Thursday, May 17, 2012

Vũng Tàu - thành phố xanh

Nét son từ quá khứ đến hiện tại



Cách đây ba thế kỷ, Vũng Tàu chỉ là vùng đất bãi lầy, các thương lái nước ngoài thường cho tàu cập bến và nơi đây  đã trở thành chỗ khu trú may mắn nhất nên được gọi Vũng Tàu. Những thuỷ thủ Bồ Đào Nha khi vượt qua vùng đất mũi này gọi Vũng Tàu là Thánh Giắc.


Vào những năm đầu thế kỷ XVII- XVIII, vùng đất Vũng Tàu từng xảy ra nhiều vụ xung đột cướp đoạt của bọn hải tặc Mã Lai hoành hành gây nên sự nguy hiểm cho các thương nhân vùng Gia Định lúc bấy giờ. Trước những bất an của dân, vua Minh Mạng đã ban lệnh cho các triều thần phải chuẩn bị binh khí, đồng thời thiết lập ba đội quân tới đây vừa tẩy  trừ “giặc nước”, vừa  mở đất để dân chúng tạo nghiệp làm ăn và lập nên ba làng: Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam.


Còn hiện tại thành phố Vũng Tàu là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất trong nước, một môi trường xanh-sạch-đẹp. Với diện tích 149,65km2, Vũng Tàu không phải là vùng đất rộng nhưng  để lại cho du khách những dấu ấn khó quên về môi trường, di tích và văn hoá. Thời đổi mới, thành phố  Vũng Tàu có một hệ thống kiến trúc hạ tầng cơ sở khoa học hiện đại.


Ai đã từng tới Vũng Tàu bất cứ mùa nào chắc lòng sẽ còn lưu luyến mãi. Nắng Vũng Tàu có nét riêng không giống miền quê nào. Nắng càng toả rộng, bãi biển Thuỳ Vân lại càng nườm nượp  khách. Dạo từ chân núi Tam Phùng đến Cát Lấp,  những hàng dương liễu mọc ngay trên những đồi cát nhấp nhô. Trời vào hạ xanh ngăn ngắt. Dưới những tảng mây trắng bồng bềnh chốc chốc lại xuất hiện vài ba chiếc máy bay trực thăng của ngành dầu khí vội vã bay ra giàn khoan.


Dường như người dân Vũng Tàu đã quen thuộc với âm thanh ấy, một âm thanh rất đỗi tự hào khi Vũng Tàu đang bật dậy sức sống mãnh liệt của nguồn tài nguyên giàu có của tổ quốc. Điều tôi thấy lạ lùng hơn, bên vệ đường xuất hiện bóng dáng cô công nhân vệ sinh môi trường đô thị khi hoàng hôn đã buông xuống vẫn mãi miết  nâng chiếc bình nhỏ xíu tưới những giọt nước li ti cho từng cánh hoa, ngọn cỏ. Đường lớn đường nhỏ, từ đường ra biển, đến từng ngõ ngách chỗ nào cũng phong quang, sạch sẽ. 


Anh Cường bạn tôi bảo: “Thành phố Vùng Tàu sạch bắt đầu từ sự làm việc nghiêm túc của Công ty Quản lý vệ sinh đô thị Vũng Tàu và ý thức của người dân. Mỗi nhà đều có một hộp đựng rác riêng. Khi xe chở rác rung chuông tất cả đã sẵn sàng. Nếu gia đình nào thiếu  ý thức vứt rác hoặc xả nước bẩn bừa bãi thì bị lên án kịch liệt”.  


Mỗi di tích chứa đầy huyền thoại



Đến Vũng Tàu không chỉ thoả thích du thuỷ mà còn được du sơn. Thành phố Vũng Tàu vừa có biển vừa có núi. Bốn ngọn núi là núi Lớn, núi Long Sơn, núi Nhỏ và núi Long Hải tự ngàn đời nay ẩn giấu trong lòng bao nhiêu trang sử thi huyền thoại. Núi Lớn có tượng Đức Phật Quan Âm Bồ Tát, một pho tượng ai vào chiêm ngưỡng cũng thấy mình tĩnh tâm. Núi Nhỏ có tượng Chúa đứng giang tay chịu đựng trước mọi phong ba bão táp. Khi văn hóa tâm linh được tôn tạo và gìn giữ, tín ngưỡng được tôn trọng thì nơi đây cũng  trở thành “cõi thiêng” của du khách.





Toà Bạch Dinh - điểm hấp dẫn du khách.

Dạo từ núi Lớn tới núi Nhỏ ở đâu cũng thấy bày những sản phẩm du lịch khá hấp dẫn với những cử chỉ chào mời lịch lãm. Nhiều kỷ vật được chạm bằng gỗ, khắc bằng đá rất gợi hình gợi cảnh. Từ tượng Phật Di Lặc, Phật Quan Âm Bồ Tát đến  vòng cườm đeo cổ. Kỳ lạ hơn, qua bàn tay khéo léo của con người, từ con sò, con ốc, con hàu... tạo thành dáng những con vật quanh ta rất quen thuộc và đáng yêu.


Tôi tới thăm toà Bạch Dinh, bỗng thấy mình như được bầu dưỡng khí trong veo của trời đất ban tặng. Xung quanh toà Bạch Dinh ngút ngàn bóng cây xanh, có những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Trước cửa Bạch Dinh ngan ngát mùi hoa đại. Đây là một biệt thự sang trọng được xây dựng theo kiến trúc của Pháp (năm 1898) làm nơi nghỉ dưỡng cho Toàn quyền Pháp tại Đông Dương và các quan chức cao cấp của nhà nước thuộc địa Pháp thời bấy giờ.


Tầng một toà Bạch Dinh được bày biện đủ các tiện nghi sang trọng như salon, tủ giường, được chạm khắc sơn mài với những loại gỗ quý nhất Đông Dương. Những đồ vật như chăn, gối, nệm và trang phục của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương hiện vẫn còn lưu giữ.  Đặc biệt trưng bày nhiều đồng tiền cổ, đĩa, bát, ấm, chén được vớt lên từ những con thuyền bị nạn chìm dưới biển cách đây hàng trăm năm. Đứng ở toà Bạch Dinh thoả thuê nhìn trời mây non nước, bốn mùa ở đây đều dạt dào sóng biển và mênh mông gió lành.


Nghe chuyện vui ngày mới



Chỉ mới ở Vũng Tàu một tuần lễ tôi đã quen nhập cuộc với bè bạn ở đây bằng thú vui uống càphê sáng. Càphê Vũng Tàu ngon, cứ ra khỏi nhà đâu đâu cũng dày đặc quán càphê với món ăn đặc sản biển, rừng và hương đồng gió nội... Tôi khoái nhất khi ngồi uống càphê dưới chân núi được phóng tầm mắt nhìn ra những con tàu khơi  xa từ biển.


Ngồi nhâm nhi càphê mới hiểu người dân Vũng Tàu có tư duy khá năng động trong cơ chế thị trường. Cảnh, một người bạn bảo với tôi: “Ở thành phố Vũng Tàu mọi cơ chế đều thông thoáng. Dân cũng như cán bộ ai làm kinh tế giỏi đều được khuyến khích, miễn làm sao đừng vi phạm pháp luật”. Tôi  cùng Cảnh  đi tham một khu Đại An - một khu đất mới mọc lên vô số nhà đẹp.


Khu đất ở Đại An ngày xưa là bãi đất hoang, cách đây vài năm chỉ có 5 triệu/m2 bây giờ lên tới 18 triệu/m2. Cái hay ở Vũng Tàu trong chuyện làm ăn là không ai ghen tuông, đố kỵ và nảy sinh mâu thuẫn tranh chấp. Thậm chí người nọ còn giới thiệu khách cho người kia khi mình đã hết hàng, đó là nét văn minh trong kinh doanh.


Thời đổi mới Vũng Tàu cần nhiều nguồn nhân lực, đất lành nên chim đậu. Chính vì thế các nhà đầu tư địa ốc  đã mạnh dạn bỏ ra hàng “núi tiền” nhằm xây dựng Vũng Tàu “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

1 comment: