Wednesday, February 27, 2013

Vung Tau, “diem den” cua du lich “chat chem”

Vũng Tàu, "điểm đen" của du lịch "chặt chém"

Nạn "chặt chém" ở Vũng Tàu thời gian qua đang là hình ảnh xấu càng làm cho thành phố biển lu mờ trong tâm thức khách du lịch trong nước và quốc tế. Thật khó có thể tin một thành phố du lịch vốn đã từng được mệnh danh là "Thiên đường du lịch" nay trở thành điểm đen về nạn "chặt chém". Câu chuyện 5 đĩa cơm trắng giá một triệu đồng nghe buồn cười và khó tin song đó lại là sự thật. Nhưng điều đáng buồn hơn là những quán làm ăn chân chính đang bị "vạ lây" và mất dần uy tín chung chỉ vì một "con sâu làm rầu cả cộng đồng kinh doanh lành mạnh".

 

5 đĩa cơm trắng giá 1 triệu đồng


Câu chuyện 5 đĩa cơm trắng giá 1 triệu đồng được một người dân ở TP Vũng Tàu kể lại. Cách đây hơn ba năm về trước, một Việt kiều Mỹ về thăm quê hương và chọn Vũng Tàu làm điểm dừng chân. Sau khi bị một tài xế tắc xi mồi chài ngon ngọt, thực khách nọ đã đồng ý đến quán Như Ý. Sau khi xem thực đơn, anh đồng ý chọn món mà mình khoái khẩu.

 

Biển "cấm các loại xe, bán hàng trên vỉa hè, lòng đường" dọc đường Thùy Vân.

Cả gia đình anh ngồi ngắm biển và chờ đợi món ăn. Khi tính tiền, hóa đơn của bà chủ tự tay viết thêm 1 triệu đồng so với thực tế. Khi về nước Mỹ, anh đã viết thư kể lại câu chuyện bị "chặt chém" gửi về cho người thân ở Vũng Tàu. "Tôi là Việt kiều Mỹ. Trước đây khi về thăm Việt Nam, tôi và gia đình có đến quán Như Ý ăn uống. Khi gọi thức ăn, tôi hỏi rất rõ giá cả và cân đo đong đếm rõ ràng. Sau khi cân xong tôi đứng xem nhà hàng nấu và bưng lên bàn nên yên tâm ăn. Thế nhưng, khi ăn xong hóa đơn tính cao hơn một triệu đồng. Khi đọc kỹ những thức ăn tôi gọi họ tính tiền đều đúng nên không hiểu một triệu ở đâu ra? Tôi đọc kỹ hóa đơn lại một lần nữa thì ra đó là tiền năm đĩa cơm trắng. Tôi gọi chủ quán ra hỏi thì họ nói ở đây nấu gạo Mỹ nên một đĩa cơm 200.000 đồng. Gia đình tôi đành phải trả thêm một triệu đồng vì trước khi ăn không hỏi giá tiền một đĩa cơm trắng là bao nhiêu. Từ đó, gia đình tôi nói với nhau nhất định không bao giờ đến Vũng Tàu nữa".

 

Treo đầu dê bán thịt chó


Cách đây 2 năm về trước, một nhóm bạn thân của tôi từ Phan Thiết tới chọn Vũng Tàu làm kỳ nghỉ hè. Xe vừa dừng bánh ở trạm thu phí cầu Cỏ May, 2 cô nhân viên đã áp sát dí tờ rơi vào tay "xin mời quí khách đến nhà hàng của chúng tôi". Theo quảng cáo trên tờ rơi, chúng tôi đến nhà hàng Tây Hồ Thủy Tạ ở đường Võ Thị Sáu (nhà hàng này hiện nay không tồn tại ở địa điểm này nữa).

 

Đeo bám đòi khách mua đồ dùng.

Vừa đến cổng, 3 nữ nhân viên đã chạy đến mời chào xối xả. Nào quí khách dùng gì ạ? Câu cá thư giãn nhé, chúng tôi có đầy đủ phòng lạnh… và không quên bê 2 két bia, gần chục chai nước ngọt đặt trên bàn. Quan sát một vòng, nhận ra không đúng như những gì quảng cáo, chúng tôi đành từ chối "xin lỗi và hẹn gặp lại" rồi rời quán, thì ngay lập tức bị cô nhân viên chửi bới khiếm nhã rồi mang báo ra giữa đường đi đốt phong long. Thấy ngán với cung cách phục vụ của nhà hàng này, chúng tôi ra bãi Thùy Vân thuê ghế bố ngồi trước khi tắm. Cửa xe chưa kịp mở đã có 3 đứa trẻ và một phụ nữ sáp tới chào mời với đủ thứ "mặt hàng" như bấm móng tay, dầu gội đầu, lược, gương, lót giầy, thậm chí cả đồ lót. Mặc dù đã trả lời "không có nhu cầu", nhưng họ vẫn không tha mà còn đeo bám tới cùng. Cực chẳng đã, chúng tôi đành mua cái bấm móng tay với giá cắt cổ 45 ngàn mới được họ tha.


Chiều 21/2/2013, chúng tôi dừng xe trước khách sạn Sam My đường Thùy Vân liền bị hai phụ nữ bịt kín mặt sáp lại mời chào: "Mua gì đi anh, ngoài những thứ này chúng em còn có nhiều dịch vụ khác nữa". Dịch vụ khác là gì? Tôi hỏi. Người phụ nữ nhìn chúng tôi nheo mắt rồi nhìn về phía dãy nhà trọ dọc đường. Tôi ngầm hiểu họ đang tiếp thị mátxa trá hình nếu chúng tôi có nhu cầu. Khi tôi bất ngờ giương ống kính chụp ảnh, người phụ nữ đành quay đi và miệng lẩm bẩm chửi thề.


Đoạn đường Thùy Vân chạy dọc đến bãi Nginh Phong có nhiều công ty du lịch nổi tiếng kinh doanh ăn uống hải sản, dịch vụ tắm biển, thả diều, lướt ván, vui chơi giải trí, kinh khí cầu. Lợi dụng kinh doanh của các công ty này, nhiều người bán hàng rong tự phát đua nhau "chặt chém" khách. Đây là lực lượng làm đau đầu cơ quan chức năng vì rất khó quản lý. Hễ có khách du lịch, lực lượng này nhanh chóng xuất hiện mời chào đeo bám khách, thấy lực lượng quản lý kiểm tra lực lượng này nhanh chóng tẩu thoát. Khi không có khách du lịch, những người bán hàng rong liền ngả nón nằm luôn lên ghế say sưa ngủ. Xe của chúng tôi đến sát nơi người này cũng không biết. Mãi đến khi chúng tôi ghi hình chị ta mới hé đầu qua khỏi nón và không quên chửi lầm bầm. Và còn rất nhiều cảnh tượng không đẹp mắt khác nữa đang diễn ra hàng giờ trên bãi biển Vũng Tàu.


Được biết, từ đầu năm 2012, để đáp ứng yêu cầu "phản ứng nhanh" của khách du lịch, TP Vũng Tàu thiết lập đường dây nóng treo biển công khai ở một số nơi trên đường Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Thùy Vân để tiện cho khách phản ánh đến cơ quan chức năng khi bị chủ quán "chặt chém".


Những số điện thoại mà thực khách có thể liên hệ khi bị "chặt chém":


- Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu: 0989.217.417.
- Trưởng Công an phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu: 0913.947.870.
- Chủ tịch UBND phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu: 0918. 581.755.
- Công an phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu: 0643.852.264.
- Trưởng Công an phường 2, TP Vũng Tàu: 0913.758.658. Trực ban Công an P.2: 0643.524.088.
- Chủ tịch UBND phường 2, TP Vũng Tàu: 0918.010.963.
- Phó Chủ tịch UBND phường 2, TP Vũng Tàu: 0918.221.661.


MT

 

Kỳ 3: Vũng Tàu có còn là "Thiên đường du lịch"?

No comments:

Post a Comment