Thursday, May 24, 2012

Bà Rịa Vũng Tàu: Tái cơ cấu doanh nghiệp xây dựng

Để "tự cứu mình", hiện nay các doanh nghiệp đều tập trung tái cấu trúc và điều chỉnh kế hoạch đầu tư cho phù hợp với tình hình khó khăn chung.


Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc để cải thiện và thúc đẩy phát triển kinh tế, song tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều cải thiện. Để “tự cứu mình”, hiện nay các doanh nghiệp đều tập trung tái cấu trúc và điều chỉnh kế hoạch đầu tư cho phù hợp với tình hình khó khăn chung.


THÊM MỘT NĂM SÓNG GIÓ


Báo cáo từ đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản trên địa bàn tỉnh cho thấy, năm 2011, doanh thu, lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp đều không đạt kế hoạch đề ra, kể cả các doanh nghiệp mạnh như Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group), Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa-Vũng Tàu (Hodeco). Theo nhận định của lãnh đạo các doanh nghiệp, tình hình khó khăn có thể còn kéo dài đến hết năm nay. Cụ thể, bước sang năm 2012 Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 về thắt chặt tín dụng và tài khóa; Các địa phương tiếp tục chủ trương kiểm soát chặt đầu tư công, nhiều dự án đầu tư phát triển cũng bị đình trệ do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.


Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Thị trường căn hộ xuất hiện các hiện tượng “đại hạ giá” làm ảnh hưởng đến tín hiệu lành mạnh của thị trường; các lô đất nền vẫn có giao dịch nhưng chưa sôi động. Thủ tục đầu tư, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn vướng mắc dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư chậm.


TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP


Lường trước các khó khăn trên, ngay từ đầu năm 2012, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã ráo riết thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ trước mắt và lâu dài, trọng tâm là cắt giảm mọi chi phí chưa thật cần thiết để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tăng hiệu quả kinh doanh. Từ các chi phí xã hội, chi phí điện nước, nhân công, phương tiện vận chuyển.... đều được tính toán kỹ, chỉ tập trung vào những hoạt động cần thiết nhất của doanh nghiệp; Mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả, tập trung vào những dự án sắp hoàn thành và đang dở dang có khả năng khai thác lợi nhuận sớm.


Ông Đoàn Hữu Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trước tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp bảo đảm duy trì tốt lưu chuyển của dòng tiền, tăng tích lũy để cơ cấu lại các nguồn vốn, tránh đầu tư dàn trải. Từ nay đến hết năm, Hodeco tập trung sắp xếp lại Xí nghiệp Dịch vụ du lịch thành Công ty TNHH một thành viên. Hodeco tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, kết hợp đưa ra các biện pháp thỏa thuận bồi thường, đổi đất, liên doanh góp vốn với các chủ sở hữu quyền sử dụng đất trong các dự án để triển khai các bước tiếp theo trong các dự án.


Tương tự, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng tiếp tục phân nhóm dự án, xác định rõ vốn phải giải ngân, doanh thu phải đạt được của từng dự án. Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Tổng Giám đốc DIC Group cho biết, năm 2012, DIC Group triển khai kế hoạch thoái vốn, sắp xếp, sáp nhập các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, hoạt động cùng địa bàn để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh. Công ty CP Đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh, Công ty CP Đầu tư xây dựng sản xuất Tân Thành cũng có nhiều giải pháp để đối mặt với các khó khăn như cơ cấu lại luồng tiền, các khoản đầu tư, không đầu tư dàn trải, cắt giảm chi phí nhằm ổn định doanh nghiệp.


Mỗi doanh nghiệp có một hướng đi riêng, nhưng có cùng điểm chung là kiểm soát đầu tư theo hướng tránh dàn trải và tái cấu trúc lại mô hình hoạt động của các đơn vị thành viên. Bởi, trong tình hình lãi suất cho vay của các ngân hàng còn cao như hiện nay, doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng trước hết phải tự chủ động nguồn năng lực tài chính.


 Báo Bà Rịa Vũng Tàu

No comments:

Post a Comment