Sunday, October 21, 2012

Can khoanh vung muc tieu chong ngap

Cần khoanh vùng mục tiêu chống ngập

Cần khoanh vùng mục tiêu chống ngập

TT - Liên quan đến dự án "đê biển Vũng Tàu - Gò Công" và giải pháp chống ngập ở TP.HCM khi mưa lớn kết hợp triều cường, TS Võ Kim Cương - nguyên phó KTS trưởng TP.HCM - vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết.

Xin được giới thiệu:

Mưa lớn gây ngập trên đường Đồng Đen, quận Tân Bình, TP.HCM (ảnh chụp ngày 1-10) - Ảnh: Minh Đức

Phương án đê biển Vũng Tàu - Gò Công chưa xác định đúng mục tiêu nếu chỉ là để "ngăn nước biển dâng, ngăn sóng biển..." chứ không phải chống lũ lụt. Mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng phải là chống ngập do triều cường cùng lúc với đỉnh lũ.

Vùng mục tiêu nhỏ

Chống ngập là làm cho vùng cần chống ngập (tạm gọi là vùng mục tiêu) không bị ngập. Điều dễ hiểu là vùng mục tiêu càng nhỏ thì chi phí chống ngập càng ít. Mục tiêu chống ngập phải là đảm bảo sao cho vùng mục tiêu không bị ngập trong mọi tình huống, trong đó tình huống xấu nhất là vào thời điểm vừa đỉnh lũ vừa đỉnh triều, tạm gọi đó là thời điểm thủy đỉnh. Nếu xây đê biển, chiều cao của mặt đê phải cao hơn thủy đỉnh. Khi triều cao sẽ đóng cửa cống để ngăn triều, khi lũ cao sẽ mở cống để xả lũ. Nhưng vào thời điểm thủy đỉnh, để chống ngập chỉ có cách duy nhất là bơm nước ra biển. Với phương án đê biển Vũng Tàu - Gò Công, vùng mục tiêu bao gồm toàn bộ vùng đất thấp thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Vào thời điểm thủy đỉnh hoặc là phải bơm một khối nước gây ngập khổng lồ do mưa trên toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai, hoặc là bó tay chịu ngập. Đây là sai lầm cơ bản của phương án đê biển. Cần nói thêm, thời tiết mấy năm gần đây cho thấy thời điểm thủy đỉnh xảy ra thường xuyên, thiệt hại do ngập gây ra cho người dân TP.HCM đã rất đáng kể.

Việc khoanh vùng mục tiêu quá lớn của dự án, bao gồm cả vùng không cần chống ngập như rừng ngập mặn, vùng đất nông nghiệp canh tác theo mùa, diện tích sông rạch... tạo nên sự bất khả thi của dự án.

Để chống ngập vào thời điểm thủy đỉnh, phải khoanh định lại vùng mục tiêu. Vùng mục tiêu lúc này là vùng có nguy cơ ngập vào thời điểm thủy đỉnh (đã không còn khả năng tôn cao nền). Giải pháp duy nhất vào thời điểm này là bơm lượng nước mưa rơi trên vùng mục tiêu đã được bao quanh bằng đê bao. Rõ ràng lượng nước mưa này rất nhỏ so với lượng nước phải bơm do mưa trên toàn lưu vực sông Đồng Nai.

Đê bao - phương án duy nhất

Hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra từ từ, nhưng phương án chống ngập cần được xác định gấp rút, càng sớm càng tốt vì ảnh hưởng tới các phương án quy hoạch phát triển đô thị và toàn bộ nền kinh tế khu vực. Chống ngập nói chung chỉ có hai phương án là đắp đê và tôn cao nền. Đối với khu vực đô thị hiện hữu của TP.HCM, kể cả một số khu đô thị mới đã và đang xây dựng hiện nay, không thể tôn cao nền được nữa. Khi khả năng tôn cao nền không còn thì phương án đê bao là phương án duy nhất để chống ngập vào thời điểm thủy đỉnh. Hơn nữa, phương án đê bao, với vùng mục tiêu nhỏ, hầu như không làm ảnh hưởng tới giao thông thủy và có thể đầu tư làm dần dần (không phải tập trung lượng vốn quá lớn vào thời kỳ cần dành vốn cho đầu tư phát triển).

Điều mấu chốt lúc này là phải dứt khoát từ bỏ ngay phương án đê biển để ngay lập tức khoanh vùng mục tiêu chống ngập cho toàn lưu vực. Trên cơ sở đó sẽ quy hoạch lại đô thị, quy hoạch lại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong vùng, đồng thời phải nhanh chóng quy hoạch dành quỹ đất để đắp đê bao. Trừ khu vực nội thị phải đầu tư tập trung, khu vực ngoại thị có thể tiến hành từng bước, giống như ông cha ta đã đắp đê ở đồng bằng Bắc bộ.

TS VÕ KIM CƯƠNG

No comments:

Post a Comment