Wednesday, February 27, 2013

Vung Tau, “diem den” cua du lich “chat chem”

Vũng Tàu, "điểm đen" của du lịch "chặt chém"

Nạn đeo bám, "treo đầu dê bán thịt chó", "chặt chém" ở khu du lịch bãi biển Vũng Tàu nhiều năm qua tồn tại làm tổn hại đến khách du lịch mỗi lần đến đây. Đành rằng bãi biển thơ mộng, không khí trong lành nhưng vẫn không thu hút được khách thập phương một cách bền vững. Người dân ở Vũng Tàu "quá rành" nên khi đi tắm biển đem theo bánh mì và nước suối, còn khách ở xa đến một lần khiếp vía, có người "cạch" đến già. Bãi biển du lịch Vũng Tàu đang tự làm mất thương hiệu trong lòng du khách.

 

Qua lăng kính du khách


"Biển bẩn, quán ăn tệ", đó là nhận xét của một thực khách mà chúng tôi gặp ngay trên bãi Trước Vũng Tàu khi thực khách này vừa bị quán Thu Mai chặt chém trước đó chưa lâu. Anh còn cho biết thêm: "Sau một lần bị "cắt cổ" tại quán ăn Như Ý, tôi hứa sẽ không trở lại Vũng Tàu. Làm sao kéo khách lại VũngTàu? Vũng Tàu có gì hay, biển thì dơ, quán ăn thì tồi tệ".


 

Bãi biển Thùy Vân - Vũng Tàu ngổn ngang không đẹp mắt.

 

Anh Trần Văn Việt, là cán bộ ngành thương mại Vũng Tàu chia sẻ: "Là người dân của Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi lần gặp bạn bè đang sinh sống tại các tỉnh khác về du lịch tôi rất vui vì nghe họ nói mong muốn được đến tham quan thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp. Nhưng vài năm qua, nạn chặt chém, đeo bám khách, bãi tắm bẩn thỉu thực sự không còn hấp dẫn nữa. Bản thân tôi cũng thấy xấu hổ khi bạn mình phản ánh như vậy. Ngành du lịch và lãnh đạo thành phố sẽ làm gì với vấn nạn này? Có lẽ, chúng ta chưa xử lý một cách mạnh tay và quyết liệt đối với những kẻ làm xấu đi hình ảnh xinh đẹp của thành phố biển du lịch.


Anh Đinh Văn Thắm, chủ quán phở Bắc Hải trước đây đã từng mở quán phở tại bãi du lịch Nghinh Phong cho biết: "Hơn một năm đầu quán phở của tôi bán rất tốt. Mỗi tô phở 25.000 đồng, hợp với giá cả. Nhưng sau đó, nạn chặt chém, đeo bám ở bãi biển này nhiều quá nên khách đến thưa dần. Nếu trước đây vào ngày nghỉ cuối tuần khách đến bãi biển đông nghẹt, thì nay chỉ còn 1/3".


- Ngoài nạn chặt chém, đeo bám còn có "nạn" nào khác nữa?


- Có đấy, đó là nạn mua tài.


- Mua tài? Nghĩa là thế nào?


 

Đi đâu cũng gặp cảnh chèo kéo khách du lịch mua hàng rong.

- Là các khu du lịch "đút" tiền cho lái xe để người lái xe đem khách đến bãi biển của họ. Anh Thắm còn cho biết thêm: "Xuất phát từ làm ăn cạnh tranh thiếu lành mạnh, nên khu du lịch nào cũng đua nhau tranh giành khách. Để có khách đến bãi biển của mình, chủ các bãi biển đã "lót tay" cho lái xe trước qua điện thoại. Tài xế chở khách đến Vũng Tàu là nhanh chóng "tấp" du khách ngay vào bãi biển đã "hợp đồng" từ trước. Mỗi lần như thế, lái xe được chủ bãi biển bo 500.000 đồng đến tiền triệu. Du khách đến bãi biển theo lái xe chỉ dẫn, vậy là tha hồ bị "chặt chém". Nếu TP không có biện pháp ngăn chặt kịp thời, bãi biển Vũng Tàu tới đây sẽ là nơi đổ rác". Nghĩa là thế nào thưa anh? - nghĩa là khách bị "chặt chém" nên họ sẽ đem đồ ăn theo mỗi khi đi tắm biển. Ăn xong họ cũng sẵn sàng xả ra bãi biển là điều không tránh khỏi, lúc đó các quán bán hàng sẽ bị tê liệt vì chẳng ai mua - anh Thắm quả quyết.


Nói về chất lượng nước ngọt tại các bãi tắm, anh Thắm nhận xét: "Nước ngọt tất cả các khu du lịch dịch vụ đều không bảo đảm chất lượng. Mỗi lần khách du lịch tắm ở biển xong mất thêm 20.000 đồng để tráng nước ngọt qua người. Nước ngọt này thực chất là nước giếng bơm nên rất nhiều phèn. Gội đầu xong tóc cứng đơ và bết thành mảng. Bây giờ họ không tắm nước ngọt ở dịch vụ nữa mà mua nước lọc tinh khiết loại chai 20 lít để tắm. Thức ăn nước uống đều đem theo ".

 

Cần một cuộc "giải phẫu" đồng bộ


Dọc gần chục ki lô mét đường Thùy Vân (Bãi Sau) chạy dài tới Mũi Nghinh Phong và Bãi Trước, có hàng trăm biển "cấm bán hàng rong, chạy xe trên vỉa hè". Hàng giờ vẫn có hàng trăm người đi xe máy "vô tư" trên vỉa hè, hàng nghìn người bán hàng rong chầu chực có khách là nhanh chóng nhào đến chèo kéo bắt mua cho bằng được. Ngay trước cổng Khách Sạn Mỹ Lệ, chúng tôi phát hiện có cả một đội quân bán hàng rong liên kết với nhau để sẵn sàng "chặt chém" khách. Họ chỉ chạy tán loạn mỗi khi có công an đuổi và sẵn sàng ngả nón ngủ ngay trên ghế đá. Xen giữa hàng dừa phía sát biển, nhiều chiếu đánh bài ăn tiền giữa ban ngày sát phạt nhau. Những hình ảnh ấy đang làm cho Vũng Tàu xấu dần trong con mắt khách du lịch.


Nạn "chặt chém" khách du lịch diễn ra thời gian dài như vậy không phải cơ quan chức năng không biết, không phải chính quyền địa phương không hay, nhưng làm gì để ngăn chặn tệ nạn này thì còn bỏ ngỏ.


Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Tú nhà ở khu vực bãi Thùy Vân ngày nào cũng chứng kiến cảnh chèo kéo khách cho biết: "Có thể nói rằng, để hiện tượng chèo kéo, "chặt chém" khách tồn tại lâu như vậy là do chính quyền địa phương chưa có biện pháp mạnh tay, nói cách khác là phạt chưa đủ sức răn đe, mà nguyên nhân là lỏng lẻo trong việc kiểm tra, quản lý, chưa phát huy được tố giác của nhân dân. Chính quyền và cơ quan chức năng chỉ xử lý sau khi báo chí nêu (sự việc đã rồi) thì chỉ ngăn được phần ngọn. Xử lý hành chính không dứt điểm chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa, lâu ngày nhờn thuốc". Để nạn chèo kéo, "chặt chém" tồn tại, chứng tỏ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương thành phố Vũng Tàu yếu kém trong công tác kiểm tra quản lý. Theo tôi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tăng cường kiểm tra đột xuất để bắt "quả tang" những quán có "tiền sử" "chặt chém", chứ không chờ báo chí nêu rồi mới xử lý. Bên cạnh đó, giao cho chính quyền địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ. Phường nào có nạn "chặt chém", cán bộ phường đó chịu trách nhiệm. Phát huy vai trò của tổ dân phố trong đấu tranh chống nạn "chặt chém" ở các quán. Khi phát hiện phải xử lý mạnh tay, phạt tiền, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh đối với quán vi phạm nhiều lần nhưng vẫn tái diễn".


Bài và ảnh:M.T

 

No comments:

Post a Comment