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, ngành hàng và 29 chương trình, đề án, dự án, cơ chế chính sách phát triển nông lâm ngư nghiệp và phát triển nông thôn. Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn có lộ trình để đạt mục tiêu đề ra, đồng thời tất cả mục tiêu, được thể hiện trong nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 – 2015 và chương trình hành động của các cấp ủy đảng, kế hoạch thực hiện của UBND các cấp.


Nhìn chung hiện nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về “Tam nông” một cách thuận lợi, chưa phát sinh những vướng mắc, trở ngại đối với tỉnh.




Trồng rau sạch, một trong những mô hình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả cao.

Là tỉnh có đặc thù kinh tế biển, chương trình xây dựng nông thôn mới có gì khác hơn nới khác? Một số kết quả đạt được trong thời gian qua?


Để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại thì Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh có điểm khác đó là phải xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại, lĩnh vực kinh tế nông thôn phải chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp, giảm nhanh tỷ trọng sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, đô thị, sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm đất, giá trị hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất.


Chương trình xây dựng nông thôn mới được tỉnh thực hiện từ giữa năm 2010, đã được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo cấp tỉnh mỗi quý họp một lần để đánh giá tình hình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020. Năm 2011 đã bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh là 140 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm xây dựng 6 xã điểm nông thôn mới. Năm 2012 sẽ tiếp tục bố trí vốn đầu tư để đến cuối năm 2012 có thể cơ bản đạt được các tiêu chí nông thôn mới ở 6 xã điểm, từ đó rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo điều hành. Các xã còn lại phải thực hiện hoàn thành công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới trong 2 năm 2011 – 2012.


Ngày 25/8, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với chủ đề “tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trên cơ sở các nội dung phát động của UBND tỉnh, các địa phương sẽ cụ thể hóa, phát động rộng rãi trong toàn dân, làm cho mọi người có ý thức, trách nhiệm cùng nhau ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới ngay ở địa phương mình.


Đồng chí có đề xuất gì cho các địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới?


Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh chúng tôi gặp phải một số khó khăn: xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ còn mới mẻ, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện đều chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo, chỉ thông qua việc học tập trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh, hoặc một số nước lân cận, do đó từ khi mới khởi động thực hiện đến nay còn lúng túng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành các cấp mà trực tiếp là ở cấp xã.


Phải huy động nguồn lực của xã hội như vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn của các doanh nghiệp, của người dân và cộng đồng dân cư... để xây dựng nông thôn mới, nhưng thực tế hiện nay nguồn lực chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách Nhà nước, các nguồn lực còn lại chưa huy động được nhiều.


Việc quy hoạch nông thôn mới cùng lúc rất nhiều xã cần làm, trong khi đơn vị tư vấn lập quy hoạch nông thôn mới không nhiều, do đó tiến độ thực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ.


Bộ tiêu chí nông thôn mới 491 (Quyết định số 491/2010QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới) có những tiêu chí chưa thật phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như: mỗi xã phải có nghĩa trang, thôn ấp phải có trung tâm văn hóa... đạt tiêu chuẩn. Vì ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu việc quy hoạch nghĩa trang theo cụm xã hoặc theo nghĩa trang tập trung của huyện, không nhất thiết xã nào cũng phải có nghĩa trang; đối với những xã mà trung tâm văn hóa, thể dục thể thao của huyện, của xã nằm ngay trên địa bàn thôn, ấp đó thì không nhất thiết phải xây dựng nhà văn hóa và khu thể thao thôn ấp để đạt được tiêu chí nông thôn mới...


Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chưa được Trung ương bố trí vốn từ Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo phân cấp tại Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho: công tác quy hoạch, đường giao thông đến trung tâm cụm xã, xây dựng trụ sở xã, xây dựng trường học đạt chuẩn, xây dựng trạm y tế xã, nhà văn hóa xã...)


Từ những thuận lợi, những vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh có một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như: trước mắt từ nay đến cuối năm 2012 tập trung chỉ đạo cơ bản hoàn thành 6 xã điểm đạt 19 tiêu chí nông thôn mới để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời cũng là xã điểm nông thôn mới của tỉnh để các xã khác học tập, nhân rộng. Tổ chức đào tạo cán bộ xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến huyện, xã để nắm bắt được kỹ năng chuyên sâu, vận dụng đề xuất hoặc chỉ đạo điều hành xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác vận động, huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh xây dựng và phát triển nông thôn mới. Riêng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hàng năm bố trí tăng 20% cho phát triển nông nghiệp nông thôn. Đồng thời tỉnh cũng đề nghị Trung ương bố trí vốn xây dựng nông thôn mới cho tỉnh theo phân cấp để triển khai đồng bộ các hạng mục xây dựng nông thôn mới. Nếu Trung ương không phân bổ kinh phí xây dựng nông thôn mới cho tỉnh và giao tỉnh tự cân đối thì đề nghị Trung ương ghi tăng chi và giảm tỷ lệ trích nộp ngân sách Trung ương cho tỉnh để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.


Xây dựng nông thôn mới là lĩnh vực mới, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, với sự thống nhất cao về nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, cùng sự tập trung nỗ lực, kiên trì, sáng tạo, áp dụng nhiều biện pháp phù hợp tình hình đặc điểm của từng địa phương, tôi tin tưởng rằng việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nhất định thành công./.


Xin cảm ơn đồng chí!


Quang Minh (thực hiện)


 

No comments:

Post a Comment