Monday, September 24, 2012

Nhung manh khoe lam sup do VMG

Những mánh khóe làm sụp đổ VMG

Hơn hai năm thua lỗ, mất gần 2/3 tổng tài sản, 55% vốn điều lệ, VMG có nguy cơ bị đưa vào diện "lãng quên" vĩnh viễn trên sàn giao dịch chứng khoán, đồng nghĩa với việc Công ty không còn phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo tài chính và minh bạch thông tin theo luật. Nếu điều đó xảy ra, hơn 2.500 cổ đông sẽ bị "tước đoạt" hoàn toàn khả năng kiểm soát doanh nghiệp.

Kế hoạch: "Con cáo gửi chân"

Trước lúc trở thành cổ đông ở VMG, ông Nguyễn Quang Ninh từng có thời là Tổng giám đốc Công ty TNHH An Thuận, một tổng đại lý phân phối gas cho VMG có trụ sở tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Khi ông Ninh chuyển hướng thành "người của VMG", chức Tổng giám đốc Công ty An Thuận được "truyền" lại cho vợ ông là bà Trần Thị Lài tiếp quản.

Ngày 21-5-2010, sau sự kiện Chủ tịch cùng hai thành viên HĐQT, một thành viên Ban Kiểm soát của VMG bất thường từ chức, ông Nguyễn Quang Ninh, một cổ đông tí hon chỉ nắm giữ 0,125% cổ phần lúc bấy giờ đã trở thành tân Chủ tịch HĐQT. Kể từ đó, VMG liên tục thay đổi nhân sự. Chỉ trong tháng 7-2010, đã có thêm một thành viên HĐQT, một Phó tổng giám đốc và một kế toán trưởng bị miễn nhiệm. Ngày 5-11-2010, ông Ninh thâu tóm nốt chức Tổng giám đốc VMG.

Mặc dù có trong tay quyền lực và "ê-kíp người nhà", song ông Nguyễn Quang Ninh không nỗ lực để mang lại sự tăng trưởng cho VMG, trái lại, còn níu kéo Công ty mắc sâu vào chiếc bẫy phá sản.

Tháng 6-2011, lần đầu tiên Đoàn Kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát hiện doanh số giao dịch giữa VMG và Công ty An Thuận có xu hướng tăng không ngừng, đặc biệt trong quãng thời gian 2010-2011. Chỉ tính riêng năm 2010 và quý 1-2011, giá trị giao dịch giữa hai đối tác "vợ-chồng" này đã lên tới hơn 35 tỷ đồng. Đoàn Kiểm tra của UBCKNN cũng nhấn mạnh rằng, tất cả những giao dịch giữa An Thuận và VMG đều trái luật, vì không được sự chấp thuận của HĐQT hoặc Đại hội đồng cổ đông của VMG.

Tuy nhiên, tính nguy hiểm của những giao dịch nói trên không dừng ở đó, mà trong năm 2010, các cổ đông VMG còn sưu tầm được khá nhiều phiếu giao hàng LPG của VMG cho An Thuận có giá thấp hơn 15-20 USD/tấn so với các đối tác khác ở cùng thời điểm. Điều này chỉ ra rằng, ông Ninh đã có dấu hiệu chuyển giá về công ty gia đình, với ý đồ vụ lợi.

Tương tự, trong quãng thời gian từ tháng 3-2011 đến tháng 1-2012, các cổ đông VMG còn sao chụp được hàng loạt phiếu cân xe thể hiện VMG xuất bán gas không có tên, địa chỉ đối tác giao dịch. Hầu hết thông tin về khách hàng in trên phiếu đều giống nhau, với vẻn vẹn dòng chữ: "TRẢ HÀNG TÀU GỬI", còn hàng chở đi đâu, tiêu thụ thế nào tuyệt không ai hay biết. Các cổ đông phát hiện nghịch lý này chỉ có thể khẳng định, tất cả số hàng hóa ghi trên phiếu đều không được hạch toán vào sổ sách, không cộng doanh thu, tính lợi nhuận hay nộp bất cứ khoản thuế nào cho Nhà nước.

Chiến thuật: Tăng tốc... lỗ!

Đối với các cổ đông VMG, bản Báo cáo tài chính năm 2010 là một cú sốc thực sự.

Bản "cáo bạch" này lần đầu tiên đánh dấu khoản lỗ sau thuế khổng lồ, chiếm đến 41,5% tổng vốn điều lệ (96 tỷ đồng) của doanh nghiệp. Đáng ngạc nhiên là tất cả các năm tài chính trước đây, VMG chưa từng biết đến khoản hạch toán lỗ nào, dù là nhỏ nhất. Vậy mà, ngay sau khi ông Nguyễn Quang Ninh nắm quyền tại VMG, báo cáo tài chính đã được điều chỉnh với các khoản lỗ đột ngột tăng phi mã. Năm 2010, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 43,2 tỷ đồng, lỗ trước thuế 39,6 tỷ đồng. Năm 2011, lỗ thuần kinh doanh 16,5 tỷ đồng, lỗ trước thuế 12,3 tỷ đồng. Kết quả mới công bố của quý 1-2012, vẫn tiếp tục điệp khúc lỗ và lỗ...

Nguyên nhân thua lỗ được VMG lý giải là do thị phần bị thu hẹp, lợi nhuận gộp từ bán hàng và kinh doanh dịch vụ đạt thấp, trong khi các chi phí đều tăng... Cách giải thích này không có gì đáng phàn nàn, duy chỉ có mức độ tăng, giảm thì cần phải "đong đếm" cụ thể?

Trên cơ sở các tài liệu do Cục Thuế Bình Dương cung cấp, chúng tôi cũng thử tiến hành phép so sánh về chi phí kinh doanh giữa hai doanh nghiệp cùng ngành hàng là VMG và Công ty TNHH An Thuận. Theo đó, năm 2010, An Thuận có quy mô doanh thu 75 tỷ đồng, tổng chi phí 2,19 tỷ đồng. Cùng năm, VMG đạt doanh thu 288 tỷ đồng, tổng chi phí 62,4 tỷ đồng. Nếu quy đồng doanh thu và chi phí, so với An Thuận, VMG sẽ có mức chi phí trung bình lớn hơn gấp 7 lần, một số loại chi phí như quản lý doanh nghiệp lớn gấp 6 lần, bán hàng lớn gấp 15 lần. Hãy tiếp tục giả thiết rằng, nếu VMG thực hiện lợi nhuận gộp ở mức bình thường, đồng thời tiết giảm chi phí như công ty gia đình của mình là An Thuận, thì thử hỏi doanh nghiệp làm sao có thể kinh doanh thua lỗ được? Vậy bản chất lỗ đích thực của VMG dưới sự lãnh đạo, điều hành của ông Nguyễn Quang Ninh là gì?

Đóng băng VMG?

Có thể thấy, hơn hai năm qua, mỗi quý, tổng tài sản của VMG lại hao hụt hơn 10 tỷ đồng. Một năm rưỡi trở lại đây, vốn điều lệ doanh nghiệp cũng bị bào mòn với tốc độ tương tự. Như vậy, theo đà này, chẳng mấy chốc VMG sẽ bị rút ruột trống rỗng!

Nhưng sẽ là nguy hiểm hơn, nếu lý do thua lỗ trở thành điều kiện để chôn dấu mọi bí mật thông tin của VMG. Đó là khi doanh nghiệp bị mất vốn quá 50% hoặc thua lỗ liên tục trong 3 niên hạn kế toán, đồng nghĩa với việc nó bị cấm giao dịch trên thị trường chứng khoán. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ trở về cơ chế tự quản. Cơ quan chức năng không còn bận tâm đến một công ty chờ phá sản. Các cổ đông cũng dần mất đi các công cụ kiểm soát. Chỉ còn các cán bộ điều hành làm nốt thủ tục xóa đi những dấu vết cuối cùng... Đây có lẽ là một kịch bản hoàn hảo dành cho VMG hiện tại?

Nhưng để thực thi trót lọt kịch bản này, điều quan trọng là trước khi đóng băng doanh nghiệp, nó phải được các cơ quan chức năng ủng hộ. Với VMG, dường như điều đó không quá khó. Bằng chứng là ngay từ khi VMG bộc lộ những dấu hiệu bất thường đã có một vài cơ quan chức năng ra vào, xem xét, nhưng đều không dẫn đến kết luận nào đáng kể. Gần đây nhất, ngày 5-3-2012, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ra Quyết định kiểm tra việc thực hiện chính sách thuế tại VMG. Nhưng đáng tiếc, như lời ông Ngô Phước Thành, Phó cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, quyết định chính thức chưa ráo mực, quyết định gia hạn đã liền kề. Cho nên đến nay, việc kiểm tra vẫn "án binh bất động".

Báo Thời Nay

No comments:

Post a Comment