Saturday, May 26, 2012

Hàng trăm hecta caosu được mua bán trao tay

Nhiều kiểu mua bán



Một lãnh đạo Nông trường Caosu xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đưa cho chúng tôi danh sách cả trăm người dân các thôn I, II, Tam An... xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy đã bán trái phép hơn 150ha vườn caosu nhận khoán của mình cho các “đại gia”.


Trong danh sách này, ông Nguyễn Ngọc Lịch đã thực hiện trên 17 cuộc mua bán với 17 hộ gia đình với diện tích caosu khoảng 9ha; Sầm A Sám - trú tại thôn Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cũng mua 5ha của ba gia đình (Khương, Khanh, Khái) chuyển nhượng với giá 200 triệu đồng; một người tên Hiếu trú tại tỉnh Bình Dương mua vườn caosu của ông Vi Văn Hải với diện tích trên 7ha, số tiền khoảng 760 triệu đồng.


Diện tích caosu của ông Vi Văn Hải mua của bốn hộ (Duy, Thắng, Tình, Dương) với giá 450 triệu đồng, sau hơn 10 tháng cạo mủ, khai thác vườn cây, ông Hải bán lại cho ông Hiếu vẫn còn lãi đến 310 triệu đồng. Trong những người bán vườn caosu có cả lãnh đạo chính quyền địa phương như ông Trần Lệnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã - bán 1,5ha với giá 95 triệu đồng; ông Bùi Quốc Tưởng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sa Sơn - mua của ông Bùi Văn Trực 2ha, sau đó bán lại cho bà Lê Thị Thắm với giá 250 triệu đồng...


Để thực hiện việc mua bán vườn cây thuộc sở hữu Nhà nước, nhiều hộ gia đình chỉ cam kết với nhau bằng mảnh giấy viết tay, thế là trao tiền cho nhau lên đến hàng trăm triệu đồng. Người dân thực hiện mua bán, đổi chác vườn caosu - tài sản của Nhà nước - còn dễ hơn mua mớ rau ngoài chợ.


Thường là hai người viết giấy trao tay, có xác nhận của thôn trưởng; hai người viết giấy, có người thứ ba làm chứng; hai người viết giấy trao tay có xác nhận của chính quyền địa phương; thậm chí xảy ra nhiều trường hợp, hai người viết giấy có xác nhận mua bán của cả chính quyền địa phương và lãnh đạo Nông trường Caosu Sa Sơn...


Thất thoát hàng tỉ đồng



Những diện tích caosu được người dân thực hiện mua bán trái phép đang bị khai thác gần như cạn kiệt. Theo quy định của kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch mủ caosu thì ba ngày mới thu hoạch mủ một lần. Thế nhưng tại các vườn cây này thì mỗi ngày người dân thu hoạch mủ caosu đến... 3 lần. Bị “bóc lột” quá mức khả năng tái tạo mủ, nên những vườn caosu ở đây đang đối diện với nguy cơ sẽ chết trong tương lai gần.


Chỉ tính trên địa bàn xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, sản lượng Cty TNHH MTV caosu Kon Tum giao cho Nông trường caosu Sa Sơn năm 2011 là 420 tấn mủ khô, song khối lượng thực hiện mới chỉ đạt 190 tấn - khoảng 45,23% kế hoạch được giao, còn phần lớn khối lượng mủ caosu bị thất thoát. Cá biệt, có nhiều hộ gia đình bớt xén từ 60 - 80% sản lượng để bán cho tư thương.


Nông trường caosu xã Sa Sơn đang quản lý 618,69ha caosu, trong đó, 675ha đang trong thời kỳ kinh doanh thì hơn 150ha bị người dân bán cho tư nhân. Theo lãnh đạo nông trường, từ đầu tháng 4.2012 đến nay, nông trường thiệt hại khoảng 30 tấn mủ caosu khô, mỗi ngày thất thoát lên đến 60 triệu đồng.


Ông Lê Khả Liễm - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV caosu Kon Tum - khẳng định: “Tình trạng người dân mua bán ngầm, trái phép diện tích vườn cây cho nhau diễn ra phổ biến, đây là hành động mua bán trái phép tài sản nhà nước nhằm thu lợi bất chính”.


No comments:

Post a Comment