Tuesday, January 17, 2012

Hoa tiêu trên biển Vũng Tàu

Không để phạm sai lầm

Nguyễn Hoài Sơn có 13 năm đi tàu và bốn biển là không gian sống, bè bạn là thủy thủ từ năm châu và nơi dừng chân là các bến cảng. Vốn liếng trùng dương là tấm bằng thuyền trưởng và sĩ quan lái tàu đủ cho anh có sự từng trải để chuyển sang nghề hoa tiêu. Làm việc ở Xí nghiệp hoa tiêu Vũng Tàu, chỉ sau 5 năm, anh được thăng lên bậc ngoại hạng, một thứ hạng rất đáng tự hào của nghề mà các hoa tiêu khác phải mất 10 năm mới đạt được.


Con tàu Atlantic Titan buộc phao ở vùng neo đậu Gò Gia trên sông Thị Vải. Theo lịch hẹn, tàu sẽ xuất phát lúc 12h ngày 3.12.2011 để đến Singapore và hoa tiêu Nguyễn Hoài Sơn nhận nhiệm vụ đưa tàu ra phao số 0. Anh Sơn đưa tôi lên tàu, giới thiệu với thuyền trưởng để tôi được phép tác nghiệp. Sau lời chào hỏi, chúng tôi đi thẳng lên buồng lái và Sơn bắt tay ngay vào công việc. Sĩ quan lái tàu đưa cho anh hai bản photocopy giới thiệu về con tàu như chiều dài, chiều rộng, trọng tải, mớn nước... Sau khi lướt qua để nắm thông tin, anh điều động các tàu lai dắt qua máy bộ đàm, khẩu lệnh ngắn gọn, chính xác. Phía dưới, hai chiếc tàu lai dắt áp sát vào trước và sau mạn của chiếc Atlantic Titan như hai gã tí hon đang đòi đánh vật với gã khổng lồ. Nhưng dưới sự chỉ huy của hoa tiêu, hai gã tí hon đó đã xoay được gã khổng lồ quay 180 độ, mũi tàu hướng về phía cửa biển.


Sơn quan sát mặt sông, luồng nước, không tỏ ra căng thẳng nhưng rất tập trung. Là hoa tiêu ngoại hạng, Sơn nắm rõ từng luồng, lạch, con nước, hướng gió, sức gió của con sông Thị Vải và vùng biển Vũng Tàu, nhưng không vì thế mà chủ quan, sơ suất, để xảy ra sự cố. Theo anh, một vụ tàu bị tai nạn hoặc mắc cạn có thể gây thiệt hại hàng triệu đến hàng chục triệu USD. Và thiệt hại lớn nhất là uy tín của ngành hàng hải VN. Từ trên buồng lái, Sơn ra khẩu lệnh bằng tiếng Anh. Viên sĩ quan lái tàu người Ấn hô lại rất to kèm theo chữ “sir” cuối cùng để khẳng định đã nghe rõ và điều khiển tàu đúng khẩu lệnh của hoa tiêu. Ngoài ra khẩu lệnh cho con tàu mình đang có nhiệm vụ, anh Sơn quan sát các tàu khác trên luồng, gọi điện đài để thông báo hoặc chỉ dẫn cho họ cách di chuyển để đảm bảo an toàn.Theo dõi công việc của thuyền trưởng, sĩ quan lái tàu và hoa tiêu trong buồng lái, trên một hành trình rất ngắn, tôi hiểu thêm chút ít về ngành hàng hải và nghề hoa tiêu. Hoa tiêu giỏi không chỉ phải trải qua trường lớp đào tạo, mà còn có năng khiếu và tình yêu nghề nghiệp. Đưa một con tàu từ biển vào đến nơi neo đậu an toàn và ngược lại là niềm hạnh phúc đối với người hoa tiêu. Để đừng căng thẳng vì phải giải quyết sự cố thì người hoa tiêu phải làm việc căng thẳng suốt cả cuộc hành trình.



Hoa tiêu Nguyễn Hoài Sơn và thuyền trưởng đang điều khiển xoay tàu.
Hoa tiêu Nguyễn Hoài Sơn và thuyền trưởng đang điều khiển xoay tàu.

Thạo nghề và thông luật


Nguyễn Trung Tín có 16 năm từng trải trong nghề với giấy chứng nhận hoa tiêu ngoại hạng. Tín cho biết, hoa tiêu không chỉ hiểu rõ khí tượng, thủy văn, luồng lạch, mật độ giao thông trên tuyến để tư vấn cho thuyền trưởng ra quyết định bảo đảm an toàn cho con tàu mà còn phải nắm rõ các quy định của Luật Hàng hải, các công ước quốc tế mà VN tham gia. Nhiều năm làm hoa tiêu trong khu vực cảng biển Vũng Tàu, Tín hiểu rõ những khó khăn và nguy cơ tai nạn. Tín cho biết anh sợ nhất là các phương tiện nhỏ, sà lan chở cát, ghe cá. Các loại phương tiện này thường đi lại theo tập quán của mình mà bỏ qua các quy định về giao thông đường thủy. Họ luôn tìm cách đi tắt, đi xuôi theo con nước để tiết kiệm thời gian, nhiên liệu. Bà con ngư dân còn có quan niệm khi đi biển mà cắt mặt được tàu lớn thì sẽ gặp may mắn nên cứ nhằm tàu to mà chạy ngang mặt. Chưa kể ngư dân đi đánh bắt cá theo con trăng, ghe lớn ghe nhỏ chạy ào ào. Đêm tối vô cùng nguy hiểm. Cho nên, thông hiểu pháp luật chưa đủ, mà còn phải rành luật “rừng” trên biển mới là hoa tiêu giỏi.


Một hoa tiêu lão luyện mà tôi được gặp là ông Trúc Sơn – người có 32 năm trong nghề và đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm cho thế hệ đàn em. Nghe tôi trình bày muốn viết về nghề hoa tiêu, bởi vì nhiều người chưa biết về nghề này, ông nói đùa “hoa tiêu còn chưa biết mình là ai thì làm sao người khác biết được”. Ông gửi gắm một điều, hoa tiêu là người tiếp xúc đầu tiên với tàu nước ngoài khi họ vào VN và cũng là người cuối cùng tiễn họ ra đi. Ấn tượng của họ đẹp hay xấu về đất nước mình chính là thái độ ứng xử, giao tiếp và trách nhiệm trong công việc của hoa tiêu. Trong thời gian chờ đợi và trò chuyện, hoa tiêu giới thiệu về thắng cảnh, ẩm thực. Có nhiều trường hợp thuyền trưởng hoặc thủy thủ hỏi về địa lý, lịch sử của thành phố lớn của VN, hoa tiêu sẽ là người giải thích cho họ như một hướng dẫn viên du lịch. Nói rộng hơn, hoa tiêu còn là một “nhân viên ngoại giao” trên biển.


Ông Lê Văn Chiến – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu - cho biết, hoa tiêu và các đơn vị hỗ trợ khác đã đưa được siêu tàu có chiều dài từ 364 – 367m, mớn nước sâu 15m, đó là thành công rất lớn. Ngoài ra, việc đột phá cải cách hành chính, rút các thủ tục xuất nhập cảnh từ 56 loại giấy tờ xuống còn 16 loại, từ nhiều ngày xuống còn dưới 60 phút, nhanh hơn các nước trong khu vực, đã tạo hình ảnh rất mới mẻ cho ngành hàng hải VN. Số lượng tàu quốc tế vào VN ngày càng nhiều hơn là nhờ sức lực và trí tuệ của đội ngũ người lao động ngành hàng hải, trong đó phải kể đến những người làm hoa tiêu.


Lê Chân Nhân

No comments:

Post a Comment