Saturday, March 23, 2013

Dong nu Da Minh Ba Ria to chuc chuyen kham benh, phat thuoc va ...

Dòng nữ Đa Minh Bà Rịa tổ chức chuyến khám bệnh, phát thuốc và ...

Sáng thứ Bảy ngày 23/3/2013, Ban Tông Đồ - Dòng nữ Đa Minh Bà Rịa đã tổ chức chuyến khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho cơ sở Bảo Trợ xã Hội Đức Trọng. Theo như lời chia sẻ của trưởng Ban Tông Đồ, nữ tu Têrêsa Đỗ Thị Nam thì "Đã thành thông lệ, mỗi năm Dòng đều tổ chức chuyến đi thăm các bệnh nhân tại cơ sở Đức Trọng. Trong dịp mùa Chay và chuẩn bị mừng đón Chúa Phục Sinh, đoàn muốn đem đến cho các bệnh nhân tâm thần niềm an ủi và sự chia sẻ trong tình thân thương". Cùng cộng tác với đoàn trong dịp này, các chị em thiện nguyện của giáo xứ Liên Khương cũng giúp đỡ lo cho các bệnh nhân bữa ăn trưa.

Nắng ấm, khí trời trong lành, những bông hoa cà phê nở trắng tỏa ngát hương làm cho con đường dẫn vào cơ sở hôm nay thêm xinh đẹp hơn, khiến cho cả đoàn càng thêm phấn khởi, vui tươi hơn khi đến với các bệnh nhân tâm thần tại nhà tình thương Trọng Đức. Ngay từ sáng sớm, mọi người đã cùng nhau chuẩn bị tất cả mọi thứ rất nhanh để có thể dành nhiều giờ ghé thăm các bệnh nhân. Ông Bùi Văn Thu, giám đốc cơ sở cho biết, đồng chịu trách nhiệm và giúp quản lý cơ sở là các anh, chị em trong gia đình. Hiện nay số bệnh nhân tại cơ sở đã tăng lên gần 400 người ở khắp các nơi trong cả nước gởi về, được chia thành 2 khu nam và nữ riêng biệt nhau. Vì vậy việc điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân cũng gặp không ít khó khăn.

Ngay khi các bác sĩ vừa đến cổng của khu bệnh nhân nữ, một số bệnh nhân đã nhận ra và cùng nhau cất tiếng chào " Chào các bác sĩ!" "A! bác sĩ đi khám bệnh!". Chịu trách nhiệm khu bệnh nhân nữ Bà Trần Thị Hằng cho biết đó là những chị em bị bệnh tương đối nhẹ và cũng có một số đang trong giai đoạn hồi phục. Hiện khu nữ có khoảng 200 bệnh nhân tâm thần. Những chị em bị tâm thần nhẹ sẽ ở khu nhà ngoài và có thể giúp "nhà" một số công việc đơn giản như nhặt rau, quét nhà, dắt và coi chừng những chị em khác, còn một số chị em bệnh nặng ở khu nhà trong có phòng riêng. Trả lời về việc tại sao có ngôi nhà tình thương này, bà Hằng kể lại cách rất dung dị rằng, cách đây khoảng 23 năm, trong một vài lần đi vào các vùng dân tộc nhìn thấy cảnh những người bị bệnh tâm thần bị gia đình nhốt trong cũi, xích, trói tay chân ở trong nhà rất tội nghiệp, có người còn đi lang thang không nơi nương tựa, " thế là mình xin gia đình họ, đưa họ về nhà mình nuôi"

Tuy cơ sở chính thức được nhà nước cho phép thành lập từ năm 2006, nhưng trước đó ngôi nhà này đã là nơi dung thân của rất nhiều bệnh nhân tâm thần. Gọi đây là nhà tình thương quả là không sai bởi trong ngôi nhà này, những người chịu trách nhiệm luôn coi những bệnh nhân tâm thần như những đứa con của mình, bà Trần Thị Tươi, người chịu trách nhiệm khu bệnh nhân nam bộc bạch "Nhiều khi trong một tuần mà có đến 2, 3 em nhập viện một lúc… Tuy gia đình không có nhiều, nhưng chúng con nhất định không để em nào đau bệnh quá sức!". Còn riêng ông Hổ, thì tâm sự: " Nhiều khi nản lắm chứ, nhưng nghĩ lại, nếu mình không chăm các em thì ai chăm bây giờ! Nghĩ thế mà lấy tinh thần". Và như hiểu được tình thương ấy, những người bệnh luôn biết nghe lời " ba Thu, má Tươi, ba Hổ, má Hằng", đó cũng là cách gọi thân thương nhất của một gia đình.

Sau khi khám bệnh xong, các bệnh nhân rủ nhau "ngồi ngoan" để các nữ tu phát quà. Ngắm nhìn những khuôn mặt ngây ngô, dễ thương của các bệnh nhân khi cầm bịch bánh, đút cho nhau ăn miếng bánh, không ai là không cảm thấy mủi lòng. Chị Hương, một bệnh nhân đã khỏi bệnh, và hiện đang phụ với "má Hằng" lo cho các bệnh nhân phấn khởi reo vui: "Hôm nay cả nhà sẽ được ăn món ngon nè, bún mọc đó nghen!". Còn với chị Lan, một thành viên thiện nguyện của giáo xứ Liên Khương đang bận rộn lo chuẩn bị bữa trưa cho các bệnh nhân bộc lộ tâm tình "Mình không bên đạo Công giáo nhưng mình rất cảm phục tấm lòng của các anh chị chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần. Nên khi thấy mình có thể giúp được gì cho cơ sở mình sẵn sàng tham gia". Một điều đặc biệt là trong chuyến đi của đoàn lần này có một nửa các thành viên là những người không Công giáo. Khi lắng nghe những chia sẻ của bà Tươi về việc một số bệnh nhân đã khỏi bệnh và hòa nhập với gia đình cộng đồng một cách bình thường, bác sĩ Trần Văn Do đã khỏi thốt lên "Quả là có những điều y học không làm được nhưng các bạn đã làm được bằng niềm tin và việc cầu nguyện".

Được biết cơ sở được ổn định và phát triển như ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của các vị ân nhân xa gần. Dầu vậy, với số đông bệnh nhân đang phải chăm lo về nhiều mặt tinh thần, vật chất, sức khỏe thì là một bài toán không phải dễ. Với tổng trị giá khoảng hơn 20 triệu đồng do đoàn trao gồm: thuốc, gạo, mì tôm, bánh… Tuy không nhiều, nhưng bà Trần Thị Tươi cũng không giấu được vẻ xúc động: "Cám ơn các sơ và các bác sĩ đã dành tình thương cho các bệnh nhân. Thật sự đây là một điều rất quý, khi cơ sở của chúng con nhận được nhiều tình thương từ mọi người!".

Khi các bệnh nhân cả hai khu đã ăn trưa xong và chuẩn bị nghỉ trưa cũng là lúc chiếc xe chở đoàn lăn bánh ra về. Mọi người nói lời tạm biệt cơ sở BTXH Trọng Đức nhưng vẫn lưu giữ ở đó lời hẹn gặp lại trong thời gian gần nhất. Riêng tôi, khi nhớ lại lời chia sẻ của ông Thu: "Gia đình chúng con chẳng từ chối bất kỳ ai cả, mỗi bệnh nhân đến với chúng con cũng là hồng ân Chúa ban tặng", tôi thầm cầu mong mỗi ngày sẽ có thêm nhiều đoàn từ thiện, nhiều nhà hảo tâm và mạnh thường quân để giúp đỡ cơ sở trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng số bệnh nhân đang ngày một đông.

No comments:

Post a Comment