Thursday, May 23, 2013

Danh thuc tiem nang du lich sinh thai

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái

VTCN 19.zip Du khách nước ngoài tìm hiểu quy trình nấu rượu Hòa Long.

TỪ LỢI THẾ TỰ NHIÊN

Một trong những địa danh nổi tiếng ở Bà Rịa - Vũng Tàu được nhiều người biết đến là Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). Với diện tích gần 12.000ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu có 661 loài thực vật và 178 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm đã được liệt kê vào sách đỏ thế giới và Việt Nam. Mặt khác, trong khu vực còn có gần 70 điểm phun nước nóng lộ thiên đã đưa nơi đây đã trở thành điểm tham quan nghỉ dưỡng và nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường của hàng triệu lượt học sinh, sinh viên, nhà khoa học, du khách trong và ngoài nước.

Cạnh bên, hai huyện Đất Đỏ và Long Điền cũng có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đa dạng và phong phú không kém. Ngoài cảnh quan rừng biển, hai địa phương này còn bảo tồn được những nghề thủ công truyền thống, lễ hội văn hoá và di tích lịch sử cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như: bến tàu không số Lộc An, di tích lịch sử núi Minh Đạm, lễ hội Dinh Cô… Ngược lên hướng quốc lộ 51, khu vực xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu) bạt ngàn những cánh rừng ngập mặn, khu nuôi trồng thủy hải sản và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ của khu vực núi Dinh, núi Thị Vải (huyện Tân Thành)… Hay xa hơn nữa là Vườn quốc gia Côn Đảo có tổng diện tích 20.000ha, trong đó, 14.000ha mặt biển và 6.000ha rừng được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên từ năm 1984 với hàng chục loại sinh vật biển, hàng ngàn loài thực vật quý hiếm.

Nắm bắt được các lợi thế này, từ năm 2001, UBND tỉnh đã có chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Sau hơn 10 năm kêu gọi đầu tư, dòng đầu tư vào loại hình du lịch sinh thái cũng bắt đầu có kết quả, nhưng tiến độ khá chậm. Số dự án du lịch đi vào hoạt động chưa nhiều, hoặc có cũng chỉ dừng lại ở việc khai thác lợi thế tự nhiên mà chưa có thêm các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, mới lạ, dẫn đến chỉ thu hút khách địa phương là đối tượng học sinh. 

VTCN 19.zip Một du khách nước ngoài làm thử bánh tráng Long Điền.

CẦN SỰ ĐỘT PHÁ

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự cộng hưởng của cộng đồng dân cư nhằm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không phá vỡ hệ thống cảnh quan tự nhiên. Theo định nghĩa trên thì trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ có khu du lịch Sài Gòn - Bình Châu và khu nghỉ dưỡng Hồ Cóc (thuộc Công ty CP Sài Gòn - Bình Châu) tận dụng điều kiện tự nhiên để tạo thêm các dịch vụ bổ trợ như tắm biển, nghỉ dưỡng, tắm bùn, ngâm chân, massage vật lý trị liệu, câu cá sấu, cưỡi ngựa trong rừng… Còn các khu du lịch khác dù mang tên du lịch sinh thái như: Suối Đá, Suối Tiên (Tân Thành); Ngọc Xương (Long Điền); Du Sơn (Long Sơn)… nhưng hoạt động kinh doanh vẫn còn mang tính thụ động. "Nếu chỉ cắm trại, tắm sông, leo núi, câu cá, ăn uống, nghỉ ngơi… thì khách thường lựa chọn đến Đồng Nai chứ không đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Nếu biết tận dụng lợi thế biển để đầu tư đa dạng thêm sản phẩm gắn liền với sinh hoạt miền biển thì du lịch sinh thái của Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hấp dẫn hơn" - đại diện một doanh nghiệp du lịch tại TP.Hồ Chí Minh cho biết.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Du ngoạn Việt (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, chính bản thân ngành du lịch và các địa phương chưa năng động trong việc khai thác các yếu tố đặc thù, độc đáo của địa phương để phát triển du lịch sinh thái đã khiến du lịch sinh thái Bà Rịa-Vũng Tàu dậm chân tại chỗ. Theo ông Phan Xuân Anh, nhiều năm liền đón khách quốc tế đến các vùng biển của Việt Nam, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu, ông nhận thấy một điểm chung là khách quốc tế rất thích về vùng quê, tham quan thắng cảnh, khám phá sinh hoạt, văn hóa và mua sắm sản phẩm do cư dân bản địa làm ra. "Để tăng sức sống cho loại hình du lịch sinh thái, Bà Rịa - Vũng Tàu cần có chủ trương quy hoạch một số làng nghề truyền thống kết hợp du lịch thăm vườn cây ăn trái, biểu diễn văn hóa, sản xuất quà lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Mặt khác, việc kết nối với các đơn vị lữ hành đưa du khách đến tham quan làng dân tộc, hòa mình cùng các lễ hội vừa tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch và tạo ấn tượng cho du khách. Và để ý tưởng trở thành hiện thực đòi hỏi sự quyết tâm, đột phá trong cách nghĩ và cách làm của doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương" - ông Phan Xuân Anh nói.

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU

No comments:

Post a Comment