Friday, February 1, 2013

Ba Ria

Bà Rịa

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), năm 2012 trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, làm chết 21 người, tăng 7 vụ so với năm 2011.


     Năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết từ 2 người trở lên. Điển hình như vào ngày 18-11-2012, tại cảng hạ lưu PTSC (thuộc Tổng Công ty cổ phần dịch vụ dầu khí – PTSC) đã xảy ra TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 3 người và bị thương 2 người. Vào thời điểm xảy ra vụ TNLĐ, anh Đỗ Văn Thương (37 tuổi, làm việc tại Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí) đang điều khiển cần cẩu loại CC6800, trọng tải 1.250 tấn để cẩu blốc nặng 360 tấn thì cẩu bị đổ xuống mặt đất. Vụ tai nạn xảy ra đã làm chết 3 người, gồm: Đào Văn Dũng (44 tuổi, công nhân Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí), Nguyễn Hồng Nam (20 tuổi), Nguyễn Đình Châu (31 tuổi), đều là công nhân của Công ty cổ phần cung cấp dịch vụ phương tiện nổi - SVS. Hai công nhân bị thương là Nguyễn Tiến Hùng (39 tuổi, Công ty SVS) và Võ Xuân Thủy (60 tuổi, Công ty bảo vệ Thái Bình Dương). Các vụ TNLĐ khác xảy ra tại các đơn vị: Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Thái Sơn; Công ty TNHH Nhơn Thủy; Công ty TNHH Hoài Phát; Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ; Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng dầu khí; Công ty TNHH Long Thanh; Công ty TNHH Hưng Nghiệp Thành; Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu; Công ty cổ phần Cầu 12...

     Theo thống kê, TNLĐ chết người xảy ra nhiều nhất vẫn là trong lĩnh vực xây dựng. Đây là lĩnh vực thường thiếu sự giám sát của các ngành chức năng về an toàn lao động. Kết quả điều tra cho thấy, trong các vụ TNLĐ, nguyên nhân chủ yếu đến từ chính sự chủ quan của người lao động với lỗi thường gặp là: Vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Đánh giá của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục như: Công nhân làm việc dưới bán kính quay của cần cẩu khi thi công ép cọc công trình vẫn thường xuyên diễn ra, thậm chí còn đeo bám người trên móc cẩu; việc đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động còn mang tính hình thức; một số mũ bảo hộ lao động được đặt tại văn phòng ban chỉ huy công trường chỉ để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Các trang thiết bị khác như găng tay, quần áo bảo hộ lao động, ủng, giày… còn thiếu. Mặt khác, công nhân xây dựng hầu hết là lao động phổ thông, được chủ thầu thuê mướn thời vụ nên ý thức chấp hành nội quy an toàn vệ sinh lao động còn rất thấp. Ngoài ra, nhiều vi phạm khác của cả người sử dụng lao động và người lao động tiết giảm tối đa chi phí và thiếu ý thức trong việc thực hiện quy trình, quy phạm và nội quy công trường…

     Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Phòng Chính sách – Lao động Việc làm, Sở LĐTBXH cho biết, trong các đợt kiểm tra về công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp cho thấy, rất nhiều đơn vị được kiểm tra chưa nắm rõ các văn bản, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp có môi trường lao động độc hại nhưng chưa, hoặc không thực hiện bồi dưỡng chế độ độc hại bằng hiện vật cho người lao động và cho rằng chế độ này được trả vào lương hàng tháng. "Thực tế cũng cho thấy, những công trình lớn, trọng điểm đầu tư tốt, TNLĐ được kiểm soát và có giảm. Những nơi chưa quan tâm đầu tư phương tiện cần thiết, giải pháp an toàn chưa được thực thi đã làm cho TNLĐ gia tăng. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, tự kiểm tra của các doanh nghiệp chưa được thường xuyên. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân do yếu tố khách quan như tình hình khó khăn về kinh tế ảnh hưởng đến nguồn kinh phí đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động", ông Nguyễn Phi Hùng cho biết thêm.

No comments:

Post a Comment