Sunday, February 24, 2013

Ba Ria-Vung Tau se chu dong chon loc nha dau tu

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chủ động chọn lọc nhà đầu tư

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chủ động chọn lọc nhà đầu tư

Quốc Hùng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Hồ Văn Niên - Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) - Sau một thời gian dài là một trong những tỉnh thành đứng đầu về thu hút vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài, giờ đây tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định sẽ tập trung phát triển kinh tế trong những lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, chủ động chọn lọc nhà đầu tư, trong đó, tỉnh sẽ chú trọng việc thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đầu năm, BR-VT thu hút 2.910 tỉ đồng vốn đầu tư

Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã chia sẻ về định hướng trên với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

TBKTSG Online: Theo thông tin tại Ngày hội đầu tư của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu diễn ra hôm 18-2, năm nay tỉnh sẽ thay đổi định hướng thu hút nhà đầu tư so với trước đây, vậy việc thay đổi này như thế nào, thưa ông?

- Ông Hồ Văn Niên: Có hai thay đổi cơ bản so với trước. Thứ nhất, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc chọn lựa nhà đầu tư và chọn lọc lĩnh vực để thu hút nhà đầu tư. Thứ hai, chúng tôi tập trung vào hai lĩnh vực kinh tế trọng tâm mà tỉnh có thế mạnh đó là kinh tế cảng biển và công nghiệp. Trong lĩnh vực kinh tế càng biển thì sẽ chú trọng dịch vụ logistics, còn trong lĩnh vực công nghiệp thì trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ.

Vậy những lĩnh vực trước đây vốn thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư lâu nay của Bà Rịa-Vũng Tàu như du lịch, dầu khí... sẽ như thế nào?

- Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến các lĩnh vực thuộc thế mạnh truyền thống của tỉnh mà vấn đề ở đây là chúng tôi đã tìm ra năng lực mới. Có năng lực mới thì sẽ tạo điều kiện để phát triển lâu dài.

Mặc dù lĩnh vực dầu khí hiện nay đang phát triển tốt, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu không thể cứ dựa vào lợi thế này để phát triển mãi. Hay trong lĩnh vực du lịch, hiện nay chúng tôi thu hút được nhiều dự án lớn (3-4 dự án có kinh phí trên 1 tỉ đô la Mỹ/dự án). Mục tiêu sắp tới của tỉnh là cố gắng thúc đẩy những dự án này sớm đi vào hoạt động để tạo điều kiện phát triển mạnh về du lịch.

Dĩ nhiên có những dự án mới, dự án tốt trong lĩnh vực này thì chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài là hướng về lĩnh vực logistic và công nghiệp phụ trợ. Bà Rịa-Vũng Tàu có thế mạnh lớn nhất là kinh tế cảng biển. Hiện nay hệ thống cảng biển được đầu tư nhiều nhưng dịch vụ logistics (hậu cần) mới là yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển. Trong ngành công nghiệp chúng tôi vẫn tiếp tục thu hút nhà đầu tư, nhưng tập trung đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ.

Việc chuẩn bị về cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư theo định hướng kể trên hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Do đã xác định từ ban đầu nên trong quá trình 20 năm đổi mới và phát triển, tỉnh đã đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật cho việc phát triển kinh tế cảng biển của tỉnh là tương đối tốt, có khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, một hạn chế rất lớn là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng dự án, các khu vực cảng biển đối với hệ thống quốc lộ và những đường liên tỉnh. Khó khăn này thật sự nằm ngoài tầm tay của tỉnh. Do đó, chúng tôi cần có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành của Trung ương. Nếu không có một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hoàn chỉnh thì không thể nào phát huy được lợi thế về kinh tế cảng biển, đặc biệt là dịch vụ logistics.

Liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ, chúng tôi đã thay đổi hẳn quan niệm phát triển khu công nghiệp. Hiện nay, một số khu công nghiệp đã hình thành rồi thì chúng tôi cố gắng để lấp đầy diện tích. Nhưng những khu công nghiệp mới thành lập thì phải đầu tư theo mô hình khu công nghiệp mới, được gọi là khu công nghiệp đô thị; nghĩa là khu công nghiệp không chỉ có nhà xưởng, mà phải có cả các dịch vụ cho đời sống và dịch vụ sản xuất để phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp đặt ở đó. Với những khu công nghiệp này, tỷ lệ diện tích dành cho nhà xưởng sản xuất sẽ ít đi mà tỷ lệ về cây xanh, thương mại, dịch vụ, đời sống, thậm chí cả nhà ở, khu vui chơi giải trí sẽ nhiều lên. Mô hình khu công nghiệp này còn mới ở Việt Nam, nhưng khá phổ biến ở các nước lân cận trong khu vực. Các nhà đầu tư Nhật Bản họ rất thích mô hình này.

Vậy hiện nay Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những khu công nghiệp theo mô hình mới này chưa?

- Hiện nay tỉnh đã có hai khu công nghiệp theo mô hình mới này gồm Phú Mỹ 3 và Đá Bạc. Theo kế hoạch, khu Phú Mỹ 3 sẽ bắt đầu đón nhận nhà đầu tư vào tháng 9 năm nay và khu Đá Bạc sẽ sớm hơn 3 tháng để thu hút các nhà đầu tư nhỏ và vừa vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Những dự án Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút đầu tư trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả như thế nào, thưa ông?

- Do ảnh hưởng của hai cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và 2010, một số dự án lớn mà chúng tôi cho rằng sẽ có tính lan tỏa cao bị chậm lại. Mặc dù vậy, trên thực tế, hiện nay một số nhà đầu tư của các dự án này cũng cố gắng cho triển khai dù gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như dự án Hồ Tràm Strip trong hai năm qua, chủ đầu tư đã rót vốn khoảng 500 triệu đô la Mỹ, còn khu VietsoPetro Resort chẳng hạn, nhà đầu tư cũng đã cố gắng đưa dự án này vào hoạt động. Chính những dự án này khi đi vào hoạt động đã kéo theo hàng loạt dự án nhỏ khác. Theo tôi, việc chậm trễ của nhà đầu tư chủ yếu là do ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế toàn cầu.

Ông dự báo việc thu hút đầu tư của tỉnh năm nay sẽ như thế nào?

- Năm nay, việc thu hút đầu tư chúng tôi hướng đến mục tiêu khác. Trong suốt 20 năm thu hút đầu tư, suất đầu tư trên từng dự án của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là rất cao. Hầu như chúng tôi chỉ thu hút những dự án lớn thôi. Ví dụ như trong 300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì tổng vốn đăng ký lên đến gần 28 tỉ đô la Mỹ. Do đã định hướng trọng tâm là lĩnh vực logistics và công nghiệp nên trong năm nay cũng như các năm tới chúng tôi không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm chỉ tiêu nữa vì vốn đăng ký của những dự án thuộc hai lĩnh vực này thường không cao.

Thay đổi thứ hai là các nhà đầu tư đến với chúng tôi trong thời gian tới sẽ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không phải là những tập đoàn, những công ty lớn nữa. Do đó đối với những nhà đầu tư này, chúng tôi phải có những yêu cầu, điều kiện riêng. Nhưng tựu chung chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho họ đầu tư làm ăn. Chúng tôi đang có đề án cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi được quy trình cũng như thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.

Trong thời gian qua doanh nghiệp nhỏ và vừa có đến với tỉnh nhiều không, thưa ông?

- Thực ra trong năm 2012 là khoảng thời gian dành cho khâu chuẩn bị là chính; các nhà đầu tư đến với tỉnh nhiều nhưng thực chất là để tìm hiểu, nghiên cứu. Tôi cho rằng năm nay sẽ có những dự án đầu tư thật sự đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi đang sẵn sàng đón họ vào giữa tháng 6 này.

Nhưng trong Ngày hội đầu tư, tỉnh cấp giấy phép cho 5 dự án có vốn đăng ký chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư dự kiến thu hút trong năm 2013. Tuy nhiên, 3 trong 5 dự án này lại chủ yếu là các dự án về phát triển du lịch. Ông có thể giải thích về điều này không?

- Trong 5 dự án nói trên có hai dự án công nghiệp đó là sản xuất rơ-mooc xe tải và xử lý chất thải. Tôi cho rằng đây là hai dự án rất quan trọng. Trên thực tế, vẫn còn một số dự án nữa được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian này. Tuy nhiên, phần lớn đây là những dự án về dịch vụ, quy mô vốn không lớn, nên tỉnh không đưa vào và chỉ chọn 5 dự án kể trên thôi.

Xin cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment