Saturday, February 2, 2013

“Muon” benh vien de hop thuc ho so?

"Mượn" bệnh viện để hợp thức hồ sơ?

Theo quy định, học viên mắc bệnh hiểm nghèo hay bệnh nặng phải có xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên mới được đề xuất hoãn, miễn cai nghiện. Vì quy định này mà tại khoa Nhiễm, BV Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) thành điểm "dừng chân tạm" vài ngày của nhiều học viên Trung tâm Giáo dục - Lao động và Dạy nghề (Trung tâm) trước khi về nhà.

Vừa nhập viện đã về

Tại khoa Nhiễm của BV Bà Rịa có một khu vực dành riêng cho các học viên của Trung tâm hoặc trại giam. Khu vực này lúc nào cũng có người giám sát và nơi này thành nơi tạm dừng của các học viên được về nhà trước hạn.

Đầu tháng 12-2012, chúng tôi gặp gia đình học viên PMĐ (ở phường 10, TP Vũng Tàu), người được về trước hạn để "học hỏi" cách lo cho "thằng em" về sớm. Trước đó, Đ. bị đưa vào Trung tâm và được về nhà vào đầu tháng 12-2012 (trước hạn sáu tháng) dù trong thời gian cai nghiện, Đ. bị Trung tâm kỷ luật vì hít heroin trong nhà vệ sinh.

Về chuyện của Đ., theo hồ sơ, tháng 11- 2012, gia đình viết đơn xin Trung tâm cho bảo lãnh về nhà chữa bệnh. Một tháng sau, phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe của Trung tâm hội chẩn và kết luận: "Theo dõi lao phổi, xét nghiệm HIV dương tính, tiên lượng bệnh nặng". Ngày 3-12-2012, Đ. được chuyển lên khoa Nhiễm, BV Bà Rịa để điều trị. Chiều hôm trước Đ. nhập viện thì sáng hôm sau Đ. và gia đình đã làm đủ thủ tục xin bệnh viện cho Đ. ra viện. Cùng với giấy tờ mà Trung tâm cung cấp, bệnh viện cho Đ. về dù chưa kịp tiến hành hết các xét nghiệm cần thiết để kết luận chính thức bệnh của Đ.!

Gia đình vào thăm nuôi một học viên tại khu cách ly, khoa Nhiễm, BV Bà Rịa. Học viên này được về nhà ngày 20-1. Ảnh: HP

Nghe chúng tôi hỏi thăm, bố của Đ. cho hay là ông đã tốn mấy chục triệu đồng để lo cho Đ. về sớm. Ông chia sẻ: "Tôi khuyên cô không nên "chạy", uổng tiền lắm".

Tương tự, đầu tháng 1-2013, học viên LVT (ngụ ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cũng được đưa đến BV Bà Rịa với chẩn đoán ban đầu của Trung tâm là lao phổi bội nhiễm, nghi nhiễm HIV. T. nhập viện hôm trước thì hôm sau ra viện. Một tuần sau khi T. về nhà, chúng tôi trở lại bệnh viện, một cán bộ y tế của Trung tâm đang canh giữ một học viên khác nói: "Thằng đó có bệnh gì đâu, bệnh giả, đã về rồi. Muốn "chạy", tôi sẽ chỉ cách cho…". Còn học viên mà vị cán bộ này canh giữ nhập viện hôm thứ Bảy thì Chủ nhật đã được về…

Về trước, xin quyết định sau

Theo quy định, học viên muốn được miễn, hoãn cai nghiện phải có quyết định của UBND cấp huyện nơi đưa học viên vào Trung tâm. Tuy nhiên, trong các trường hợp trên, Trung tâm cho học viên về trước rồi mới gửi văn bản cho UBND huyện ra quyết định sau.

Quy trình cho học viên về nhà chữa bệnh đã bất thường còn căn cứ "bệnh nặng" của học viên cũng bất thường không kém. Theo quy định, học viên bệnh nặng phải có xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên nhưng trong các trường hợp trên, Trung tâm đã lập lờ việc xác nhận bệnh với xác nhận bệnh nhân đang điều trị để làm căn cứ cho học viên về nhà chữa bệnh.

Xác nhận bệnh của BV Bà Rịa và bút phê cho học viên về nhà của giám đốc Trung tâm.

Theo hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, các trường hợp trên, bác sĩ của BV Bà Rịa có xác nhận nhưng là xác nhận ngày giờ bệnh nhân nhập viện, đang điều trị tại bệnh viện với chẩn đoán ban đầu là theo dõi lao, nhiễm HIV (như hồ sơ của Trung tâm đưa lên - PV) chứ không phải là kết luận bệnh. Thực tế, các học viên này mới chỉ nhập viện một ngày đã ra về và BV Bà Rịa không kịp làm các xét nghiệm cần thiết để kết luận tình trạng bệnh của học viên nặng hay nhẹ.

Có xác nhận lập lờ trên của BV Bà Rịa, Trung tâm coi đó như kết luận bệnh cuối cùng của bác sĩ và bàn giao học viên cho người nhà ngay. Cũng căn cứ vào giấy xác nhận lập lờ trên, sau đó Trung tâm gửi đề xuất về cho các địa phương xem xét ra quyết định tạm đình chỉ cai nghiện và UBND cấp huyện nơi các học viên cư trú đã ra quyết định tạm đình chỉ, cho về nhà chữa bệnh như đề xuất của Trung tâm.

Được biết sau khi rời bệnh viện, các học viên không trở lại Trung tâm nộp hồ sơ điều trị bệnh, cũng không quay lại BV Bà Rịa lần nào nữa.

Riêng với trường hợp của T., một điều bất thường nữa là BV Bà Rịa xác nhận T. nhập viện lúc 8 giờ 30 ngày 10-1-2013 nhưng trong biên bản hội chẩn, thể hiện là ngày này các bác sĩ của Trung tâm mới đang tổ chức họp hội chẩn đoán bệnh cho T. (?!)

Trung tâm giám định cũng là điểm đến

Việc "ở tạm" không chỉ ở BV Bà Rịa mà Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là nơi mà Trung tâm cho học viên "ở tạm" trước khi về.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2012 Trung tâm Giám định pháp y cũng tiếp nhận ba học viên từ Trung tâm. Các trường hợp này đều có kết luận là rối loạn tâm thần và hành vi do chất gây nghiện gây ảo giác. Các bác sĩ đề nghị phải đưa học viên vào điều trị bệnh tại bệnh viện tâm thần ít nhất ba tháng. Tuy nhiên, sau khi có kết quả, học viên được giao lại cho Trung tâm. Thay vì học viên phải tới theo dõi, điều trị tại bệnh viện tâm thần thì họ lại được Trung tâm cho về nhà tự điều trị.

Trong số ba trường hợp trên, chúng tôi tìm tới nhà học viên PMQ (18 tuổi, ngụ xã Phước Hưng, huyện Long Điền). Q. hút bồ đà, bị đưa đi cai nghiện tại Trung tâm và bị ảo giác, loạn thần do chất gây nghiện.

Căn cứ vào kết luận của Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, Trung tâm lại đề xuất UBND huyện Long Điền ra quyết định cho Q. về nhà chữa bệnh trong vòng nửa năm, phải quay về Trung tâm chấp hành tiếp. Tuy nhiên, khi chúng tôi tới gặp người nhà của Q. mới hay Q. đã đi Đồng Nai làm việc. Hỏi về việc Q. còn phải chấp hành tiếp việc cai nghiện, bà ngoại Q. cho hay: "Về là về luôn chứ không quay lại đó nữa. Ngày ấy cũng phải nhờ qua người quen biết lo cho nó về".

Với các trường hợp trên, BS Ngô Thành Phong, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: "Với những học viên đến Trung tâm chúng tôi giám định, tôi đề nghị là cho họ điều trị ngay tại Trung tâm của tôi ít nhất ba tháng. Nhưng ngay sau khi có kết quả, phía Trung tâm lại cho học viên về nhà luôn nên bệnh tình của các học viên ra sao, chữa trị thế nào, có uống thuốc đúng không và kết quả thế nào thực tình chúng tôi không thể nắm".

BS PHẠM TRUNG THẢO, Trưởng khoa Nhiễm, BV Bà Rịa:

Tôi chưa kịp biết học viên bệnh nặng hay nhẹ

Về nguyên tắc, khi tiếp nhận học viên từ Trung tâm đưa lên, bệnh viện đều phải tiến hành xét nghiệm lại. Từ đó mới hội chẩn, kết luận chính thức về tình trạng bệnh, hướng điều trị cho học viên. Tuy nhiên, hầu hết học viên chỉ ở bệnh viện một, hai ngày là xin về. Với học viên LVT (ngụ huyện Xuyên Mộc), tôi trực tiếp khám. T. nhập viện chiều hôm trước, hôm sau T. đã xin về và tôi đã tư vấn cho gia đình để T. điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, cũng như nhiều lần khác, Trung tâm đưa giấy xác nhận bệnh và tôi chỉ xác nhận cho Trung tâm là T. có nhập viện để theo dõi, điều trị với chẩn đoán bệnh ban đầu như vậy. Do thời gian quá ngắn, T. chưa làm hết các xét nghiệm nên tôi không thể kết luận T. có bệnh nặng hay không. Không chỉ với hồ sơ của T. mà nhiều hồ sơ khác tôi cũng chỉ xác nhận tương tự.

Chúng tôi không có lý do để giữ bệnh nhân vì Trung tâm đã có giấy bàn giao bệnh nhân cho người nhà rồi!

Sáng 1-2, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ra công văn yêu cầu Sở LĐ-TBXH xác minh làm rõ những vấn đề mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Trước nay, Trung tâm thường báo cáo hoạt động rất tốt nhưng lãnh đạo tỉnh sẽ cho kiểm tra lại. Lãnh đạo tỉnh cảm ơn báo đã phản ánh kịp thời những dấu hiệu sai phạm để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh.

Ông VÕ THÀNH KỲ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu

HUY PHONG

No comments:

Post a Comment