Friday, October 5, 2012

Tro cap khi cham dut hop dong

Trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng

Vấn đề ông Thanh hỏi, luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không tính hưởng trợ cấp thôi việc

Theo quy định tại khoản 3, Điều 36, Điều 37 và khoản 1 Điều 42 Bộ Luật lao động năm 1994 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007) khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) được hai bên thỏa thuận chấm dứt, hoặc người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thời gian báo trước đúng quy định thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có).

Tại Điều 41 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc. Thời gian người lao động thực tế làm việc theo các bản hợp đồng lao động mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc.

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Tại khoản 4 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) định nghĩa người thất nghiệp như sau: Người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.

Theo quy định tại Điều 81 Luật BHXH, Điều 15 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, đã được hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 thì điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 1 ngày trong tháng đó.

- Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố trực thuộc Trung ương khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm (ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc).

Ngày làm việc áp dụng cho tất cả các trường hợp trong Thông tư này là ngày làm việc từ ngày thứ hai đến hết ngày thứ sáu hằng tuần.

Cụ thể các vấn đề ông ông Thanh hỏi: Về trợ cấp thôi việc, nếu người lao động ở công ty ông xin thôi việc được giám đốc công ty đồng ý, hoặc người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ có báo trước đúng thời gian quy định, thì công ty có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Thời gian người lao động làm việc trước ngày 1/1/2009 đươc tính trả trợ cấp thôi việc.

Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2009 trở đi sẽ không được tính trả trợ cấp thôi việc.

Cách tính trợ cấp thôi việc và chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động khi chấm dứt HĐLĐ áp dụng quy định tại Điều 2, Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH sửa đổi khoản 3, mục III, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

Trợ cấp thôi việc với người làm việc tại nhiều đơn vị

Thời gian tính trợ cấp thôi việc

Chế độ thôi việc khi chuyển công tác

Chế độ thôi việc đối với công chức cấp xã

Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

Quyền lợi của người lao động khi mất việc làm

Cách tính trợ cấp mất việc làm cho lao động ở DN bị giải thể

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính hưởng trợ cấp thôi việc

No comments:

Post a Comment