Wednesday, October 17, 2012

Du an “De bien Vung Tau

Dự án "Đê biển Vũng Tàu

Dự án "Đê biển Vũng Tàu - Gò Công":

Chỉ mới là ý tưởng

TT - Trong khi báo chí thông tin TP.HCM, một trong những địa phương được xem là hưởng lợi từ dự án "Đê biển Vũng Tàu - Gò Công", đã phản đối dự án này thì ông Nguyễn Xuân Diệu, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT - đơn vị nghiên cứu dự án), cho rằng đây chỉ mới là ý tưởng.

Sơ đồ vị trí tuyến đê biển Gò Công - Vũng Tàu - Đồ họa: Như Khanh

Nhằm thông tin nhiều chiều, Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

* Ông Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM):

20-30 năm sau hãy nghĩ đến

Theo tôi, nguy cơ gây ngập lớn nhất cho TP.HCM hiện nay là lũ từ thượng nguồn chứ không phải từ nước biển dâng, bão biển nên trong điều kiện hạn hẹp vốn mà chia sẻ nguồn vốn quá lớn cho dự án này là một sai lầm về mặt kinh tế. Nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng phải vài chục năm chứ không thể xảy ra ngay lập tức. Thay vì lấy tiền đầu tư một dự án lớn như vậy, nên dùng tiền chi cho các công tác chống ngập khác thì hiệu quả hơn.

Về mặt khoa học, khi xây đê biển sẽ tạo ra hồ chứa hàng tỉ mét khối nước có khả năng làm giảm mực nước đỉnh nhưng lại làm tăng mực nước dâng. Khi đó, việc tiêu nước từ nội thành TP.HCM ra sẽ bị hạn chế. Ví dụ khi gặp triều cường thì dùng hồ chứa nước để hạ thấp đỉnh nhưng khi gặp mưa thì nước không thoát ra được. Vấn đề đáng lo ngại nữa là môi trường, việc đánh giá dự án này gây ảnh hưởng như thế nào đối với rừng ngập mặn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Việc xây đê biển làm giảm độ mặn (ngăn nước biển) thì rừng ngập mặn sẽ phát triển ra sao?

Ngoài ra, nếu triển khai dự án này sẽ làm tàu thuyền ra vào các cảng biển nước sâu như Cái Mép, Thị Vải bị hạn chế rất nhiều. Các cảng này phục vụ kinh tế nhiều tỉnh phía Nam chứ không riêng của TP.HCM nên sẽ có khoảng 20 tỉnh thành bị ảnh hưởng.

Theo tôi, có lúc chúng ta sẽ cần đến dự án này nhưng 20-30 năm sau hãy nghĩ đến.

* Ông Nguyễn Xuân Diệu (phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ NNPTNT):

Đến thế hệ sau cũng chưa thể triển khai được...

Dự án này xuất phát từ ý tưởng của một số nhà khoa học thủy lợi, được Bộ NNPTNT đưa vào nghiên cứu từ mấy năm trước. Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng chỉ yêu cầu nghiên cứu thật kỹ, nếu thấy khả thi thì đưa vào quy hoạch. Theo tôi, từ ý tưởng như thế còn phải nghiên cứu rất kỹ vì đây là "siêu dự án", chứ thực tế chưa đâu vào đâu cả, có khi đến thế hệ sau, lúc có thật nhiều tiền cũng chưa thể triển khai được.

Trong quyết định phê duyệt quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long  2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà Thủ tướng vừa phê duyệt cũng chưa đưa siêu dự án đê biển Gò Công - Vũng Tàu này vào mà chỉ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu kỹ.

Bộ NNPTNT chỉ đề xuất phương án là dự án chỉ có thể ngăn nước biển dâng, ngăn sóng biển và bảo vệ các vùng đất bên trong, chứ chưa đề cập khả năng chống lũ lụt của tuyến đê biển này. Theo tôi, tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công làm thu hẹp dòng chảy của đường thoát lũ tự nhiên nên không thể tăng khả năng thoát lũ. Rồi cả hệ thống giao thông, cảng biển, sinh thái nữa, chỉ cần nhìn qua cũng biết là khó thực hiện được! Ngoài ra, tuyến đê biển này sẽ làm cản trở hoạt động của các tàu thuyền tại các cảng...

QUẢNG KHẢI - Đ.BÌNH ghi

No comments:

Post a Comment