Saturday, March 23, 2013

Ba Ria - Vung Tau: “Ba hoa” van uy hiep hang nghin ha rung

Bà Rịa - Vũng Tàu: "Bà hỏa" vẫn uy hiếp hàng nghìn ha rừng

Tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao

Nguy cơ tiềm ẩn tập trung chủ yếu ở ba huyện có diện tích rừng tương đối lớn là Long Điền, Tân Thành, và Xuyên Mộc, với diện tích lên tới hàng nghìn ha. Trưởng Phòng Bảo vệ phòng, chống cháy rừng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Duy Bắc cho biết, phần lớn diện tích rừng ở Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở khu vực có độ dốc cao, địa hình phức tạp. Xen kẽ với rừng là nương rẫy, nhà dân, chùa, tu viện; dưới những tán rừng chủ yếu là tre gai, cỏ đuôi chồn là những thực vật dễ cháy, nên những năm gần đây hầu như năm nào cũng đều xảy ra các vụ cháy nhỏ.

Có mặt tại huyện Xuyên Mộc, địa phương có tỷ lệ rừng che phủ cao, với gần 17.300 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 27% so với diện tích tự nhiên toàn huyện, chúng tôi chứng kiến không khí khẩn trương, căng thẳng của cả lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và người dân đang sinh sống, sản xuất xen kẽ trong và ven rừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, Nguyễn Mạnh Tường cho biết, mùa khô ở Nam Bộ thường kéo dài từ tháng 11, 12 năm trước đến tháng 5 hoặc tháng 6 năm sau. Thời gian này, hệ thống khe, suối nguồn nước cạn kiệt, rừng rụng lá nhiều, các loại cỏ khô tạo vật liệu gây cháy trong rừng. Có một thực tế là trong các khu rừng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc vẫn còn một số hộ dân cư trú, sinh sống, đồng thời có không ít hộ làm nương rẫy trong rừng, trồng các cây nông nghiệp và cây ăn trái lâu năm xen kẽ trong và ven rừng. Tình trạng người dân đốt nương, làm rẫy vẫn diễn ra. Đây chính là nguyên nhân khiến nguy cơ cháy rừng càng trở nên nguy hiểm.

Ngoài ra, do Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều điểm du lịch, nghỉ dưỡng thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Các điểm du lịch này thường ở sát rừng. Nhiều khách du lịch còn tổ chức tham quan, cắm trại trong rừng, hiện tượng vứt tàn thuốc, nấu ăn trong rừng vẫn xảy ra. Nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh vì vậy rất cao.

Dồn sức bảo vệ rừng

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 198.864 ha rừng tự nhiên, trong đó có hơn 13.000 ha rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Ông Nguyễn Duy Bắc cho biết, nếu không làm tốt công tác phòng cháy, khi xảy ra cháy rất khó dập tắt lửa, dễ gây cháy lan trên diện rộng. Do đó, ngay từ đầu mùa khô năm 2013, với phương châm "phòng cháy hơn chữa cháy", các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương yêu cầu những hộ dân sống trong và ven rừng cam kết thực hiện các quy định bảo vệ rừng như: không chặt phá rừng, không sử dụng lửa đốt rẫy, quét sạch lá rụng vào mùa khô… Ngoài ra, tại những vùng trọng điểm đều bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng phương tiện, dụng cụ, hậu cần phục vụ chữa cháy…

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Xuyên Mộc cho biết, huyện đã tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng với 566 thành viên, gồm lực lượng tại chỗ của các địa phương có rừng, và bảy tổ tuần tra canh lửa tại bảy tuyến thuộc các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Các đơn vị cũng đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều công trình phòng, chống cháy với tổng diện tích gần 400 ha, tăng 15 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 246 ha đường băng cản lửa, 34 hồ đập chứa nước, 12 chòi canh lửa tại các tiểu khu rừng và các địa điểm xung yếu…

Huyện Long Điền cũng đã thành lập sáu tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng với 250 thành viên. Mỗi xã, thị trấn huy động từ 50 đến 100 người dân nằm trong lực lượng dự phòng. Riêng tại thị trấn Long Hải, địa phương có diện tích rừng nhiều nhất huyện, với gần 300 ha, chủ yếu ở khu vực núi Minh Đạm, nơi có độ dốc cao, không có đường cho xe chạy, Hạt Kiểm lâm huyện đã hoàn thiện và trang bị đồng bộ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, sẵn sàng phương án tác chiến bốn tại chỗ để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Song song với công tác chuẩn bị, lực lượng kiểm lâm cùng chính quyền các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung cơ bản của Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến với người dân nhằm phát huy cao hơn nữa trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân đối với công tác bảo vệ và phòng, phống cháy rừng.


Rừng Núi Lớn (Vũng Tàu) khô rang sau nhiều ngày nắng nóng.

No comments:

Post a Comment