Wednesday, May 30, 2012

Dự án đê biển Vũng Tàu

Dự án tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công dài 32km với tổng vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng nhằm chống lũ lụt và ngập úng cũng như các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. HCM và vùng Đồng Tháp Mười. Nhưng dự án này đang có nhiều ý kiến trái chiều...


Dự án trên do Tổng cục Thủy lợi đề xuất, dựa trên ý tưởng của GS.TS. Đào Xuân Học, hiện là Thứ trưởng Bộ NNPTNT. Mục đích của dự án này là chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TP. HCM trước mắt và lâu dài. Đồng thời tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười... Sau khi đê được xây dựng sẽ tạo được một hồ chứa với diện tích mặt nước 56.000 ha, dung tích hồ chứa khoảng 3,3 tỷ m3 tạo trục giao thông kết nối Vũng Tàu với miền Tây.


Cần thiết!


Theo tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, dự án này cần thiết đối với một đô thị luôn bị ngập như TPHCM. Nhiều năm qua, thành phố đã tốn không biết bao tiền của, công sức nhưng cho đến nay hiệu quả chống ngập vẫn như một thách đố lớn. Các dự án chống ngập trước đây do thiếu tầm nhìn về quy hoạch và không có “nhạc trưởng” đủ sức mạnh chỉ huy thống nhất nên các giải pháp đưa ra không mang tính hệ thống, hiệu quả thấp.



Sơ đồ tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công

Ông Lã Song Toàn, chuyên gia Viện Quy hoạch Thủy lợi cho rằng, dự án này mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Do vùng Đồng Tháp Mười chưa có công trình kiểm soát lũ như vùng Tứ Giác Long Xuyên nên việc phát triển kinh tế ở vùng Đồng Tháp Mười đã đến mức giới hạn. Muốn vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục phát triển cần phải có công trình kiểm soát được lũ và mặn. Tuyến đê Gò Công - Vũng Tàu cùng một số công trình kiểm soát lũ trên sông Tiền và ven biển giới sẽ kiểm soát được lũ và mặn tạo ra một tình thế mới cho nhân dân trong vùng phát triển. 


Dự án này còn là công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cho vùng biển trong vùng đê bao. Đề xuất dự án này đưa ra rất đúng lúc, phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng kỹ thuật trong nước hiện nay. Dự án Saemangeum của Hàn Quốc là một dự án đê biển lớn trên thế giới, dự án này gần giống đề án đê biển Vũng Tàu-Gò Công.


Nhiều vấn đề khó lường


GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, nội dung dự án chỉ lợi trước mắt về kinh tế, mà không tính đến các quy hoạch đã có trước đó. Về lâu dài, nó sẽ phá vỡ môi trường sinh thái của cả một vùng rộng lớn.


Theo PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận (Hội Cảng - Đường thủy và Thềm lục địa VN) dự án này sẽ mang lại hiệu quả thấp trong việc giảm ngập úng TP.HCM vì hồ điều tiết nằm ở hạ nguồn. Ngoài ra còn bịt kín cả 2 cửa ngõ ra biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thị Vải và Soài Roạp), nếu tính đến số lượng rất lớn tàu trọng tải nhỏ và tàu đánh cá thì nguy cơ ách tắc tại các âu tàu là hiện hữu. Không chỉ vậy, căn cứ tiền lệ sau đê Đình Vũ, cảng Hải Phòng thì khả năng suy thoái luồng tàu trên diện rộng cũng được xem là nhãn tiền.


Còn theo PGS-TS Trần Minh Quang, dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công tuy xuất phát từ những ý đồ tốt như giúp ngăn nước biển dâng, chống bão, chống xâm nhập mặn, tạo dựng tuyến đường ven biển... Nhưng thực ra tuyến đê sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp chưa thể lường hết và sẽ khó bảo đảm chống ngập cho thành phố, do cửa thoát bị thu hẹp nhiều. PGS-TS Trần Minh Quang cho rằng vấn đề này cần được xem xét thận trọng hơn và tốt nhất là không nên tìm cách bịt cửa biển tại khu vực Vũng Tàu-Tiền Giang bằng bất cứ công trình nào như kiểu đê biển Vũng Tàu - Gò Công.


Theo các tác giả của dự án, tuyến đê sẽ giải quyết vấn đề lũ lụt, úng ngập, xâm nhập mặn chống biến đổi khí hậu cho một vùng rộng lớn đến 1 triệu ha thuộc lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn - Vàm Cỏ. Tuy nhiên, các mục tiêu này còn chưa biết liệu có đạt được không trong khi tác động tiêu cực về kinh tế và môi trường của dự án này được dự báo là sẽ rất nghiêm trọng.


Đỗ Loan

No comments:

Post a Comment