Thursday, March 8, 2012

“Kỳ án” cố ý làm hư hỏng tài sản


Quyết định giám đốc thẩm

          Thiếu chứng cứ, vi phạm tố tụng


Theo hồ sơ vụ án, năm 2008, vợ chồng ông Mão chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở cho bà Tâm (bà Tâm cho rằng vợ chồng ông Mão đã chiếm đoạt của mình số tiền là 150 triệu đồng. Vì vậy, vào khoảng 8 giờ ngày 15/6/2009, bà Tâm thuê mướn khoảng 7-8 người đi bằng xe mô-tô và xe ô-tô đi thẳng vào nhà ông Mão hô hoán yêu cầu vợ chồng ông Mão trả lại 150 triệu đồng. Do không mua bán chuyển nhượng với những người lạ mặt này nên vợ chồng ông Mão yêu cầu nhóm người trên ra khỏi nhà và bày tỏ muốn được nói chuyện trực tiếp với bà Tâm. Lúc này bà Tâm ngồi trong xe ô-tô đóng chặt cửa không ra nên ông Mão bực tức cầm cuộn tranh vải đập mạnh một cái vào nắp ca-pô xe ô-tô.

Sau khi vụ xô sát giữa hai bên xảy ra, công an phường Phước Trung đã có mặt tại hiện trường và yêu cầu những người liên quan về trụ sở. Tại đây, ông Mão thừa nhận do bức xúc trước việc bị nhóm người lạ mặt xông vào nhà chửi bới, đập phá nên đã cầm cuộn tranh vải đập mạnh một cái vào nắp ca-pô xe ô-tô. Vợ chồng ông Mão chấp nhận bồi thường cho chủ xe ô-tô là ông Nguyễn Cơ Điện 1,5 triệu đồng hoặc ông Điện đem xe đi sửa hết bao nhiêu vợ chồng ông Mão sẽ trả. Trong suốt khoảng thời gian từ lúc 9 giờ đến 14h30 ngày 15/6/2009, cơ quan công an chỉ lấy lời khai của ông Điện, ông Mão mà không tiến hành lập biên bản hiện trường, không chụp ảnh hiện trường.

Đến tận 6 tháng sau, dựa trên lời khai và những hóa đơn chứng từ của ông Nguyễn Cơ Điện cùng biên bản định giá tài sản của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thị xã Bà Rịa (xác định cái đập vào nắp ca-pô của ông Mão vào xe ô-tô của ông Nguyễn Cơ Điện gây thiệt hại 3 triệu đồng), Cơ quan điều tra Công an thị xã Bà Rịa khởi tố ông Mão về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngày 9/12/2010, Viện KSND thị xã Bà Rịa ra lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Mão.

Theo tố cáo của vợ chồng ông Mão, trong thời gian bị tạm giam, điều tra viên là Đại úy Nguyễn Thanh Bình chỉ tập trung xét hỏi ông Mão về số tiền 150 triệu đồng tranh chấp với bà Tâm. Sau đó, ông Bình đã “ép” vợ ông Mão đem nộp 125 triệu đồng thì ông Mão mới được tại ngoại. Quả đúng như vậy! 7 ngày sau khi vợ ông Mão đem nộp 125 triệu đồng cho ông Bình thì ông Mão được tại ngoại. Bằng chứng của việc này là giấy biên nhận số tiền 125 triệu đồng có ký tên đại úy Nguyễn Thanh Bình cũng như đóng dấu của cơ quan công an! Số tiền 125 triệu đồng này đã bị bỏ ngoài kết luận điều tra vụ án. Chỉ đến khi vợ chồng ông Mão tố cáo và Cơ quan điều tra công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vào cuộc thì Công an thị xã Bà Rịa mới mời vợ chồng ông Mão lên nhận lại.

Sau đó, Viện KSND thị xã Bà Rịa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Mão về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Tại bản án hình sự sơ thẩm, TAND thị xã Bà Rịa tuyên bị cáo Mão phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, xử phạt 10 tháng cải tạo không giam giữ.

Do thiếu hiểu biết pháp luật, ông Mão không mời luật sư cũng như không kháng án. Sau khi chấp hành xong hình phạt, ông Nguyễn Hoàng Mão đã làm đơn khiếu nại toàn bộ bản án, đề nghị xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 23/12/2012 TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 54/2010/QĐ-UBTP. Quyết định này chỉ rõ: “Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2010/HSST ngày 6/4/2010 của TAND thị xã Bà Rịa xét xử Nguyễn Hoàng Mão về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và đơn khiếu nại của Nguyễn Hoàng Mão thì thấy: sau khi sự việc xảy ra, người bị hại là ông Nguyễn Cơ Điện có đến Công an phường Phước Trung trình báo và cung cấp lời khai ban đầu, cơ quan công an có ghi lời khai của ông Điện nhưng không tiến hành khám nghiệm hiện trường nhằm xác định hiện trường vụ án và tài sản bị thiệt hại có đúng như lời khai của bị hại hay không là thiếu sót”.

Theo Luật sư Lê Đức Thắng, Văn phòng Luật sư Lê và đồng sự (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội), cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xác định hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác chính là việc đối chứng tại hiện trường, phải có biên bản khám nghiệm hiện trường, phải tiến hành thu thập, miêu tả các chứng cứ, dấu vết để lại một cách rất cụ thể, chi tiết thì mới có thể “định lượng” được mức độ thiệt hại. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan điều tra phải tiến hành thực nghiệm, phục dựng lại hiện trường. Ở đây, ngay từ đầu, cơ quan công an đã bỏ qua công việc (mang tính quyết định đến vụ án) là khám nghiệm, lập biên bản hiện trường, chụp ảnh lại hiện trường nên theo quy định của tố tụng không có cơ sở để xác định tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Việc chỉ dựa trên lời khai và hóa đơn sửa chữa xe ô-tô do ông Nguyễn Cơ Điện cung cấp để kết tội ông Mão là không đúng pháp luật, vi phạm quy định về thu thập chứng cứ. Điều này đã được thể hiện rõ trong Quyết định giám đốc thẩm số 54/2010/QĐ-UBTP ngày 23/12/2012 của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng ở thị xã Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều sai sót trong quá trình truy tố, xét xử dẫn đến oan sai, không đúng pháp luật. Một vụ việc quá đơn giản nhưng đã bị “hình sự hóa” khiến dư luận không khỏi bức xúc. Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Mão cho thấy có nhiều điểm “bất bình thường”. Về bản chất khi xác định tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản” phải xét đến động cơ gây án (do thù ghét, âm mưu báo thù, mong muốn người khác bị thiệt hại…) nhưng trong vụ án này không cho thấy điều đó.

Lấy cơ sở gì để xét xử?

Sau khi TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên hủy bản án và yêu cầu TAND thị xã Bà Rịa xét xử lại, tháng 11/2011, Cơ quan điều tra Công an thị xã Bà Rịa, Viện KSND thị xã Bà Rịa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và cáo trạng đối với ông Nguyễn Hoàng Mão. Theo đó, ông Mão vẫn bị truy tố về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là cả kết luận điều tra bổ sung lẫn cáo trạng đều không có gì mới, không khắc phục, bổ sung được những sai sót cơ bản trong thu thập chứng cứ mà TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ ra. Thậm chí, các văn bản này còn thể hiện sự mâu thuẫn, thiếu thuyết phục, không đảm bảo khách quan do không làm rõ được những mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng cũng như đối tượng liên quan.

Cụ thể, cơ quan điều tra vẫn rơi vào “vết xe đổ” lần trước khi không có biên bản hiện trường, không có ảnh chụp hiện trường, không có miêu tả chi tiết nắp ca-pô bị hư hại, vật tư sửa xe loại gì, giá cả cụ thể… nên vẫn chỉ kết luận mức độ thiệt hại của xe ô-tô dựa vào lời khai của ông Điện, các hóa đơn chứng từ cho ông Điện cung cấp và định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự thị xã Bà Rịa. Mức thiệt hại lần này bớt đi 100 nghìn đồng, giảm xuống còn 2,9 triệu đồng nhưng vẫn đủ để truy tố ông Mão về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Trong khi đó, vật chứng duy nhất của vụ án là bức tranh vải đã bị tiêu hủy.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, chủ gara ô-tô Bình Nghĩa (nơi ông Điện mang xe ô-tô đến sửa) đã có đơn trình báo cũng như nhiều lần khai nhận tại cơ quan điều tra chỉ sửa cản trước xe ô-tô và thu của ông Điện 500.000 đồng, không sửa chữa nắp ca-pô như lời khai của ông Điện. Việc ông Nghĩa xuất hóa đơn 3 triệu đồng là do ông Điện nhờ, không nói cho ông Nghĩa biết lấy hóa đơn để nộp cho cơ quan điều tra. Cho đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa thể làm rõ những mâu thuẫn quanh lời khai của ông Điện và ông Nghĩa.

Vậy mà, ngày 16/3/2012, TAND thị xã Bà Rịa vẫn tiến hành xét xử lại vụ án này. Không biết, tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào cơ sở nào? Theo nhiều chuyên gia pháp luật, để đảm bảo khách quan, đúng pháp luật, TAND thị xã Bà Rịa cần trả lại hồ sơ để điều tra làm rõ những tình tiết còn rất mâu thuẫn, và nếu không đủ chứng cứ thì dứt khoát phải đình chỉ điều tra vụ án.

Vĩnh Hoàng

No comments:

Post a Comment