Sunday, March 4, 2012

Giải quyết những vướng mắc trong triển khai bảo hiểm thất nghiệp

"Ðổ xô" đi đăng ký thất nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội), từ đầu năm đến nay, số người đến trung tâm đăng ký có dấu hiệu tăng mạnh. Ðến thời điểm này đã có hơn 3.000 người đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Riêng trong tháng 2, số người đăng ký thất nghiệp là 1.055 người, số nộp hồ sơ hưởng BHTN là 726. Trong số hồ sơ đăng ký BHTN thì lao động làm việc ở các công ty TNHH chiếm tỷ lệ đăng ký cao nhất với gần 60%, tiếp đến là công ty cổ phần chiếm hơn 20%... Còn tại TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, mỗi tháng có tới cả chục nghìn người đăng ký hưởng BHTN, tại các điểm đăng ký BHTN trên địa bàn thành phố (trực thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh) luôn đông người đến tìm hiểu thủ tục và đăng ký BHTN. Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh Nguyễn Cao Thắng cho biết: Năm 2011, số lượng người lao động (NLÐ) đến làm thủ tục đăng ký hưởng BHTN lên tới 105.737 người, tăng gần gấp hai lần so năm 2010. Chỉ trong tháng 1-2012, số người đăng ký BHTN là 8.996 người, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước và tăng đến 194% so tháng 12-2011. Bình quân mỗi tháng, cơ quan chức năng đã chi trả BHTN gần 40 tỷ đồng. Tại Bình Dương, so với thời điểm này của năm trước số người đăng ký BHTN có giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao. Trong tháng 1-2012, đã có 5.621 người đến đăng ký BHTN, nhưng chỉ có hơn một nửa số người (2.761) đến nộp hồ sơ hưởng BHTN.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, lao động phổ thông vẫn là số đối tượng đăng ký thất nghiệp lớn nhất. Tại nhiều địa phương, đối tượng này chiếm tới hơn 70%. Ðáng chú ý, số lao động có trình độ cao, thu nhập lớn cũng vẫn đến đăng ký thất nghiệp và hưởng BHTN. Chỉ tính riêng trong tháng 2, tại Hà Nội có gần 100 người trình độ đại học, cao đẳng, có thu nhập cao (từ năm triệu đồng trở lên, trong đó có cả những người thu nhập đến 20-30 triệu đồng/tháng) được hưởng BHTN, chiếm hơn 12% so với tổng số người có quyết định hưởng trong tháng. Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 90% số lao động đăng ký thất nghiệp là người có thu nhập thấp. Số lao động có trình độ cao chiếm khoảng 7% tổng số người đăng ký thất nghiệp trong năm.

Số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng, nhưng tại các địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động vào mỗi dịp đầu năm của các doanh nghiệp là khá cao. Ðánh giá về thực trạng này, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam) Ðiều Bá Ðược cho rằng, hiện tượng này không quá bất bình thường. Bởi vào dịp cuối năm, nhiều lao động thường tính toán nghỉ việc ở các doanh nghiệp có mức lương, chế độ đãi ngộ thấp để đi tìm chỗ làm khác. Trong khi tìm việc, họ đăng ký để hưởng trợ cấp. Nhiều lao động tại các khu công nghiệp, các khu chế xuất các tỉnh phía nam, sau khi đóng BHTN đủ thời gian, họ muốn nhận trợ cấp để chuyển về quê làm việc. Và trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải tái cơ cấu, tổ chức lại việc sản xuất, kinh doanh, tinh giảm lao động cũng dẫn tới tình trạng NLÐ bị mất việc tăng... Như tại Hà Nội, một số doanh nghiệp đóng trong nội thành phải di dời ra khu vực khác, đây là lý do khiến nhiều NLÐ phải thôi việc vì không có điều kiện theo doanh nghiệp đến địa điểm mới. Như, Công ty Dệt 8-3, Công ty Dệt - May Hà Nội (Hanosimex); Công ty Cơ khí Hà Nội, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thủy Lộc (nhà phân phối độc quyền mỹ phẩm Shiseido của Nhật Bản)... có hàng trăm NLÐ đến đăng ký thất nghiệp. Theo dự báo của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, số lao động thất nghiệp có thể sẽ tăng trong thời gian tới khi những khó khăn về kinh tế tiếp tục tác động mạnh và trực tiếp lên các doanh nghiệp.

Siết chặt quy định

Có thể nói, chính sách BHTN đang và sẽ là chỗ dựa cho khá nhiều người lao động khi lâm vào tình trạng mất việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Có không ít lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách đăng ký trợ cấp thất nghiệp để trục lợi. Vẫn còn tình trạng lao động chủ động xin nghỉ việc để đăng ký hưởng BHTN, hay hiện tượng NLÐ di chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, thậm chí sau một thời gian NLÐ quay lại đúng với doanh nghiệp cũ, hay tìm được việc ngay sau đó nhưng họ vẫn không khai báo để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, các quy định hiện hành vẫn chưa có chế tài xử phạt nào để ngăn chặn các hành vi gian lận này. Ngược lại, có những người thất nghiệp thật sự do các doanh nghiệp phá sản lại thường gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình giải quyết trợ cấp thất nghiệp (NLÐ bị kéo dài thời gian chốt sổ BHXH hoặc không chốt được sổ BHXH) do các doanh nghiệp này thường trốn đóng hoặc nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, BHTN.

Bên cạnh đó, theo quy định về đối tượng tham gia BHTN hiện nay, NLÐ chỉ được hưởng chính sách BHTN nếu làm việc tại các doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên và có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn từ đủ 12-36 tháng; hợp đồng không xác định thời hạn. Với quy định này thì những doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, NLÐ giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời hạn dưới 12 tháng sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Trong khi, trên thực tế, lao động làm việc tại những doanh nghiệp này lại là những đối tượng có khả năng mất việc cao, cần được hỗ trợ khi mất việc thì lại không được tham gia BHTN. Ðiều này, dễ tạo tình trạng thiếu bình đẳng trong việc tham gia BHTN...

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập hợp những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện chính sách BHTN để trình Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng tham gia BHTN, về việc giải quyết hưởng BHTN thất nghiệp cũng như mức hỗ trợ học nghề cho NLÐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp... Riêng điều kiện hưởng, cơ quan BHXH Việt Nam cũng đang đề xuất nên theo nguyên tắc cân đối giữa mức đóng, mức hưởng vừa để bảo vệ quyền lợi cho NLÐ cũng như bảo đảm tính ổn định của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sau này. Theo đó, các quy định về điều kiện hưởng sẽ chặt chẽ hơn. Cụ thể, sẽ nghiên cứu để sửa đổi Ðiều 82 Luật Bảo hiểm xã hội, NLÐ có thời gian đóng BHTN từ 12 tháng đến dưới 36 tháng sẽ được hưởng ba tháng trợ cấp thất nghiệp, hoặc đóng đủ 36 tháng sẽ nhận được sáu tháng trợ cấp thất nghiệp... Quy định này chưa phù hợp, dễ bị lợi dụng. Ðồng thời, cần nghiên cứu để sửa quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp một lần đối với NLÐ có việc làm hoặc đối tượng đi nghĩa vụ quân sự, v.v.

No comments:

Post a Comment