Sunday, February 3, 2013

Lua am cua tinh huu nghi

Lửa ấm của tình hữu nghị

Làng Nga, đó là tên gọi thân thuộc người dân TP Vũng Tàu dành cho cộng đồng người Nga đang sinh sống tại Khu năm tầng trên đường Nguyễn Thái Học. Thời điểm "cực thịnh", nơi đây có tới 5.000 người cư trú. Cuộc sống của họ, cùng tất cả những gì hiện hữu nơi đây, đủ để những ai, từng sống và học tập tại nước Nga, nhớ về một thời kỷ niệm. Kỹ sư V.A.Kun-đi-xép, phụ trách công tác khoan trên giàn RP II, tâm sự: Tôi có rất nhiều người bạn Việt Nam, nhất là những người đã từng học tập và làm việc ở nước Nga. Không ít người trong số họ nhớ về nước Nga như chúng tôi nhớ về quê hương mình. Mỗi lần như vậy, họ lại đến Làng Nga. Tại đây, họ phần nào vơi đi nỗi khắc khoải về mảnh đất từng cưu mang, nuôi dưỡng họ trong suốt những năm tháng xa quê.

Gần 20 năm gắn bó với Làng Nga, Kun-đi-xép và gia đình đã có hơn mười năm đón Tết ở Vũng Tàu: Tôi nhớ mãi cái Tết đầu tiên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, khác rất nhiều với những cái Tết ở Nga, chỉ có tình cảm thì ở đâu cũng vậy, chan chứa và ân tình. Tết Nguyên đán là Tết của Việt Nam, là phong tục truyền thống của các bạn. Song chẳng hiểu từ bao giờ, cán bộ, kỹ sư, công nhân người Nga trong liên doanh Vietsovpetro thấy thân thuộc như là Tết của mình. Cũng như nhiều cán bộ, kỹ sư người Nga khác, Kun-đi-xép có nhiều năm ăn Tết ở trên giàn. Anh tâm sự: Ở giàn khoan, chúng tôi thương nhau như anh em một nhà, không phân biệt người Nga hay người Việt. Tết đến, mỗi người mỗi việc, không ít người Nga giờ biết gói cả bánh chưng, giò thủ hay làm những món ăn dân tộc cổ truyền. Có năm, các bạn còn "bắt" chúng tôi xông đất, rồi tổ chức văn nghệ đón giao thừa. Vui, vui lắm.

Lịch sử hơn 50 năm xây dựng và phát triển của ngành dầu khí Việt Nam luôn ghi dấu những đóng góp quên mình của những người bạn Nga và nhiều quốc gia thuộc cộng đồng Liên bang Xô-viết. Kể từ mũi khoan đầu tiên, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, của Ðoàn thăm dò dầu khí 36 (tiền thân của Tổng cục Dầu khí và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) tại các tỉnh phía bắc, đến mũi khoan đi vào lịch sử của tàu Mi-khai-in Mir-chin, ngày 24-5-1984, phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên trên thềm lục địa, là cả một quá trình lao động và chiến đấu không ngừng nghỉ của những cán bộ, kỹ sư Việt Nam và các chuyên gia Xô-viết. Ngày 26-6-1986, giếng số 1, mỏ Bạch Hổ, cho dòng dầu thương phẩm đầu tiên. Trên giàn khoan, ngọn lửa cháy sáng, cho đến tận bây giờ, ngọn lửa ấy vẫn rực cháy trong lòng những người thợ dầu khí, như ngọn lửa ấm của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tin vui này làm ấm lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trên bản đồ dầu khí thế giới, một cái tên mới, trẻ trung đã xuất hiện: Việt Nam.

Nguyên Tổng Giám đốc Vietsovpetro V.S.Vovk (giai đoạn 1988-1991) nhớ lại: Giai đoạn này, sản lượng khai thác từ mỏ Bạch Hổ còn thấp, và dĩ nhiên hoạt động của xí nghiệp không thể sinh lời. Cần phải có những giải pháp để thay đổi tình hình. Nếu không, xí nghiệp rất có thể bị giải thể. Tiếp tục khoan và tiếp tục thử giếng. Ðó là những quyết định mang tính lịch sử. Khoan hết một choòng, đo khảo sát địa vật lý, không phát hiện gì. Khoan tiếp, đến 3 giờ sáng thì giếng hoạt động, áp suất gần 120 at. Tôi bay ra giàn ngay trong buổi sáng, nhanh chóng chuẩn bị lắp đặt ống liên kết, đưa giếng vào khai thác. Chỉ bốn tháng sau, chúng tôi đã chuyển giếng từ sơ đồ khai thác tạm thời sang sơ đồ khai thác thường xuyên, từ đây giai đoạn phát triển của Vietsovpetro bắt đầu. Sau khi đạt đỉnh khai thác vào năm 2002 với 13,5 triệu tấn, sản lượng khai thác của Vietsovpetro liên tục giảm mỗi năm một triệu tấn. Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến tâm sự: Theo sơ đồ quy hoạch, sản lượng khai thác của xí nghiệp liên doanh năm 2010 sẽ giảm xuống dưới sáu triệu tấn; đến năm 2013, chỉ còn 3,8 triệu tấn. Việc sụt giảm sản lượng khai thác không chỉ ảnh hưởng doanh thu và lợi nhuận cả hai phía, mà còn quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Ðó chính là "động lực" để Vietsovpetro đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, gia tăng hệ số thu hồi dầu khí. Và kết quả thật đáng khích lệ. Liên tục trong những năm từ 2009 đến nay, Vietsovpetro đã chặn đứng đà sụt giảm, duy trì ổn định sản lượng hằng năm hơn 6,3 triệu tấn, đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm kế hoạch thực hiện của toàn ngành. Không chỉ đẩy mạnh hoạt động thăm dò địa chất và khai thác ở trong nước, Vietsovpetro mạnh dạn mở rộng hoạt động ra nước ngoài, nhất là đầu tư sang LB Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây, nhằm phát huy thế mạnh của doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo chính quy tại LB Nga và những chuyên gia Nga từng công tác ở Vietsovpetro nay đã về nước. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã khai thác thành công hơn 200 triệu tấn dầu với tổng doanh thu hơn 60 tỷ USD, nộp ngân sách và lợi nhuận cho Nhà nước gần 39 tỷ USD, phía Nga gần 10 tỷ USD.

Xuất phát từ lợi ích của hai nước và tình hữu nghị giữa hai dân tộc, tháng 12-2010, đại diện hai Chính phủ Việt Nam và LB Nga đã ký Hiệp định về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trong khuôn khổ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, mở ra giai đoạn phát triển mới của Vietsovpetro đến năm 2030...

Năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán một hai tuần, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại tổ chức đoàn ra thăm, động viên tập thể lao động quốc tế Việt - Nga trên các công trình biển. Những cành mai, cành đào thắm sắc xuân, theo những chuyến bay, có mặt trên những giàn khoan từ rất sớm. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh chia sẻ: Ðặc khu Vũng Tàu - Côn Ðảo trước đây và Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay luôn mở rộng vòng tay với những người bạn Nga, mà Làng Nga là một minh chứng rõ nét nhất. Thành tích của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro trong hơn 30 năm qua thật đáng tự hào. Những đóng góp hiệu quả của tập thể lao động quốc tế Việt - Nga vào sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng là rất lớn. Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn sát cánh, chia sẻ với đơn vị, với những người lao động Vietsovpetro.

No comments:

Post a Comment