Tuesday, February 5, 2013

Cuoc hoi ngo cua nhung "ong do" thoi hien dai

Cuộc hội ngộ của những "ông đồ" thời hiện đại

"Bà đồ ngoại" Yoshino Eri đến từ Nhật Bản đang viết thư pháp song ngữ Việt - Nhật tặng du khách. Lưu để đọc sau Email bài này In trang này In bài này Ý kiến của bạn Liên hệ đăng lại bài 10 bài được đọc nhiều nhất

"Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua"... Hình ảnh ông đồ trong tâm thức của nhiều người là cụ già, mang khăn đóng, áo dài, ngày xuân đến cho chữ như bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên đã khắc họa. Nhưng ông đồ thời nay đã khác nhiều... Đó không là "ông đồ già" nữa mà là những "anh đồ", "cô đồ", thậm chí có cả "ông đồ ngoại"...

Ngày 12/1/2013 vừa qua, tại Hội chợ Du lịch Tp Vũng Tàu, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, UBND Tp Vũng Tàu, Công ty Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) đã phối hợp tổ chức "Hội ngộ ông đồ" lần thứ hai. Tham gia hội ngộ có 100 ông đồ đủ mọi lứa tuổi đến từ 12 câu lạc bộ thư pháp trên toàn quốc. Mục đích của ngày hội nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa Việt thông qua nghệ thuật thư pháp Việt, quảng bá và giúp thư pháp Việt trở nên gần gũi hơn trong đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp người dân cũng như du khách trong và ngoài nước có dịp tìm hiểu về sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt và thêm yêu ngôn ngữ nước nhà.

Thư pháp đã trở thành một nét đẹp văn hóa của các nước Á Đông như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Ở Việt Nam, thư pháp Hán - Nôm đã có từ lâu đời nhưng thư pháp tiếng Việt chỉ mới có hơn 30 năm lịch sử. Tuy mới ra đời nhưng thư pháp tiếng Việt đã cuốn hút mọi người bởi nét chữ dễ bay bổng, dễ thể hiện tình cảm của người viết và đa dạng, phong phú. Vì vậy, những cuộc Hội ngộ ông đồ Việt Nam cuốn hút mọi người.

"Hội ngộ ông đồ" lần thứ nhất diễn ra từ ngày 21 đến ngày 22/4/2010 tại Khu Du lịch sinh thái Tràng An - Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình). Tại cuộc hội ngộ lần thứ nhất, ban tổ chức đã triển lãm gần 500 bức tranh thư pháp đặc sắc và xác lập 6 kỷ lục về thư pháp: Cặp câu đối dài nhất; Bản đồ Việt Nam được tạo bằng nhiều ấn chương nhất (100 ấn chương của 100 nhà thư pháp); Bộ tranh thư pháp mẫu tự ABC có nhiều nhà thư pháp viết nhất; Người khắc chữ thư pháp kinh Phật trên đá cuội nhiều nhất; Chiếu dời đô bằng thư pháp do nhiều người thực hiện nhất; Người viết quyển "Kinh Pháp Cú" theo lối thư pháp có kích thước lớn nhất.

Tại cuộc hội ngộ lần hai ở Vũng Tàu, 100 ông đồ đã thực hiện 8 kỷ lục Việt Nam về thư pháp cho du khách chiêm ngưỡng, thưởng thức như: Bức thư pháp viết bài "Hịch tướng sĩ" của nhà thư pháp Dương Minh Hoàng 28 tuổi đến từ TP Hồ Chí Minh (bức thư pháp này dài gần 40 mét, rộng gần 1,5 mét); thư pháp trên nón vẽ danh thắng ba miền đất nước, trong đó có cả quần đảo Trường Sa; ông đồ - tu sĩ nhỏ nhất Thích Nhuận Pháp…vv và vv…

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Busadco cho biết, lễ hội đã thu hút rất đông người dân Vũng Tàu và du khách đến thăm quan, xin chữ. Điều này chứng tỏ, thư pháp tiếng Việt rất gần gũi với đời sống người dân. Và trong đời sống tinh thần ngày nay, có nhiều gia đình treo chữ thư pháp tiếng Việt trong nhà như tranh quý. Anh Lê Văn Hoàn - một người dân Vũng Tàu vui vẻ cho hay, anh rất tự hào về thư pháp tiếng Việt và trong nhà anh treo nhiều chữ thư pháp như: Phúc, Nhẫn, Mẹ.. vv… Ngoài việc trang trí nhà đẹp, nhìn chữ mà sống, anh Hoàn cho biết là còn để con cái mình yêu tiếng mẹ đẻ, tự hào về thư pháp Việt.

Tại lễ hội, ngoài những ông đồ đã thành danh, có tiếng trong làng thư pháp Việt, chúng tôi đã gặp nhiều "anh đồ" tuổi đời chỉ mới trên dưới 30 nhưng tác phẩm thư pháp của họ đã gây sự chú ý cho mọi người. "Ông đồ" trẻ Hoàng Khôi (26 tuổi, trú tại đường Vườn Lài, Quận 12, Tp HCM) đem đến lễ hội nhiều tác phẩm thư pháp theo dòng "đại tự" cho biết, anh sinh ra trong gia đình có ông ngoại là thầy đồ nho nên từ nhỏ đã được tiếp xúc với thư pháp và được ông ngoại rèn chữ đẹp. "Hồi nhỏ, nếu em viết chữ xấu, ông ngoại sẽ đánh và bắt viết lại" - Khôi kể. Ban đầu, Khôi theo dòng chữ "Calligraphy" - kiểu viết chữ đẹp của phương Tây, viết bằng lông ngỗng nhưng sau này thư pháp Việt đã mê hoặc Khôi. Khôi học hỏi, luyện chữ và dần dần đã khẳng định được mình bằng phong cách "đại tự" và "tranh chữ". Hôm khai mạc Lễ hội Ông đồ, bức đại tự viết chữ "Mộng" của anh được một lãnh đạo HĐND TP Vũng Tàu ngỏ ý muốn mua nhưng Khôi đã tặng luôn bức đại tự này cho vị lãnh đạo.

Ông đồ trẻ Dương Minh Hoàng (28 tuổi, Tp HCM) đã đưa đến cuộc hội ngộ Ông đồ lần hai bức thư pháp dài gần 40 mét, rộng gần 1,5 mét viết bài "Hịch tướng sĩ" cho biết, anh phải mất cả tháng trời để ngồi viết và anh dự định sẽ đem bức thư pháp này đi triển lãm, trưng bày ở đền Hùng, đền Trần vào các ngày lễ lớn. 

Nói về hiện tượng có nhiều ông đồ trẻ, ông Hoàng Đức Thảo khẳng định: "Điều này chứng tỏ lớp trẻ ngày nay càng hướng về cội nguồn dân tộc".

Ngày hội Ông đồ tại Vũng Tàu cũng là dịp để các ông đồ trẻ gặp gỡ, giao lưu và học hỏi cách viết, cách thể hiện của những ông đồ già. Chúng tôi bắt gặp ông đồ Trịnh Thanh Liêm (68 tuổi, Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt - Cung Văn hóa Lao động Tp HCM) đang trao đổi và dạy cách viết thư pháp cho "bà đồ" Hồ Thị Hiệp (bút danh "Vĩnh Tâm", Câu lạc bộ Nhà văn hóa Thanh niên Tp HCM). "Bà đồ" Hiệp đã thể hiện cho ông đồ Liêm một chữ viết thể hiện: "Bút đoạn nhưng ý bất đoạn". Còn ông đồ Liêm chỉ dạy cho "bà đồ" Hiệp cách viết những nét "phi bạch". Đó là những nét dành cho những chữ như chữ "Mẹ", bởi nét "phi bạch" là sự thể hiện cảm xúc, sự yển điệu, nhẹ nhàng.

Đáng chú ý, trong ngày hội Ông đồ tại Vũng Tàu có một "ông đồ" đến từ Nhật Bản, đó là cô Yoshino Eri, 21 tuổi. Cô cho biết, cô đã học tiếng Việt được hai năm nay nhưng mới học thư pháp Việt được sáu tháng nay. Tại lễ hội, Yoshino Eri rất vui vẻ viết chữ cho mọi người. Có người còn nhờ Eri viết thư pháp song ngữ bằng tiếng Việt - Nhật. "Thư pháp tiếng Việt là môn nghệ thuật đã cuốn hút tôi vì tiếng Việt viết bay bổng được, cách viết dễ, khác với thư pháp chữ Hán" - Eri giải thích. Eri rất thích thú và hạnh phúc khi được tiếp xúc với nhiều nghệ nhân viết thư pháp của Việt Nam để học hỏi. Cô cũng khẳng định, khi về Nhật, cô sẽ giới thiệu cho những người thân quen của mình về thư pháp Việt Nam cũng như giới thiệu về con người, đất nước Việt Nam.

Lễ hội Ông đồ lần hai đã đưa đến cho người dân Vũng Tàu và du khách một "bữa tiệc" tinh thần mới lạ, hấp dẫn. Hy vọng, với những nét đẹp của thư pháp Việt, sự trong sáng của tiếng Việt, người dân sẽ ngày càng thêm yêu tiếng mẹ đẻ. Những lễ hội như cuộc hội ngộ Ông đồ cần được nhân rộng và quảng bá nhiều hơn nữa.


No comments:

Post a Comment