Wednesday, May 30, 2012

Phạt hành chính có thể lên đến 2 tỷ đồng

- Theo dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính, mức phạt tiền là 50.000 - 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 100.000 - 2 tỷ đồng đối với tổ chức.



Nên để các thành phố tự quyết mức phạt
Phạt tiền cao: Người giàu nhờn, người nghèo sợ


Đơn giản hóa thủ tục nộp phạt




Thảo luận chiều 30/5, ĐBQH Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) thấy mức này hợp lý trong điều kiện thực tế hiện nay, vừa xử lý vi phạm, vừa có tính răn đe và phòng ngừa vi phạm.


“Mức phạt hiện hành đã lạc hậu, dân kêu, người thi hành công vụ cũng kêu, vì phạt thấp nên vi phạm ngày càng nhiều, nghiêm trọng và ngang nhiên ở tất cả các lĩnh vực: giao thông, xây dựng, môi trường…”, ông Hiến nói.


ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) còn muốn nâng mức phạt với các tổ chức vì “các vi phạm này thường do cố tình, gây hậu quả xấu, nghiêm trọng”.


“Thực tế có tình trạng ‘nhờn’ ở các doanh nghiệp vi phạm do tiền phạt thấp hơn mức lợi thu được do vi phạm hoặc thấp hơn chi phí khắc phục”, ông Tấn nói.



Đại biểu QH vẫn băn khoăn về mức xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: Minh Thăng


ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì đề nghị nâng mức phạt đối với các vi phạm liên quan đến an ninh quốc phòng, bảo vệ biên giới…


Ủng hộ phạt nặng tổ chức nhưng nhiều ĐB thấy mức phạt đối với cá nhân là quá cao. ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) thấy phạt cao như vậy không phải biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa vi phạm, dễ dẫn đến tiêu cực. Ông Nam cho rằng mức phạt cần vừa đủ tính răn đe, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân.


ĐB Trần Văn Độ (An Giang) thì phân tích: Nếu vi phạm của cá nhân vượt một mức nghiêm trọng nhất định thì đã xử theo pháp luật hình sự, với những vi phạm hành chính không quá nghiêm trọng, các nước cũng cân nhắc để mức phạt không lớn hơn thu nhập trung bình hàng tháng của người dân.


“Phạt tiền không phải cách duy nhất ngăn chặn vi phạm, mà còn cần tăng cường quản lý, giáo dục ý thức pháp luật và xử lý nghiêm minh hành vi sai trái”, ông Độ, người làm trong ngành tòa án, nói và cảnh báo: “Xử phạt quá khốc liệt còn có thể khiến người vi phạm chai lì, phản ứng tiêu cực”.


Ông Độ đề nghị mức phạt đối với cá nhân chỉ từ 50.000 đến 500 triệu đồng, và không được cao hơn mức xử lý hình sự.


Tương tự, quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cũng nhận được ý kiến khác nhau.


ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) ủng hộ quy định này nhưng thấy cần làm rõ việc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp những tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm, vì điều khoản này dễ bị lợi dụng.


ĐB Trương Văn Vở đề nghị dù bị sử dụng trái phép thì cũng phải tịch thu tang vật, phương tiện, đặc biệt với những vi phạm nghiêm trọng, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. “Dù là tài sản của ai thì một khi đã được dùng để làm trái pháp luật, đều phải bị xử lý như nhau”, ông Vở nói.


Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Độ lại e một biện pháp vốn chỉ mang tính ngăn chặn vi phạm và bảo đảm thi hành việc xử phạt lại được coi là một hình thức xử phạt. “Cách nghĩ như vậy dễ dẫn đến những hệ lụy xã hội không có lợi, gây lãng phí, ảnh hưởng đến quyền của công dân đối với tài sản, dễ bị lạm dụng, áp dụng sai”, ông Độ nói.


Ông Độ “xin” thêm 30 giây để phản ánh ý kiến người dân rằng “tạm giữ phương tiện là đánh vào người nghèo”.


“Đối với nhiều gia đình nghèo, đông người mà chỉ có một cái xe máy, bị tạm giữ là không có cách đi lại, mất phương tiện mưu sinh, ảnh hưởng đến thu nhập…”. Ông Độ kiến nghị luật cần hạn chế đến mức thấp nhất biện pháp giữ phương tiện của dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân nhanh chóng, dễ dàng lấy phương tiện về.


Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được chỉnh sửa hoàn thiện để đưa ra biểu quyết vào ngày 20/6 tới.


Chung Hoàng

No comments:

Post a Comment