Friday, March 8, 2013

Noi con duong to lua di qua

Nơi con đường tơ lụa đi qua

Vũng Tàu thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Vũng được tạo nên bởi phía bắc là những dãy núi thuộc xã Bình Hải, phía đông là mỏm Ông Rơi, tiếp đến là Hòn Nhàn và xa hơn là mũi Ba Làng An (tức mũi Ba-Tân-Gân).

Một thời trên bến dưới thuyền

Cụ Nguyễn Bình, 78 tuổi, trưởng vạn vũng Tàu, kể thời còn trẻ cụ đã nghe ông nội của cụ nói lại rằng thời xa xưa phía trên vũng tiếp giáp vùng Châu Tân bây giờ có cửa biển Bàn Thủ ăn thông với cửa biển Sa Kỳ (qua dòng sông Châu Me). Vì vậy, thương thuyền và thuyền đánh cá của ngư dân trong vùng ra vào tấp nập. "Do lợi thế này mà trong vùng có chợ Châu Me là đầu mối gom hàng để bán cho ngư dân và cho những thương thuyền. Từ đó, dân gian mới lưu truyền câu ca: "Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre/ Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền".

Cạnh vũng Tàu có mũi Ba Làng An, xưa kia từng là thách thức của những thương thuyền trên hải trình vào Nam ra Bắc. Bởi mùa biển động, gió bấc thổi, những rạn đá ngầm, vực xoáy và sóng to ở khu này trở thành hiểm họa cho tàu thuyền. "Để tránh rủi ro, thương thuyền ngày xưa không vượt mũi Ba Làng An mà đi từ cửa biển Bàn Thủ nằm trong vũng Tàu bây giờ chạy dọc sông Châu Me để ra cửa Sa Kỳ rồi tiếp tục cuộc hành trình trên đại dương. Mùa gió bấc, tàu cá của ngư dân vùng Châu Thuận Biển và các vùng lân cận thường chọn cửa biển Bàn Thủ để đưa thuyền vào bên trong sông Châu Me neo đậu cho an toàn" - cụ Nguyễn Bình kể.

Một góc vũng Tàu ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi), nơi có nhiều con tàu chở cổ vật bị đắm.

Tháng năm đổi dời. Cửa biển Bàn Thủ bị xóa sổ. Nước trên sông Châu Me không còn ào ạt đổ ra cửa biển Bàn Thủ nữa mà đổ về phía Nam thuộc cửa Sa Kỳ. Đoạn nối sông Châu Me với vũng Tàu giờ chỉ còn là con lạch nhỏ. Mùa hạ sông cạn, nước mặn từ ngoài cửa biển tràn vô. Đến đầu thế kỷ XX, ông chánh tổng Tiêu người làng An Hải đã vận động dân làm cống ngăn mặn giữ ngọt, nối liền vũng Tàu với vùng Châu Me để dân trong vùng sản xuất. Sau tháng 8-1945, chính quyền đã vận động dân trong vùng đắp đập bổi để ngăn mặn giữ ngọt nên cánh đồng Tam Ván phía trước xã Bình Châu mùa tiếp mùa lúa lên xanh.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn, "vũng An Vĩnh phía đông huyện Bình Sơn. Nơi đây đá cát bồi cao, bãi liệt ngay thẳng từng hàng hình tròn như cái mâm. 10 thắng cảnh của Quảng Ngãi, đây là một cảnh "An Hải sa bàn" (mâm cát An Hải). Bờ biển này có rừng cây xanh, giếng nước ngọt, ghe thuyền đến đậu luôn luôn để lấy củi, nước. Lại có vũng Thanh Thủy, vũng Tàu và vũng Quýt cũng hệt như vũng này".

Và những con tàu đắm

Trong nhiều lần về vũng Tàu, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, cùng các đồng sự nghe người dân trong vùng đề cập về con lạch nối liền vũng Tàu với sông Châu Me. Tuy vậy, do những lần về Bình Châu chủ yếu là khảo sát tàu cổ trong phạm vi hẹp nên theo ông Khôi, cần phải có những cuộc khảo sát tiếp mới làm sáng tỏ về khu vực vũng Tàu.

Trong khi đó, cánh thợ lặn nơi đây ban đầu là tình cờ, sau đó là chủ động tìm kiếm đã phát hiện ba chiếc tàu chở cổ vật bị đắm. Tất cả đều là thuyền buồm có chiều dài 19 m trở lên và đều chở cổ vật.

Con tàu đắm được phát hiện lần đầu vào năm 1999 ở khu vực biển Hòn Nhàn (nằm ở phía đông, thuộc vũng Tàu). Cánh thợ lặn sau khi phát hiện đã bí mật lặn vớt cổ vật rồi đem bán. Đến khi ngành chức năng và địa phương phát hiện, ông Khôi cùng với đồng nghiệp về khảo sát thì cánh thợ lặn đã mang những chiến lợi phẩm đi biệt. Ông Khôi chỉ còn mục kích được một số mảnh vỡ từ những cổ vật vương vãi dưới đáy biển, do cánh thợ lặn dùng thuốc nổ để phá tàu lấy cổ vật. Nhưng cũng từ chuyến đi này, những cư dân trong vùng cho biết nhiều manh mối để rồi ngành văn hóa Quảng Ngãi phối hợp với Tổng Công ty Trục vớt và cứu hộ Visal (thuộc Bộ GTVT) tiến hành trục vớt con tàu cổ bị đắm thứ hai, tại vũng Tàu, cách điểm con tàu hiện đang chờ chưa khai quật khoảng 200 m về phía tây.

Những cổ vật thu được trên tàu đắm ở vũng Tàu dính chặt vào nhau. Ảnh trong bài: VÕ QUÝ

Khi cổ vật lên tiếng

Cuộc khai quật con tàu cổ thứ hai đã thu được nhiều cổ vật như gốm sứ, đĩa sứ men ngọc, đồ đồng mà qua phân loại có niên đại thế kỷ XV, tức thời nhà Minh (Trung Quốc). Nhiều cổ vật được xác định sản xuất vào thế kỷ XVII do thương thuyền mang đi bán buôn giữa các vùng. Những hiện vật này được sản xuất từ vùng Long Tuyền, tỉnh Chiết Giang hay ở vùng Quảng Đông, Trung Quốc. Trên cơ sở đó, TS Đoàn Ngọc Khôi nhận định: "Bước đầu có thể xác định vũng Tàu là một điểm nằm trên con đường gốm sứ, tơ lụa trên biển Đông được hình thành từ những năm sau Công nguyên kéo dài đến thế kỷ XVIII. Con đường tơ lụa ấy đi qua Việt Nam với một loạt các cảng biển trên biển Đông như Vân Đồn, Hội An, Thị Nại...".

Cũng tại vũng Tàu, tháng 9-2012, cánh thợ lặn đã phát hiện con tàu bị đắm thứ ba rộng 4 m, dài 21 m, chỉ cách bờ 100 m, nằm ở độ sâu 4 m. Họ đã phá hỏng một khoang của con tàu cổ để lấy cổ vật. Ngành chức năng phát hiện đã thu giữ được một số hiện vật, giống như hiện vật trên con tàu cổ đã phát hiện thứ hai ở vũng Tàu. Những hiện vật này đã giúp các nhà nghiên cứu củng cố được lập luận: Vũng Tàu là một điểm của con đường tơ lụa trên biển Đông.

Có một điều trùng hợp khá thú vị là con tàu thứ hai và con tàu thứ ba đều bị cháy trước khi chìm xuống đáy biển và cháy rất to nên nhiều cổ vật dính kết vào nhau. Lý giải điều này, TS Đoàn Ngọc Khôi cho rằng có thể trong lúc neo đậu trong vũng bất ngờ bị sóng lớn đánh cho nghiêng ngả, những hiện vật trên tàu đã cháy bùng lên trước khi bị sóng lớn đánh chìm. Một giả thiết thứ hai là có thể tàu bị cướp biển phóng hỏa đốt cháy, cướp đi tiền của rồi bỏ lại hàng hóa và con tàu cứ thế bị cháy rồi chìm.

Điều đáng mừng là ở vũng Tàu đáy biển chỉ toàn cát và cát chứ không như ở mũi Ba Làng An có nhiều gành rạn san hô, đá đen. Vì vậy, khi tàu chìm, sóng biển đưa cát vào bồi lấp chiếc tàu lẫn hiện vật nên chúng mới còn còn giữ được nguyên vẹn chứ nếu bị đắm ở trước mũi Ba Làng An thì trong thoáng chốc cả thân tàu lẫn vật chở theo sẽ tan tành.

Tiếc rằng những con tàu cổ bị đắm ở vũng Tàu đều do cánh thợ lặn phát hiện, đến khi ngành chức năng tìm thấy chỉ còn lại những mảnh vỡ. TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TTDL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết năm 2013 này, Sở sẽ quy hoạch khảo cổ dưới nước ở vùng biển Quảng Ngãi, trong đó có vũng Tàu. "Thông qua những con tàu chở cổ vật đã được phát hiện, vấn đề đặt ra là cần có một cuộc khảo sát vũng Tàu trên diện tích lớn hơn để có thể phát hiện thêm về những con tàu và hiện vật cổ (nếu có), để chúng không bị vùi lấp dưới đại dương. Qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về vũng Tàu cũng như cuộc sống của cư dân nơi đây trong tiến trình phát triển" - TS Vũ nói.

VÕ QUÝ

No comments:

Post a Comment