Monday, May 21, 2012

Bà Rịa- Vũng Tàu: Đào tạo những nghề có tính cạnh tranh cao



Mỗi năm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 20.000 lượt học viên học các lớp sơ cấp nghề. Loại hình dạy nghề ngắn hạn đang ngày càng thu hút người học do thời gian, chương trình dạy linh hoạt, thường xuyên tuyển sinh trong năm, đáp ứng nhu cầu cho cả người học lẫn đơn vị tuyển dụng lao động.



Tại huyện Đất Đỏ, trong số 7.115 lao động có nhu cầu học nghề thì có hơn 6.000 người đăng ký học nghề ngắn hạn. Trong đó, phần lớn là lao động nông thôn, nhu cầu học các nghề như may công nghiệp, điện công nghiệp, sửa chữa cài đặt máy vi tính, sửa xe máy, kỹ thuật trang điểm, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái… Đây là những ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn, linh hoạt từ 3 tháng trở xuống, học buổi tối hoặc thứ bảy, chủ nhật; thậm chí các lớp học được tổ chức ngay tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, nhất là các học viên là lao động nông thôn.


Ông Đỗ Văn Lập, cư trú tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) đang theo học nghề điện dân dụng tại trường Cao đẳng Nghề tỉnh cho biết: “Hiện tôi đang làm nông nghiệp ở nông thôn. Do thu nhập không cao nên tôi đăng ký học nghề điện dân dụng để trang bị cho bản thân một nghề “tay trái”. Học xong về địa phương mở tiệm, kiếm thêm thu nhập để tăng thu nhập cho gia đình”.


Tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh, mỗi năm thu hút từ 1.500 đến 2.000 học viên đăng ký học nghề ngắn hạn từ 3 - 6 tháng. Ông Lê Duy Cầu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đa số học viên học các nghề đào tạo ngắn hạn đều hướng tới mục tiêu là nhanh có tay nghề để tìm việc làm. Ngoài ra, với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã đầu tư mua sắm trang thiết bị thực hành, tạo điều kiện cho trường nâng cao chất lượng giảng dạy. Phần lớn học viên học nghề ngắn hạn đều có việc làm ngay sau khi có chứng chỉ”.


Còn tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, quy mô đào tạo hàng năm của trường là 1.800 - 2.000 học sinh, sinh viên hệ chính quy. Bên cạnh đó, trường cũng thu hút khoảng 1.200 - 1.500 học viên hệ đào tạo ngắn hạn. Tiến sĩ Phùng Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu cho biết, theo tính toán, từ nay đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh sẽ có hơn 50% trong tổng số 186 dự án du lịch đã được cấp phép đi vào hoạt động, cần khoảng 15.000 lao động đã qua đào tạo, trong đó có ít nhất 4.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng; hơn 5.000 lao động trình độ trung cấp. Số còn lại tối thiểu phải qua đào tạo sơ cấp (bảo vệ, nhân viên chăm sóc cây cảnh, điện, nước, cấp cứu thủy nạn)… nên nguy cơ thiếu nhân lực của ngành du lịch là rất cao. Một số ngành nghề “nóng” như chế biến món ăn, dịch vụ nhà hàng, lễ tân, phục vụ buồng cũng có nhu cầu cao, học viên dễ dàng có cơ hội việc làm ngay.


 



Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có 1 trường đại học tư thục (Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu), 1 cơ sở đại học quốc tế, 2 trường cao đẳng chuyên nghiệp, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp và 33 cơ sở dạy nghề. Theo quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 81%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng cầu đạt tương ứng là 64%. Cũng theo quy hoạch này, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư có trọng điểm, nâng cao năng lực đào tạo những nghề “nóng”, có tính cạnh tranh cao, nhu cầu lớn nhằm phục vụ cho định hướng phát triển của tỉnh trong những năm tới. Đây là những cơ hội thuận lợi để người lao động có nhu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định./.




No comments:

Post a Comment