Monday, February 25, 2013

Vung Tau, “diem den” cua du lich “chat chem”

Vũng Tàu, "điểm đen" của du lịch "chặt chém"

Thành phố Vũng Tàu một thời đã từng là điểm đến du lịch hấp dẫn của hàng triệu khách du lịch thập phương trong và ngoài nước. Khách đến Vũng Tàu du lịch không chỉ được đi chân trần trên Bãi Trước, Bãi Sau hứng gió biển lồng lộng bốn mùa, mà còn được phóng tầm mắt về phía biển khơi với những giàn khoan rực sáng lửa hồng từ Núi Chúa cao hơn 500 m so với mặt nước biển. Những con đường ngoằn nghoèo uốn lượn quanh triền núi Lớn, núi Nhỏ đã từng là 1 trong 10 con đường đẹp nhất Việt Nam. Đó là hình ảnh của Vũng Tàu cách đây 10 năm về trước. Còn bây giờ đến Vũng Tàu du lịch, người ta sợ nhất là nạn "chặt chém", chèo kéo khách, tắm nước bẩn và sợ trộm cắp đồ.


 

Quán Thu Mai - điểm đen của nạn "chặt chém" khách du lịch.

 

Hơn 2 năm trở lại đây, nạn "chặt chém" khách về Vũng Tàu du lịch đã trở thành dịch. Mặc dù không ít lần cơ quan chức năng liên ngành kiểm tra phạt tiền từ sự phản ánh của khách du lịch, nhưng nạn "chặt chém" không chấm dứt, mà còn "nhờn thuốc". Một trong nhiều quán "chặt chém" du khách không thương xót là quán Thu Mai ở số 306 đường Phan Chu Trinh, phường 2, TP Vũng Tàu, do bà Trần Thanh Hương làm chủ quán.


Quán Thu Mai thực chất là quán Như Ý trước đây và "tai tiếng nổi cộm" với nhiều "chiêu cân gian bán lận" bằng nhiều thủ đoạn lừa dối tinh vi. Trên biển hiệu quảng cáo trước quán là doanh nghiệp tư nhân Thu Mai (DNTN Thu Mai) chuyên kinh doanh ăn uống "cơm gia đình, đặc biệt các món lẩu hải sản tươi sống". Chính thương hiệu "DNTN Thu Mai" lập lờ này, mà khách du lịch bị "luộc" đẹp. "Ai đến đây cũng nghĩ "đã là doanh nghiệp thì không có chuyện 'chặt chém', lừa gạt", nhưng "các thượng đế" đều nhầm. Vào quán Thu Mai chỉ có chết, nó 'chém' đau hơn dao, không kể đó là ai"- một người dân địa phương ở đây phản ánh.


- Chẳng lẽ chính quyền địa phương bó tay à?

- Mặc dù cơ quan liên ngành rồi công an kiểm tra, nhưng đâu lại vào đấy. Tôi nghĩ phạt chưa đủ mạnh - người dân nọ nói chắc chắn.


Để làm rõ thực hư, chúng tôi tìm đến quán Thu Mai chiều thứ năm trong vai khách du lịch. Từ bên này đường nhìn qua, quán vắng hoe khách, chỉ vài chiếc xe hơi đậu phía ngoài hai bên cửa ra vào, nhưng lại có một số người (đoán là người bảo vệ, nhưng không mặc áo bảo vệ). Ghé quán nước ven đường tìm hiểu, hàng chục người đều cho rằng bà chủ quán Thu Mai "chặt chém" khách với nhiều thủ đoạn tinh vi và luôn có lực lượng bảo vệ sẵn sàng áp đảo khách du lịch. Sự việc "chặt chém" của quán Thu Mai ngày mùng 3 Tết được ông Nguyễn Tùng Nghĩa ngụ tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, kể lại: Trưa 12/2 (mồng 3 Tết), gia đình ông Nghĩa đến Vũng Tàu du lịch. Chân ướt chân ráo chưa biết đi đâu ăn uống cho hợp túi tiền, thì liền được tài xế taxi của hãng Petro mồi chài ngon ngọt: Nào quán đó ăn ngon mà giá cả hợp lý lại tiện tắm và ngắm biển.

 

Chủ quán Trần Thanh Hương (ngồi giữa) bị cơ quan chức năng "sờ gáy".

 

Nghe bùi tai, gia đình ông Nghĩa đến quán Thu Mai. Vừa ngồi vào ghế, nhân viên của quán đã đưa thực đơn và "tiếp thị". Vì tiền không nhiều nên ông Nghĩa chỉ gọi món lẩu cua gạch và lẩu tôm sú phần ăn cho 5 người. Gia đình ông Nghĩa chờ đợi trong niềm phấn khởi đến Vũng Tàu đầu năm mới việc gì cũng thuận lợi. Ăn xong, khi gọi chủ quán tính tiền, ông Nghĩa chết lặng với số tiền phải trả lên đến 3,6 triệu đồng. Xem lại thực đơn, đối chiếu với món mình đã chọn ăn, thấy có nhiều khuất tất. "Mười con tôm sú mỗi con to bằng ngón tay cái mà nó bảo 1,4 kg và tính mỗi ký đến 900.000 đồng. Cái lẩu cua gạch có ba con to bằng bốn ngón tay nó hét 1,8 kg với 750.000 đồng/kg. Tôi bức xúc quá nên gọi điện cho báo chí, cơ quan chức năng, công an ở địa phương".


Ngay sau khi được ông Nghĩa phản ánh, và báo chí đưa tin, ngày 16/2/2013, đoàn kiểm tra liên ngành TP Vũng Tàu đã đến quán ăn Thu Mai kiểm tra đột xuất. Tại đây, bà Trần Thanh Hương - chủ quán Thu Mai đã đưa 10 con tôm sú loại lớn, to gần bằng nửa cổ tay lên cân thì được ngót nghét 1,4 kg. Tuy nhiên, trao đổi lại với chúng tôi, ông Nguyễn Tùng Nghĩa khẳng định 10 con tôm sú mà gia đình ông đã ăn ở quán Thu Mai mỗi con chỉ to bằng ngón tay cái. Tại đây, bà Hương đưa ba con cua gạch lên cân được 1,8 kg. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa và những người thân của gia đình ông, mỗi con cua mà gia đình ông ăn chỉ bằng bốn ngón tay gộp lại, còn cua do bà Hương đưa ra cân trước mặt đoàn kiểm tra to bằng cả bàn tay. Tìm hiểu thêm những người buôn bán xung quanh quán Thu Mai, một chị bán hàng ăn khu vực đường Phan Chu Trinh cho biết: "Quán ấy nhiều thủ đoạn lắm. Chuyên trói cua bằng vải to thấm nước cho nặng ký, quán ấy thường xuyên cân gian bán lận".


Để làm rõ thực hư, cơ quan kiểm tra liên ngành đã yêu cầu bà Trần Thị Anh Thư là nhân viên ghi món ăn cho khách giải trình. Bà Thư lúng túng và thừa nhận: "Tôi không cân cua, tôm cho khách mà chỉ bốc ước lượng, khi cân cua, tôm, khách không nhìn thấy mặt cân".


Để so sánh giá cả, chúng tôi đã ghé vào quán ăn hải sản trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 1, Vũng Tàu, chủ quán này đã đưa cả cuốn thực đơn và phân trần: " Sau khi "chặt chém" khách không thương xót hồi năm 2012, quán Như Ý đổi tên thành Thu Mai. Thực chất đây là chiêu đánh lừa khách du lịch dưới cái tên khác. Trong những ngày Tết dù là đắt hơn ngày thường thì giá tôm sú nuôi cũng chỉ bán 400.000 đồng, tôm sú biển 430.000 - 500.000 đồng/kg (tùy loại), còn cua loại lớn chỉ khoảng 500.000 đồng/kg. Tất cả chúng tôi đều bán như thế.


M.T

Kỳ 2: Vấn nạn "chặt chém" và đeo bám

No comments:

Post a Comment