Friday, October 12, 2012

Chuyen dia phuong: Bien “nuot” dat lien!

Chuyện địa phương: Biển "nuốt" đất liền!

Thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đang có 6 khu vực bờ biển bị xâm thực nặng nề gồm: Bãi tắm Thùy Vân, Paradise, Trại Nhái, cửa Lộc An, Hồ Tràm và Bình Châu.

Chuyện địa phương: Biển
Biển "nuốt" đất liền làm nhiều gốc dương bị bứng gốc ở một khu du lịch trên địa bàn Xuyên Mộc - Ảnh Nguyễn Long

Trong hơn 10 năm qua, hiện tượng xâm thực khu vực biển Lộc An  đã làm biến mất toàn bộ giồng cát có chiều cao trên 10m rộng trên 50m; giồng cát cửa sông Ray cao khoảng 5m, dài 400m cũng bị "xóa sổ"; biển còn xâm thực nặng nề  bờ biển tại Đồn Biên phòng 492 (đều thuộc H.Xuyên Mộc)…Một người dân  ấp Bến Cát, xã Phước Thuận, H.Xuyên Mộc; gần Khu du lịch Hồng Hà) cho biết: "Trước đây, nơi này là rừng dương nhưng đã bị biển nuốt chửng từ nhiều năm qua sâu hơn 100m. Riêng tường rào, chòi lá và hàng trăm cây dương của Khu du lịch Hồng Hà cũng bị biển xâm thực trong những năm qua giờ vẫn còn vết tích trên bãi cát sau khi thủy triều rút".

UBND H.Xuyên Mộc đã kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngành chức năng xem xét, có giải pháp khắc phục tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển, nhất là ở các khu du lịch trên địa bàn. Để tự cứu mình, các chủ khu du lịch, bãi tắm đã tự đầu tư xây kè chắn xói lở, dùng bao cát, cây che chắn, nhưng việc chống biển xâm thực không mang lại kết quả gì.

Còn tại khu vực Trại Nhái (P.12, TP.Vũng Tàu), hiện tượng biển xâm thực cũng đáng báo động. Khoảng 10 năm nay, biển đã nuốt hàng trăm mét đất ở khu vực này. Một cán bộ UBND P.12 cho biết: "Những hộ dân sống khu vực này phải liên tục di dời nhà vì biển nuốt đất liền trong thời gian qua. Nguyên nhân là do sóng, gió và dòng chảy tác động mạnh vào vùng bờ, đồng thời tình trạng khai thác cát không hợp lý làm xói lở ở khu vực cửa sông và vùng ven biển".

Được biết, vào năm 7.2005, đề án chống xói lở biển bằng công nghệ Stabiplage của Pháp đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thí điểm tại cửa biển Lộc An với mục tiêu chống xói lở bờ biển trên chiều dài 500m, nhằm bảo vệ khu đầm phá bên trong, khu vực dân cư, khu du lịch, con đường ven biển đối diện với cửa mở... Qua thử nghiệm cho thấy, công nghệ này đã chặn đứng xói lở, đồng thời phục hồi lại bãi cát và tiến ra phía biển một cách tự nhiên trung bình khoảng 25 - 30m (có nơi từ 60 - 70m). Tuy nhiên, do giá thành của công nghệ này cao nên chưa được áp dụng rộng rãi tại các khu vực biển tương tự.

Ông Vương Quang Cần- Phó giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực đất liền cần phải có những biện pháp cụ thể rõ ràng mới hiệu quả. Chính vì vậy, hiện nay các nhà khoa học đang nhiên cứu nhiều đề tài để đưa ra giải pháp ngăn chặn biển xâm thực, bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả.

Nguyễn Long

No comments:

Post a Comment